| Hotline: 0983.970.780

Làng hoa cúc vào vụ Tết

Thứ Năm 29/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Tết còn xa, nhưng những hộ trồng hoa cúc ở phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) đã tất bật với những chậu cúc còn non tơ để chuận bị cho mùa hoa Tết.

Hoa cúc vào mùa

Trước đây, tại khối Vĩnh Liêm thuộc phường Bình Định (TX An Nhơn) có khoảnh đất rộng chưa sử dụng, người trồng cúc ở phường Bình Định tận dụng để SX, hình thành nên làng cúc Vĩnh Liêm.

Năm nay, khoảnh đất trống đã được quy hoạch đưa vào sử dụng, không còn đất, những hộ trồng cúc chạy tứ tán khắp nơi thuê đất để làm. Dù khó khăn nhưng những nông dân đã có hàng chục năm gắn bó với hoa cúc tết ở đây vẫn bám nghề.

Đến giờ này, cúc tết ở phường Bình Định đã xuống giống được gần 1 tháng, những cây cúc con đã lên xanh mơn mởn. Đây là thời điểm những hộ trồng cúc bắt đầu cắt ngọn để cây cúc đẻ nhánh.

Chị Hồ Thị Hoàng ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định, chủ vườn cúc 1.400 chậu vừa lia kéo cắt những ngọn cúc vừa vui vẻ trò chuyện: “Sau khi cắt ngọn, cây cúc sẽ được 2-3 nhánh, chỉ những cây phát triển yếu mới đẻ 1 nhánh. Nhờ vậy sau này chậu cúc mới tỏa ra um tùm, cành bao kín chậu. Chậu cúc càng nở to giá trị càng cao. Người trồng cúc ở Gia Lai không biết cắt ngọn để cúc nở, chỉ xuống giống 1 lần rồi để nguyên đến khi ra hoa nên chậu cúc bị thưa cành, trống chân, nên giá bán luôn bị thấp hơn so với cúc trồng ở Bình Định”.

Theo chị Hoàng, những chậu cúc “đại” thường phải được xuống 200-300 cây giống, những chậu cúc nhỏ xuống 50 cây. Giống được mua từ Đà Lạt về trồng trực tiếp, giá 200đ/cây.

Đến vụ hoa tết, những chậu cúc nhỏ bán giá sỉ được 120-150 ngàn đồng/chậu, bán lẻ 200-250 ngàn đồng/chậu; những chậu cúc “đại” bán giá sỉ từ 900.000đ-1 triệu đồng/chậu, bán lẻ từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/chậu.

“Vụ này tui trồng 400 chậu cúc “đại”, 1.000 chậu cúc nhỏ. Hai vợ chồng làm không xuể, phải thuê thêm từ 3 đến 10 công/ngày tùy công đoạn chăm sóc, mới đủ sức chu toàn cho vườn cúc. Công làm đất trả 120.000đ/ngày, công kỹ thuật (cắt ngọn) trả 150.000đ/ngày”, chị Hoàng cho biết thêm.

Theo những người trồng cúc ở Bình Định, cây cúc sau khi xuống giống 4 tháng sau mới bán. Trong giai đoạn cúc sinh trưởng, phát triển, người trồng phải “ăn cùng cúc, ngủ cùng cúc” mới mong có được những chậu cúc đúng như ý muốn.

“Đến cuối tháng 10 âm lịch tôi sẽ cắt điện. Sau khi cắt điện khoảng 10 ngày cúc sẽ gom búp, hoa sẽ cho đúng vào dịp Tết. Hoa cúc chưa Tết mà đã nở toét loét thì coi như bỏ, người trồng lỗ chổng gọng. Cúc ra hoa đúng Tết giá trị của nó sẽ được tăng cao”, anh Trần Hữu Văn, nói.

Công việc trồng cúc được anh Trần Hữu Văn (55 tuổi) ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định, người có thâm niên 24 năm trồng cúc, minh họa: “Sau khi xuống giống 20 ngày, cúc được cắt ngọn, cắm cọc phụ, vô phân, bơm thuốc phòng bệnh. Khoảng 20 ngày sau cắm cọc chính, khi ấy chậu hoa đã hình thành. Những ngọn cúc bị cắt không phải bỏ đi mà được trồng vào chậu mới, cho “ăn” thuốc kích thích rễ sẽ đạt khoảng 70%. Những chậu cúc tận dụng ngọn cắt ra cũng sẽ phát triển bình thường như những chậu cúc được trồng cây giống”.

Lo thời tiết

Cúc là loại cây “nắng không ưa, mưa không chịu”, nên thời tiết ảnh hưởng rất lớn trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cúc. Nắng quá thì chát bông, mưa quá thì cây cúc bị úng nước, dập, phát triển èo uột. Thời tiết càng “đỏng đảnh” thì sâu bệnh càng phát sinh, do đó, sau khi xuống giống là người trồng đã phải bơm thuốc BVTV phòng trừ các loại bệnh.

“Năm nay vào giữa tháng 8 âm lịch trời có mưa phùn khá thuận lợi, nhưng sau đó nắng gắt. Trồng cúc phải tùy cơ ứng biến theo thời tiết chứ không thể rập khuôn. Trời nắng quá tôi phải thường xuyên tưới phun sương cho vườn cúc, và chi phí 40 triệu để mua nhựa làm mái che cho 7 ô vườn”, anh Trần Hữu Văn, cho hay.

14-11-07_2
Đối phó với thời tiết, anh Trần Hữu Văn làm mái vòm bằng nhựa và bố trí giàn đèn trên vườn cúc của mình

Năm nay, người trồng cúc ở phường Bình Định đang lo sốt vó vì đã đầu tháng 9 âm lịch rồi mà chưa có dấu hiệu của mùa mưa. Họ lo mưa muộn, mưa dồn dập trong giai đoạn cúc phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chậu cúc sau này.

“Trời mưa dầm, cây cúc sẽ bị hạn chế chuyện ăn phân, ăn thuốc. Phân thuốc bổ trợ cho cây cúc chúng chỉ ăn được 50-70%, đã phí tiền mà cây cúc không được phát triển theo ý người trồng”, anh Văn lo lắng.

Một khoản chi phí khác không nhỏ nhưng rất cần thiết mà anh Trần Hữu Văn đang áp dụng cho vườn cúc hơn 1.000 chậu của mình là giàn điện được bố trí trên mái vòm bằng nhựa. Những bóng điện được thắp sáng hàng đêm có nhiệm vụ kích thích cho cúc thức cả đêm, giúp cành liên tục phát triển, đồng thời ánh sáng điện còn hãm không cho cúc ra búp sớm.

Hiện cúc đang còn nhỏ, trong 7 ô vườn của anh Văn đang bố trí 100 bóng điện. Đến khi cúc đã nở to, phải giãn chậu thì anh Văn phải bố trí thêm 40 bóng nữa. Mỗi bóng điện (cả chuôi) chi phí mất 41 ngàn đồng, 140 bóng điện “nuốt” của anh Văn gần 600 ngàn đồng, ấy là chưa kể đến dây điện. “Tốn gì thì tốn, nếu không thắp điện, cúc cho búp sớm trước Tết tổn thất còn nhiều hơn gấp trăm lần”, anh Văn nói.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm