Về xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế), nhìn rừng cây lộc vừng (còn gọi là cây mưng) trổ một màu xanh đều đặn của chồi non như có bàn tay diệu kỳ của tiền nhân tạo dáng hàng trăm năm trước. Có được rừng cây lộc vừng vô giá làm bình phong che chở cho dân làng hôm nay, là sự dày công vun vén như mạch ngầm của sự sống luôn tuôn chảy của hàng chục thế hệ người dân Phong Bình.
Che chở cho dân làng
Rừng cây lộc vừng nằm san sát trải dài 3 lớp án ngữ phía đông của làng Siêu Quần, Phò Trạch đã in dấu tích bàn tay của tiền nhân khi đặt chân đến vùng đất này khai thiên lập địa. Ông Lê Hứa, Trưởng Ban điều hành làng văn hóa Phò Trạch, dẫn chúng tôi đi tham quan rừng mưng, cho hay: “Rừng mưng tính đến nay đã ngót 500 năm tuổi, từ khi thành lập làng, các vị tiền nhân đã chọn lấy cây mưng, trồng ken dày trên vùng ngập nước để làm bình phong che chắn cho dân làng trong mưa bão, sóng lớn. Vào nửa đầu thế kỷ 15, dưới triều Lê sơ, ngài khai canh họ Trương từ đất Hà Nam theo chính sách di dân khẩn hoang thời đó vào dừng chân và khai phá vùng Thuận Quảng đã nhắm cồn đất xung quanh đầm lầy là nơi làng Siêu Quần, Phò Trạch tọa lạc ngày nay để định cư. Khi đặt chân đến nay, nhìn thấy cuộc đất bốn bề là vùng lau lách lấp xấp nước, các vị tiền bối đã chọn cây mưng làm niềm cứu cánh cho dân làng”.
Người dân Phong Bình vẫn truyền tai nhau câu chuyện về các vị tiền khai khẩn vận động dân Phong Bình dặm cây mưng buổi đầu tìm đường sinh kế. Ông Hứa kể: “Khi đã chọn vùng đất này làm điểm dừng chân, các vị tiền bối đã huy động thanh niên trai tráng trong làng, bảo: “Đi dặm cây mưng sẽ có áo mặc”. Bà con nghe thế ai nấy đều làm theo, suốt năm này qua năm khác, chiết cây, ươm cành, phút chốc vùng đầm lầy đã thành rừng mưng lớn ngang ngực người. Khi dân làng thắc mắc hỏi về “phần quà” thù lao của mình. Các vị tiền bối điềm nhiên bảo: “Rừng mưng chính là “áo” đó, rồi mai này lớn lên, nó là chiếc “áo” để giữ đất, che chở cho dân làng trong cơn phong ba bão táp”.
Theo cụ Trần Đức Siêu (81 tuổi, thôn Đông Trung Tây Hồ) sở dĩ cha ông xưa chọn cây mưng để trồng giữ đất, ngăn mặn là do thân cây dẻo dai, có sức sống bền bỉ, chống chịu tốt. Cụ Siêu nhớ lại: “Bằng chứng rõ nhất là trận lụt lịch sử năm 1999, mực nước dâng cao như muốn cuốn phăng tất cả, phía ngoài rừng mưng, nước chảy xiết, ghe thuyền của người dân ra phía đó đều bị sóng đập vỡ tan tành, các làng khác nhiều người bị chết, nhà cửa bị cuốn trôi, trong khi làng Siêu Quần, Phò Trạch nhờ có hàng cây ngăn sóng, cản dòng nước chảy vì thế mà dân làng bình yên vô sự”.
Rừng lộc vừng không chỉ dang đôi cánh tay lực lưỡng bảo vệ cho dân làng mà nó còn là cứu cánh cho bà con vượt qua cơn bĩ cực khi đói kém mất mùa. Những năm trước đổi mới, lúa gạo khan hiếm như vàng, dân Phong Bình cũng như nhiều vùng nông thôn nghèo xơ xác, chỉ biết đến củ sắn củ khoai đắp đổi qua ngày. Rừng mưng đã cho dân Phong Bình lá non, ăn với con rạm đồng vừa đủ no vừa bổ dưỡng.
Như để “tạ ơn” rừng mưng đã sát cánh cùng dân làng trải qua bao cuộc thiên di của lịch sử, từ ngày đầu tiên dặm nhánh mưng đến nay, bao thế hệ dân Phong Bình đã thay nhau bảo vệ từng nhành cây, gốc rễ. Cây mưng bám đất làng để sống, vẫn không phụ dân làng đã chăm bón, bảo vệ nó hơn 500 năm qua.
Giữ cây bằng hương ước
Chạy dọc con dường liên thôn, những rừng mưng được trồng ken dày, thẳng tít tắp “nhả” lên nền trời một màu xanh thẳm của chồi non vừa hé nụ. Bên cạnh những cây con vừa vươn lên là những gốc mưng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tay người ôm không xuể, án ngữ trên triền đê vững chãi. Đến nay, rừng mưng đã phát triển lên 20ha, trải dài 3 lớp qua hai làng Siêu Quần và Phò Trạch.
Để giữ được rừng mưng xanh tốt đến ngày hôm nay, hương ước của làng đã quy định chặt chẽ bất cứ ai cũng không được chặt cây, bẻ cành. Ông Phạm Bá Hồi, Trưởng thôn Phò Trạch ,cho biết: “Từ xưa quy định này đã được các vị lớn tuổi trong làng phổ biến rõ cho người dân. Nếu người nào lỡ chặt cây, bẻ cành mang bán hay đem về nhà trồng đều bị làng phạt bằng đấu gạo, đi rao khắp làng, nêu rõ tên tuổi, địa chỉ, con cái nhà ai của người vi phạm".
Thậm chí, trong các lễ hội lớn của làng, những người dân vi phạm đều bị nêu đích danh, như để tạ lỗi với tổ tiên khi “dám” đụng chạm đến rừng mưng của làng. Đến nay, dù không còn tục lệ phạt lúa gạo hay nêu đích danh trong các lễ cúng như xưa nữa nhưng người dân nào chặt phá rừng mưng đều bị phạt từ 300-500 nghìn đồng tùy theo mức độ vi phạm.
“Mưng là cây có giá trị rất cao nên trong những năm qua được giới săn cây cảnh lùng tìm. Tuy nhiên, dù có được trả bạc tỷ thì dân làng Phong Bình cũng không bán, bởi không phải lúc nào giá trị của cây mưng cũng tính được bằng tiền”, ông Lê Hứa nói.
Những năm gần đây, cây mưng bắt đầu có giá - loài cây được các đại gia chơi cây cảnh săn tìm ráo riết. “Nhiều thương lái từ Nam chí Bắc đã đến làng quê yên tĩnh này đặt mua các gốc mưng cổ thụ nhưng dân làng tuyệt nhiên không bán dù được trả giá rất cao”, ông Hồi quả quyết. Từ năm 2008 đến nay, đã có hàng chục vụ mất trộm cây mưng cổ thụ trong sự thương tiếc và phẫn nộ của dân làng Phong Bình. Hầu hết các cây mưng cổ thụ bị đánh cắp đều nằm riêng lẻ giữa đồng.
Các đối tượng xấu đã thừa lúc ban đêm, mưa to gió lớn, cho thuyền ra giữa hói nước, đào cây trộm rồi chở vào bờ, bốc lên xe tải mang đi tiêu thụ. Để đối phó với tình trạng trên, dân làng Siêu Quần, Phò Trạch đã tự thành lập đội bảo vệ rừng cây mưng, gồm toàn thanh niên trai tráng trong làng.
Ông Nguyễn Viết Âu, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, khẳng định: “Rừng mưng hàng trăm năm tuổi đã trở thành máu thịt, linh hồn của làng. Trong những năm qua, chính quyền xã đã kiên quyết nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển cây mưng, đồng thời vận động người dân thực hiện theo hương ước của làng nhằm bảo vệ rừng mưng trước làn sóng săn cây cảnh từ các thành phố đang tràn về”.