| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề muối Lý Nhơn - Cần Giờ được công nhận làng nghề truyền thống

Thứ Ba 24/12/2024 , 21:26 (GMT+7)

TP.HCM Làng nghề truyền thống sản xuất muối tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành muối phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Ngày 24/12, UBND huyện Cần Giờ tổ chức lễ công nhận làng nghề sản xuất muối tại xã Lý Nhơn. Đây là địa phương đầu tiên và duy nhất có làng nghề làm muối tại TP.HCM được UBND TP.HCM công nhận làng nghề truyền thống.

Việc công nhận làng nghề truyền thống sản xuất muối tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ sẽ giúp các hộ dân được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Huyện Cần Giờ có khoảng 20km bờ biển, phù hợp cho ngành nghề sản xuất muối. Trong đó, phát triển nhất là ở xã Thạnh An và xã Lý Nhơn.

Xã Lý Nhơn có hai con sông lớn (sông Vàm Sát và sông Soài Rạp) chảy qua, đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy trình làm muối mang lại hiệu quả kinh tế cao cho diêm dân xã.

Nghề sản xuất muối trên địa bàn xã Lý Nhơn được bắt đầu hình thành và sản xuất vào năm 1967 - 1968. Nghề làm muối là nghề truyền thống, được xác định là một trong hai ngành nghề chủ lực của xã Lý Nhơn, đứng sau thủy sản.

Bên cạnh các ngành nghề sản xuất của người dân miền sông nước như nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản…, cùng với các xã và thị trấn của huyện Cần Giờ, nghề làm muối xã Lý Nhơn vẫn được diêm dân địa phương lưu giữ và ngày càng phát triển.

Làng nghề muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ bắt đầu hình thành và sản xuất vào năm 1967 - 1968. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Làng nghề muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ bắt đầu hình thành và sản xuất vào năm 1967 - 1968. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Võ Hữu Thắng, có nhiều diêm dân có bí quyết, tay nghề cao, họ truyền nghề lại cho con cháu từ đời này sang đời khác trong hơn 50 năm qua, đó chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và của huyện Cần Giờ nói riêng.

Bảo tồn và phát triển làng nghề muối xã Lý Nhơn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết, nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm nào thuận lợi, không gặp mưa trái mùa thì sản lượng cao, năm nào xuất hiện mưa trái mùa thì bà con phải “tùy cơ ứng biến” sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, giá muối cũng bấp bênh, những năm trúng mùa thì giá thấp, ngược lại thì giá cao.

Vụ muối năm 2024, tổng sản lượng muối toàn huyện đạt hơn 127,7 nghìn tấn, trong đó hơn 124,4 nghìn tấn muối bạt và hơn 3,3 nghìn tấn muối đất.

Tính đến cuối tháng 12, lượng muối tiêu thụ hơn 113,4 nghìn tấn, đạt tỷ lệ 88,82%. Dự kiến đến tháng 1/2025, toàn bộ lượng muối còn lại sẽ được tiêu thụ hết.

Mặc dù khó khăn, gian khổ, nhưng bà con diêm dân vẫn nỗ lực vượt khó, quyết tâm bám nghề; các cấp chính quyền xã Lý Nhơn và huyện Cần Giờ cũng tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để duy trì và phát triển nghề làm muối.

Trước đó, ngày 14/10, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định công nhận làng nghề sản xuất muối tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) và công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM); công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là làng nghề truyền thống.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.