| Hotline: 0983.970.780

Làng nuôi cá lồng đổi đời!

Thứ Năm 13/06/2019 , 08:20 (GMT+7)

Từ khi nghề khai thác san hô bị cấm do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, làm cạn kiệt hệ sinh thái biển, người dân Hải Minh chuyển sang nuôi cá lồng bè.

Ngoài những mô hình chuyên nuôi cá bớp, dân Hải Minh còn nuôi các loại cá chẽm, cá mú, cá hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 

Cả làng nuôi cá

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trên vùng biển ven bờ tỉnh này ít nơi nào có vị trí thuận lợi cho việc nuôi cá lồng bè như ở Hải Minh.

Bè nuôi cá của anh Nguyễn Văn Việt, tổ 46, KV9 (tên hành chính của làng chài Hải Minh) thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn).

Bởi, để có thể nuôi được cá chẽm, cá hồng, cá mú, nơi đặt lồng phải đáp ứng nhiều điều kiện khá ngặt nghèo. Ví như nơi đó phải là vùng eo, vịnh kín gió, sóng nhỏ, biên độ dao động của thủy triều không lớn, dòng chảy của thủy triều thấp, có độ sâu tối thiểu là 4 - 5m vào lúc thủy triều xuống thấp nhất và đáy là sỏi cát.

Hơn thế nữa, nơi đặt lồng phải có độ mặn của nước thích hợp, nguồn nước ít bị ô nhiễm… Làng chài Hải Minh đáp ứng được gần hết các điều kiện nói trên nên ở ở đây hiện có gần 100 hộ nuôi cá lồng bè.

Ông Đoàn Văn Cho bắt đầu nuôi cá lồng bè trên biển từ năm 2007. Các loại cá được ông chọn nuôi gồm cá hồng, cá mú, cá chẽm…

Ông Cho kể: “Thời gian đầu bắt đầu công cuộc nuôi cá lồng bè tôi gặp khá nhiều lận đận, vì không có kinh nghiệm và chưa nắm bắt kỹ thuật nuôi nên cá bị chết rất nhiều. Sau đó, tôi vừa làm vừa học hỏi thêm, tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, cho ăn… nên cá nhanh lớn, phát triển khỏe mạnh”. Với 25 lồng cá, mỗi năm ông Cho cung ứng ra thị trường khoảng 13 tấn cá đặc sản các loại, thu lãi 250 - 300 triệu đồng.

Ngư dân Nguyễn Văn Việt, cư dân ở tổ 46, KV9 (tên hành chính của làng chài Hải Minh) thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), năm nay 46 tuổi có 18 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, cho biết: Vợ chồng tôi hiện có 60 ô lồng nuôi cá lồng bè trên diện tích 700m2 mặt nước. Chúng tôi không nuôi chuyên cá bớp như nhiều hộ khác, mà nuôi cùng lúc 3 loại: Cá chẽm, cá hồng, cá mú.

Thường thì người nuôi cá lồng bè ở Hải Minh thả cá giống quanh năm để có cá xuất bán liên tục. Thế nhưng theo kinh nghiệm của anh Việt, trong năm chỉ có tháng Giêng, tháng 2 âm lịch là vùng nước nuôi trong và sạch, người nuôi có thể thả giống số lượng nhiều, bởi trong điều kiện này cá sống rất khỏe, tỷ lệ hao hụt ít.

“Thường thì những đợt lũ lụt xảy ra vào cuối năm trước đẩy hết chất bẩn ra biển, nên vào thời điểm đầu năm vùng nước nuôi trở nên sạch, rất lý tưởng cho cá phát triển, có thể mạnh dạn thả giống số lượng nhiều. Những tháng sau đó chỉ nên thả nuôi ít, khoảng 5.000 – 10.000 con, bởi vào những tháng này lượng giống thả nuôi hao hụt khá nhiều do vùng nước nuôi thường bị nhiễm bẩn”, anh Việt phân tích.

Việt cho biết anh thả nuôi riêng từng ô lồng 3 loại cá chẽm, cá mú, cá hồng để dễ quản lý dịch bệnh. Cũng như cá bớp, những loại cá trên cũng thường bị bệnh bọ mắt khiến cá không thấy đường ăn mồi, không phát triển được.

Để phòng bệnh bọ mắt cho cá, cứ 1 tuần anh Việt tắm nước ngọt cho cá 1 lần theo phương thức vớt cá lên, cho vào thúng chứa nước ngọt, cho chúng bơi lội trong đó chừng 2 phút sau thả lại xuống ô lồng. Phương thức này phòng bệnh bọ mắt cho cá rất hiệu quả.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Việt đang làm vệ sinh lưới vây ô lồng nuôi cá.
Theo tâm tư của người nuôi cá lồng bè, chất lượng con giống luôn là mối lo lớn của họ. Hiện tất cả các loại cá giống người nuôi cá lồng bè ở đây phải mua tận Khánh Hòa, bởi ở Bình Định không sản xuất được con giống.
“Hiện cá chẽm giống có giá 7.000đ/con, cá mú từ 25.000đ – 30.000đ/con, cá hồng 7.000đ/con. Khi mình có nhu cầu, gọi điện đặt hàng là các cơ sở cung ứng giống thủy sản ở Nha Trang mang ra cho mình. Bây giờ uy tín của các cơ sở cung ứng cá giống ngày càng tăng nên đã đỡ lo hơn”, anh Việt bộc bạch.

“Hiện 60 ô lồng của tôi đang thả nuôi 30.000 con, gồm cá hồng và cá mú. Mồi ăn của chúng là cá tạp mua của của các ghe làm nghề mành lưới. Từ khi thả giống đến hơn 1 năm sau sẽ xuất bán, khi ấy trọng lượng cá đạt bình quân 1kg/con. Giá thương phẩm của cá chẽm là 110.000đ/kg, cá mú 250.000đ/kg, cá hồng 170.000đ/kg và rất dễ bán”.
 

Lựa chọn vùng nuôi thích hợp

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, phong trào nuôi cá lồng bè ở tỉnh này phát triển mạnh cách đây hơn 10 năm, chủ yếu nuôi các loại cá chẽm, cá hồng và cá mú, những loại cá có giá trị thương phẩm cao.

Mặc dù quy trình nuôi các loại cá nói trên khá đơn giản, nhưng để nuôi thành công trong điều kiện thời tiết, khí hậu của miền Trung mỗi năm phải chịu 1 mùa mưa lũ và 1 mùa giá rét, thì việc nuôi cá lồng bè phải được cân nhắc thật kỹ về thời gian thả giống và vùng nuôi thích hợp.

“Vùng đưa vào nuôi cá phải có khả năng vượt lũ. Hoặc người nuôi phải tính làm sao cho thời gian sinh trưởng, phát triển của cá tránh được mùa mưa lũ, giá rét.

Muốn vậy, cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch là thời gian tốt nhất để thả giống và sẽ thu hoạch gọn trước tết với trọng lượng cá đạt 1kg/con”, ông Tâm nói.

Cá chẽm được đưa vào nuôi đại trà tại Bình Định cùng lúc nghề nuôi cá lồng bè phát triển. Người dân miền Nam gọi là cá chẽm, miền Bắc gọi cá vược, còn miền Trung gọi là cá xũ, cá kẽ.

Anh Việt bên ô lồng nuôi cá chẽm.

Trước đây, nhiều hộ dân ở ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi cũng có nuôi cá chẽm bằng con giống đánh bắt trong môi trường tự nhiên.

Cũng trong thời gian này, Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến thuộc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định đã tiếp nhận công nghệ từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa) và đã sản xuất thành công giống cá chẽm nhân tạo. Thế nhưng những năm gần đây, do hạn hẹp thị trường trong khi chi phí sản xuất quá cao, nên Trạm đã dừng việc sản xuất giống cá chẽm.

“Nếu giữ lại giống bố mẹ để sản xuất giống cá chẽm nhân tạo thì chi phí rất cao, thế nhưng thị trường tiêu thụ chỉ là những hộ nuôi cá lồng bè ở Hải Minh nên việc sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế, do đó Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến đã không còn sản xuất giống cá chẽm nhân tạo.

Bây giờ người nuôi cá chém ở Bình Định phải mua con giống từ Khánh Hòa”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Đổi đời

Sau 1 ngày lang thang trên làng chài Hải Minh, chúng tôi nhận thấy người dân ở đây đã thực sự đổi đời. Họ đổi đời từ cách sống.

Ví như trước đây những ngày biển yên đàn ông ở đây đi lặn san hô, kiếm được mớ tôm mớ cá bán được đồng nào tiêu sạch đồng đó, đến mùa biển động không đi lặn được thì cả nhà… treo niêu!

Còn bây giờ, họ đã có của ăn của để nhờ tích lũy từ những vụ cá, nhà cửa khang trang hơn.

Trước đây, đàn ông Hải Minh đi lặn, phụ nữ chỉ chăm sóc con, nội trợ, rảnh rỗi thì tụ tập đánh bài. Còn giờ đây, phụ nữ đã biết “bám bè” thức khuya dậy sớm lo mua mồi, cắt mồi chăm cá cùng chồng…


>>Công nghệ nuôi cá chình hoa thu hoạch 70kg/m3 nước

>>Sự thống trị của con cá mú lai

>>Nuôi cá bớp 'đớp' tiền

>>Nuôi ốc hương công nghiệp mật độ siêu dày

>>Sản xuất nhân tạo giống hải sâm quý

>>Cặp đôi hoàn hảo ốc hương, hải sâm

>>Đột phá nhân tạo giống cá song vua

>>Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.