| Hotline: 0983.970.780

Làng tôi soi bóng dòng lịch sử

Thứ Ba 01/01/2013 , 15:04 (GMT+7)

Trong công cuộc mở làng, mở nước, định hình Tổ quốc, người Việt có hai cuộc trường chinh lớn.

Trong công cuộc mở làng, mở nước, định hình Tổ quốc, người Việt có hai cuộc trường chinh lớn.

Cuộc trường chinh thứ nhất từ tây sang đông, từ núi xuống biển dọc những triền sông, tạo nên đồng bằng Bắc Bộ.

Cuộc trường chinh thứ hai từ bắc xuống nam, dọc theo những cuộc chiến tranh, lập nên miền Trung và Nam Bộ. Những người đi mở nước theo cuộc viễn chinh này, từ Lý Nhật Quang đến Nguyễn Hoàng, không chỉ gan góc, sắt đá để làm nên cái mới mà còn giữ chặt hồn cốt Thăng Long.

Làng tôi được lập nên trong cuộc trường chinh thứ hai ấy.

Ở giữa vùng Trịnh - Nguyễn phân tranh, làng như ngọn lau bạt gió, bị chà đi xát lại bởi hết quân Đàng Trong lại quân Đàng Ngoài..

Khi tôi lớn lên, làng đã mấy trăm năm mà vẫn còn nguyên thủy. Từng vạt rừng còn sót lại trong vườn gọi là “lòi”. Sáng sớm, tiếng cáo bắt gà, tiếng người đuổi cáo còn chộn rộn, inh ỏi khắp xóm… Đường đi lối lại vẫn chỉ là lối mòn, chỉ đủ chết cỏ chỗ chân người.

Khi tôi lớn lên, dấu ấn của phong trào Cần Vương hãy còn mới mẻ.

Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi từ Sơn Phòng Quảng Trị năm 1885, nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã nổ ra, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng tại núi rừng Vụ Quang (Hà Tĩnh) còn gọi là Khởi nghĩa Vụ Quang. Đây là thời điểm mà Hiệp ước Pa-tơ-nốt vừa được ký kết (1884), triều đình phong kiến thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên toàn cõi. Triều đình thừa nhận nhưng nhân dân không thừa nhận.

Quân thứ của Phan Đình Phùng ở vùng thượng Can Lộc quê tôi đặt dưới sự chỉ huy của Đề Chanh, Đề Trạch.

Pháp dựng một đồn binh tại vùng Ngã ba Đồng Lộc ngày nay, gọi là đồn Khiêm Ích, có cả lính Tây, lính ngụy. Có toán lính thường đến làng Hốt, quê mẹ tôi để tuần thám. Làng Hốt có rượu ngon. Dân làng mật thết cơm rượu. Khi rượu ngà ngà, ám hiệu “cơm sẻ”, “cơm sẻ” được phát ra, truyền nhau. Mọi người cùng xông ra, trói gô bọn lính, thu sạch vũ khí. Những khẩu súng này được chuyển cho nghĩa quân, từ đó Cao Thắng (tùy tướng của Phan Đình Phùng) mới nghiên cứu, chế ra súng trường mang tên Cao Thắng làm kinh hồn, bạt vía quân Pháp bao phen.

Để trả thù, bọn lính Pháp kéo quân ra đốt sạch cả một làng, truy bắt từng người, may thay, già trẻ, trai gái đã kịp trốn vào rừng. Cuộc đọ sức của dân làng với lính Pháp còn diễn ra nhiều lần nữa.

Xô-viết Nghệ Tĩnh. Chính quyền công nông được thành lập trên hầu khắp các thôn xã. Người dân chưa hít thở không khí tự do mấy bữa thì khủng bố trắng. Chúng tuyên bố “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, phi Nghệ Tĩnh bất bần” để đốt sạch, giết sạch. Ông nội tôi, Bí thư tổng ủy bị bỏ tù, cùng với không ít người thân bị liên lụy… Ông Chắt Lý, người hàng xóm bên cạnh, bị Tây bắt tra hổi về “bọn cộng sản cầm đầu”. Vốn là nông dân, ông trả lời theo cách nông dân vùng ấy: “Cha tôi cũng không biết, nữa là tôi”. Câu này cũng giống như: “Trời cũng không biết, nữa là tôi”. Nhưng bọn Tây lại tưởng cha ông là cán bộ cộng sản có cỡ hơn, liền bắt ngay người cha, lúc đó đã gần 80 tuổi, đánh cho một trận nhừ tử… Làng lại một lần bị đốt phá…

Năm 1945, Tổng khởi nghĩa thành công. Hà Tĩnh thuộc diện giành chính quyền sớm nhất nước, ngày 16/8. Hoà bình chưa bao lâu, lại phải đi vào cuộc kháng chiến chín năm.

Kháng chiến thành công. Những người lính Pháp bị bắt ở Điện Biên được thả. Nhưng cải cách ruộng đất, bên cạnh sự phấn khởi “người cày có ruộng”, thì sai lầm của nó cũng gây không ít tang thương. Con đấu tố cha, chồng bỏ vợ vì vợ con nhà địa chủ. Người có học, người biết làm ăn đều bị đẩy về phía giai cấp bóc lột, về phía kẻ thù. Làng một lần nữa tan hoang. Ông nội tôi, đảng viên cộng sản năm 1930, lại bị cộng sản bắt và chết trong tù. Những ông nho (nho sinh), ông hương (hương thí), và người có nhiều ruộng hơn ông tôi bị bắn chết, theo tỉ lệ 5% địa chủ trên đầu hộ. Di sản làng thời phong kiến để lại có một ngôi đình, ngôi đền và ngôi chùa. Đình và đền không lớn nhưng chùa thì có hàng trăm bức tượng. Bài trừ hủ tục và mê tín dị đoan đã thanh toán nốt di sản ít ỏi đó…

Trước thành lập hợp tác xã, có thời kỳ sửa sai cải cách ruộng đất. Con người bị chết không sống lại được nhưng “quả thực”- của cải của gia đình bị quy sai là địa chủ được trả lại ít nhiều, dù có khi nhà thờ đã bị làm chuồng bò. Tuy chỉ thế thôi, nhưng người ta coi đó là sự biết điều, mọi sự được xí xoá, làng lại chung tay háo hứng vào hợp tác xã, đem hết ruộng đất, trâu bò vào tập thể. Cái sự công bằng, bình đẳng – nghìn đời mơ ước được nhìn thấy. Hợp tác xã, làm ăn tập thể đã là một giấc mơ lớn và mấy năm đầu đẹp đẽ xiết bao. Có thể nói làng lúc đó mới bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Đường sá, bờ vùng, bờ thửa được mở rộng và nắn thẳng. Trường trạm, nhà nhà ngói đỏ mọc lên. Thời kỳ ấy, ai cũng thấy hạnh phúc “Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân”, “Đồng hợp tác nên người thôi chia cắt”, “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê/ Chiêm mùa cờ đỏ ven đê…, “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên, trăng lặn vẫn không ra ngoài”.

Nhưng thời gian ấy không lâu. Chỉ từ năm 1958-1964. Hợp tác xã đã chết. Nó chết không phải vì chủ trương kinh tế hợp tác là sai dù có thể hơi sớm. Nhưng căn bệnh chủ yếu là từ người dân, từ người làm chủ nó chưa được giác ngộ sâu sắc, chưa được thay đổi tâm tính. Nó chết vì hai bệnh: Một là “cha chung không ai khóc”, hai là “của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng”. Cái nguyên nhân bên trong ấy có thể là nguyên nhân quyết định nhưng có thể khắc phục được nếu như không có chiến tranh, tất cả phải dồn sức đánh quân xâm lược Mỹ; được mở cửa, học tập kinh nghiệm thế giới. Từ tháng 8/1964, Mỹ đánh bom miền Bắc, tập trung nhất ở Khu Bốn. Tất cả đàn ông đều ra trận. Người trẻ tuổi, đủ sức khoẻ thì vào bộ đội. Người ba, bốn mươi thì đi dân công hoả tuyến hoặc tăng cường làm cán bộ. Trên đồng ruộng chỉ đàn bà con nít. Đã thế phải tranh thủ làm ban đêm hoặc sáng sớm để tránh máy bay. Bởi thế, thu nhập mỗi sào ruộng chỉ năm yến thóc. Đói kinh hoàng trong suốt mười mấy năm trời.

Hợp tác chết vì nó như con thuyền cũ không đủ sức chở làng vượt qua bão táp. Nhưng hợp tác tan, cả làng lại tan tác như những cánh bèo giữa dòng đời trăm ngả. Phân tán, làm ăn riêng rẽ, thì gia đình bộ đội, gia đình liệt sĩ sẽ chết trước; người có sức lao động kiếm ăn no đủ riêng, cũng không thể vực nền kinh tế chung lên được…

Quê tôi ở gần Ngã ba Đồng Lộc. Không chỉ Đồng Lộc là trọng điểm mà quê tôi có một cây cầu nhỏ, trên đường Trường Sơn, cũng trở thành một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Làng bị đốt trụi hai lần nữa: Lần một vì máy bay đuổi theo một đoàn xe quân sự tránh vào làng năm 1966 cháy suốt một ngày đêm cả xe bộ đội và nhà dân. Lần hai do máy bay B52 rải thảm năm 1968. Cách 20 m - 50 m một hố bom. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhớ lại cảnh nền nhà trở thành hố bom, đi lượm xác từng chỏm tóc, ngón tay một, tôi vẫn không sao có thể cầm lòng!

Soi bóng làng trong dòng sông lịch sử đất nước suốt ba trăm năm, tôi hiểu vì sao nghèo đói cứ bám riết lấy làng. Sau năm 1975, vẫn nhà lá, tường đất. Tổng tài sản của làng, kể cả trâu bò, vườn tược, nhà cửa, xe máy, xe đạp… không bằng một đứa con của làng đi lao động xuất khẩu ở Đức về. Làng chỉ thật sự được rảnh tay xây dựng cuộc sống mới trong thời kỳ đổi mới và đã có những thay đổi hơn hẳn mấy trăm năm trước.

Cái điều tôi không hiểu hết là vì sao làng lại đứng vững và đứng vững để làm gì trước ngần ấy bão táp, đau thương. Ấy là chưa kể mỗi năm bảy, tám cơn lụt lội…

Thuở nhỏ, tôi đi chăn trâu trên những gò mả ngoài đồng. Có phải làng tồn tại để mỗi tiết thanh minh đi đắp lại những ngôi mả đó, truyền lại rằng đây là ngôi mả của ai, chết năm nào và như thế nào?

Nhiều người con đi xa, trở nên giàu có và nghĩ suy bao điều mới mẻ. Làng vẫn đứng đó, dưới những lùm cây và ruộng đồng muôn thuở, rộn rịp đón nắng mai từ những hàng cau lấp lánh, và yên ngủ khi trăng gác non đoài?

Làng đợi chờ gì, làng đi về đâu mà kiên trung bền bỉ? Làng là nhà của những người nông dân. Người nông dân phải có ruộng cày. Thế mà suốt mấy trăm năm, tôi chỉ thấy người nông dân không có ruộng, thi thoảng chỉ được cầm trên tay một chốc như miếng bánh khoai nóng giẫy… Cả bây giờ nữa, đất nước CNH, HĐH, phải xây dựng đất nước công nghiệp thôi, nhưng vì sao những từ “khu công nghiệp”, “giải phóng mặt bằng” lại ám ảnh nông dân, lại để xảy ra bao nhiêu tiêu cực, bao cảnh đau lòng?

“Hãy để người nông dân suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình”. Một nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản, Engels đã nói như vậy. Hỡi ơi, có phải tất cả mọi người nông dân, những người bị đốt phá, giết chóc, tình nguyện hy sinh có được ruộng đất để mà suy nghĩ?

Ai phải là người suy nghĩ?

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm