| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo tỉnh Bình Định nói gì về dự án điện mặt trời bị người dân phản đối?

Thứ Ba 04/12/2018 , 09:09 (GMT+7)

UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương cho Cty TNHH Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch khảo sát nghiên cứu, lập dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ) với quy mô công suất 330MW. 

Dự kiến, đến tháng 9/2018, nhà máy sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 1, công suất 120MW. Tháng 6/2019 sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 2, công suất 110MW và đến năm 2021 sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 3, công suất 100MW. Thời gian qua, dự án này đã bị chậm tiến độ do vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An.

Sáng 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có buổi đối thoại với người dân xã Mỹ Thắng về dự án điện mặt trời. Tại buổi đối thoại, ông Dũng cam kết đây là dự án thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ông Hồ Quốc Dũng tâm tư: Hiện nay huyện Phù Mỹ hết sức khó khăn trong việc phát triển kinh tế, thu ngân sách ngoài quốc doanh còn rất thấp, thua cả huyện miền núi. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, tìm hướng để Phù Mỹ phát triển. Muốn phát triển thì phải thu hút đầu tư. Nhưng nếu triển khai dự án mà dân cản trở thì ai còn dám vào đầu tư, làm sao địa phương phát triển được.

14-00-13_1
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đối thoại với người dân huyện Phù Mỹ về dự án điện mặt trời

“Trước sự cản trở của người dân, phải bắt bớ bà con mình, trong đó có gia đình chính sách là hết sức đau lòng. Nhưng đến mức nào đó thì nhà nước phải xử lý, chứ không thể để tình trạng này kéo dài. Để cản trở dự án mà người dân bắt giữ người là hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng. Người dân lo lắng việc lợi dụng dự án để khai thác titan là không có, từ nay về sau sẽ không có doanh nghiệp nào được phép khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng”, ông Dũng bày tỏ.

Xung quanh dự án điện năng lượng mặt trời, theo ông Dũng, trước mắt là dừng thực hiện để lấy ý kiến của dân, làm rõ những gì mà dân thắc mắc. Nếu cần thiết, địa phương thuê xe đưa bà con đi tham quan các dự án điện gió đang được triển khai trên địa bàn tỉnh hoặc các tỉnh khác. Tỉnh đã kết luận chỉ cho làm dự án trên phần diện tích đất trống và một phần diện tích hiện nay dân đang trồng keo, bạch đàn, điều chứ không có đụng đến diện tích rừng dương.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thì cho rằng việc người dân cản trở dự án trong thời gian qua có thể do công tác tuyên truyền chưa đủ thuyết phục, hoặc cũng có thể người dân cố ý không nghe. Thật ra, dự án sẽ mang lại lợi lớn cho người dân địa phương. Nguồn phúc lợi mang lại lớn, nguồn thu thuế cũng lớn. Đó là điều kiện để địa phương phát triển, và cũng là điều kiện để con em địa phương có việc làm, học tập, nâng cao trình độ.

Về việc người dân phản ánh dự án nước sạch được triển khai từ 2009, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được, ông Châu giải thích: Dự án này do Ngân hàng Thế giới tài trợ với nguồn kinh phí 52 tỉ đồng để phục vụ cho các xã ven biển phía đông huyện Phù Mỹ. Tuy nhiên, khi triển khai để khảo sát chất lượng nguồn nước thì bị người dân địa phương cản trở, đập phá và bắt nhốt người. Sau đó, dự án vẫn được lập nhưng do nghe thông tin người dân phản ứng, Ngân hàng Thế giới hủy quyết định tài trợ.

Về ý kiến một số người dân cho rằng diện tích dành để làm dự án điện mặt trời quá lớn, thực tế tỉnh Bình Định mới đồng ý cho chủ trương khảo sát dự án trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Mới khảo sát bước 1 thì diện tích từ 380ha đã giảm xuống còn 320ha. Trong đó vẫn còn diện tích rừng dương trên dưới 5 tuổi. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định quyết định là diện tích nào có rừng dương thì bỏ ra ngoài dự án, chỉ làm trên diện tích đất trống.

14-00-13_2
Người dân huyện Phù Mỹ dựng lều “lưu trú” để phản đối dự án điện mặt trời

“Tôi lấy tính mạng tôi ra để đảm bảo rằng điện năng lượng mặt trời và điện gió không gây ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn năng lượng sạch. Xã Mỹ Thắng hiện có nguồn thu ngân sách khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm, không đủ để chi cho các đối tượng thương binh, chính sách, lương cán bộ xã. Dự án này là cứu cánh để chính quyền địa phương và người dân có cơ hội thoát khỏi khó khăn”, ông Trần Châu chia sẻ.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.