Ông là Ngô Hữu Chánh (61 tuổi, ngụ thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).
Năm 2001, ông Chánh bắt tay vào thực hiện mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng 4 tầng (tầng trên cùng là cây cau, dưới là tầng cây ăn quả, tiếp đến là chuồng trại chăn nuôi heo, gà, vịt và cuối cùng là ao thả cá) ở vùng đất cằn cỗi, nhiễm phèn của thôn Tình Phú Nam (xã Hành Minh).
Ban đầu nguồn vốn hạn hẹp nên ông Chánh thực hiện mô hình với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông đầu tư xây dựng 0,5 ha chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá để nhanh có tiền xoay xở. Khi có nguồn thu nhập từ chăn nuôi, ông tiến hành trồng cây cau và cây ăn quả.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cộng với việc tích cực đến nhiều nơi trong và ngoài nước do Hội Nông dân các cấp tổ chức để tìm tòi, học hỏi. Đến nay ông đã nắm chắc kỹ thuật, hiểu tường tận kỹ thuật nuôi trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng mô hình.
Đến nay, sau 20 năm gắn bó và đưa ra những quyết định “liều lĩnh” của mình, ông Chánh đã mở rộng mô hình lên diện tích 3 ha, trong đó có 2 ha đất trồng cây ăn quả với 200 cây nhãn, bưởi, cam, quýt; 600 cây cau đã cho thu hoạch. 1 ha còn lại ông dành để chăn nuôi, trong chuồng hiện có 30 con heo nái ngoại, 200 con heo thịt/lứa, gần 1.000 con gà, vịt và các loại cá theo thời vụ.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, hiệu quả kinh tế đã tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm cũ trước đây, bình quân mỗi năm từ mô hình vườn - ao - chuồng của ông thu về 500 triệu đồng/năm, có những năm trái cây được mùa được giá, chăn nuôi hiệu quả ông thu 600 - 700 triệu đồng.
Ông Chánh kể, năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã làm thiệt hại đáng kể đàn heo của gia đình. Sau dịch, nhiều hộ rụt rè trong việc tái đàn bởi sợ dịch sẽ tái lại, mất trắng nguồn vốn.
Lúc này, ông Chánh nghĩ rằng, con heo là vật nuôi quan trọng, cho nguồn thu nhanh, ổn định nên ông đã không ngần ngại tiếp tục tái đàn, thực hiện các quy định phòng dịch của các cơ quan thú y.
Với quyết định táo bạo đó, ông trở thành người đầu tiên trong huyện đã tái đàn thành công. Đến 2020, lão nông này lại tiếp tục thu lãi từ đàn heo của mình.
Hằng năm, gia đình đã có thu nhập ổn định nhưng ông không để đồng tiền nhàn rỗi, mà tiếp tục tái đầu tư mở rộng đàn vật nuôi, mua máy móc cơ giới hóa.
Nhờ vậy, ông đã tiết kiệm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm khi cung cấp ra thị trường. Tới đây, ông sẽ mở rộng khu chuồng trại, tăng đàn heo nái ngoại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi hơn nữa.