| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp trách nhiệm, thuận thiên

Lão nông với khát vọng về nền nông nghiệp sạch, hiện đại

Thứ Tư 14/06/2023 , 06:01 (GMT+7)

Đó là ông Dụng Quý Đông, ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, Bình Phước, một lão nông đi tiên phong làm nông nghiệp sạch, hướng hữu cơ và áp dụng quy trình chăm sóc hiện đại.

Tiên phong làm nông nghiệp sạch

Ở Bình Phước, lão nông Dụng Quý Đông có lẽ là một trong số ít người đi tiên phong làm nông nghiệp với tư duy đổi mới, hiện đại để tồn tại bền vững. Từ rất sớm, giữa lúc cây cao su là “số 1”, ông đã dám chặt bỏ một phần để trồng cây ăn trái.

Lão nông Dụng Quý Đông. Ảnh: Tuy Hòa.

Lão nông Dụng Quý Đông. Ảnh: Tuy Hòa.

Từ miền Tây theo gia đình lên Bình Phước lập nghiệp năm 1983, lúc đó, vùng đất Bình Phước này còn khá rộng, ít người, chàng trai trẻ Dụng Quý Đông ngày đêm vừa vỡ đất khai hoang, vừa trồng cây ăn trái, cao su. Những năm đầu thế kỷ 21, gia đình anh đã có 15ha cao su, đến nay, diện tích đất đã tăng gần gấp đôi, trong đó có hơn 20ha trồng các loại cây ăn trái.

Dẫn tôi vào tham quan trang trại, ông Đông kể: “Năm 2011, tôi quyết định chặt bỏ hơn 10ha cao su để trồng cây ăn trái trước sự phản đối của gia đình và nhiều người bàn tán. Thời điểm đó, giá mủ cao su còn rất tốt, nhưng tôi thì thấy trước giá cao su sẽ tụt, trong khi diện tích trái cây khi đó chưa nhiều, nhất là sầu riêng, loại trái cây cao cấp”.

Quả nhiên, dự đoán của ông Đông là đúng. Sản xuất nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu, và các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng trở nên là sản phẩm không thể thay thế.

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, chọn lọc, đến nay, trang trại của ông Đông có 4 loại trái cây ông thấy phù hợp nhất là sầu riêng, bơ Booth, bưởi da xanh và quýt đường. Ngoài ra, không thể thiếu một vườn điều chục ha canh tác hữu cơ.

Một góc trang trại Quý Đông, các lô trồng quýt đường và sầu riêng. Ảnh: Hồng Thủy.

Một góc trang trại Quý Đông, các lô trồng quýt đường và sầu riêng. Ảnh: Hồng Thủy.

Trong số các loại cây ăn trái của ông Đông, có cây bơ Booth, còn gọi booth H7, là giống ông Đông lên tận Viện Giống cây trồng Eakmart Tây Nguyên tìm mua và học cách làm, sau đó mang về trồng. Đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. “Mỗi ha trồng được 300 cây. Sau 4 - 5 năm cho thu hoạch. Từ năm thứ 7 trở đi, sản lượng bình quân khoảng 50 kg/cây. Giá bán tại vườn 50 ngàn đồng/kg thì tổng doanh thu là 750 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 600 triệu đồng mỗi ha”, ông Đông nói.

Trên diện tích 20ha, mội loại cây được quy hoạch thành từng lô riêng. Xen giữa các lô là những chiếc hố hình chữ nhật rộng 4m2, để ủ lá cây, cỏ, rác hoai mục, sau đó bón gốc cây thay đất. Vào mùa khô, những hố này trở thành "hồ" chứa nước tưới.

“Để làm nông nghiệp thành công cần rất nhiều yếu tố, mà cái nào cũng quan trọng. Ban đầu phải có đất sạch, sau đó là giống tốt, quy trình, kỹ thuật, kinh nghiệm…”, ông Đông đúc rút kinh nghiệm.

Ông tâm sự: “Tiềm năng về nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết đều phù hợp cho các loại cây trồng. Nhưng nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn manh mún, làm tự phát là chính. Cũng vì vậy mà việc canh tác theo quy trình khoa học rất khó khăn. Mạnh ai nấy làm, gặp cây gì, con gì có giá cao, là đua nhau làm theo. Còn quy trình canh tác, chăm sóc cũng chẳng có bài có bản gì, sản phẩm không tìm đầu ra ổn định, chính vì vậy mà chất lượng không đảm bảo, dẫn đến “được mùa mất giá”. Cho nên, không có con đường nào khác để phát triển bền vững là phải canh tác theo quy trình sạch, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mà muốn làm ra sản phẩm sạch thì đầu tiên là phải có đất sạch. Đây là yếu tố khó. Giờ tìm được mảnh đất sạch, chỉ có lên rừng. Chứ đất đang canh tác thì lâu nay người ta vẫn dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học vô tội vạ, đất đã bị nhiễm hóa chất nặng.

Khu vực trồng bơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Khu vực trồng bơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Muốn có đất sạch, phải cho đất nghỉ vài năm, sau đó canh tác theo quy trình vài vụ, lúc đó may chăng sản phẩm mới sạch. Bản thân tôi, năm 2011 bắt đầu chuyển vườn cao su sang trồng cây ăn trái, ban đầu chỉ canh tác theo quy trình VietGAP, lý do để tôi làm quy trình này là một phần vì đảm bảo sức khỏe cho con người, phần nữa là nghĩ đến xu hướng tất yếu phải như thế. Tôi nghĩ chỉ cần làm đúng quy trình này thì sản phẩm cũng an toàn rồi. Nhưng đến giờ, ngoài những mô hình canh tác VietGAP, tôi còn có mô hình đạt chuẩn cao hơn, đủ tiêu chuẩn xuất đi châu Âu, Mỹ”.

Bình Phước có khoảng hơn 20% diện tích đất có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn trái. Để xây dựng một vùng chuyên canh cây ăn trái cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong quy hoạch. Sau khi quy hoạch, xem xét nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có thể thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư. Mặt khác, nhà nước cũng tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao

“Tôi mong muốn ngày càng có nhiều nông dân tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, làm sao để đến 1 ngày trong tương lai gần, việc canh tác nông nghiệp theo quy trình sạch là tiêu chí bắt buộc, đương nhiên phải có. Đó là yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững”, ông Đông nói.

“Vậy phải làm sao?”, tôi hỏi. Ông đáp: “Cần chọn lựa cây trồng phù hợp từng vùng. Loại cây trồng nào đã “bão hòa” rồi thì phải khống chế diện tích, đừng mở rộng, ví dụ cao su, tiêu, điều, cà phê… trong khi nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây, nhất là trái cây sạch, chỉ tăng chứ không giảm. Trong khi đó, nhiều loại cây ăn trái cao cấp như sầu riêng, măng cụt, bơ Mỹ… rất phù hợp thổ nhưỡng Bình Phước. Ví dụ sầu riêng, mặc dù trồng ở Bình Phước chưa lâu, nhưng cũng đủ cho thấy chất lượng ngang hoặc hơn so với các vùng sầu riêng lâu đời. Riêng giống bơ Mỹ thì miền Tây không trồng được nên nông dân Bình Phước không sợ “đụng hàng”. Theo tôi biết, nhiều nước không trồng được những loại trái cây này vì thổ nhưỡng, khí hậu, vì thế đây là lợi thế lớn của ta”.

Ông Đông có 10ha điều organic. Ảnh: Tuy Hòa.

Ông Đông có 10ha điều organic. Ảnh: Tuy Hòa.

Ông Đông cho rằng, muốn phát triển bền vững thì ngoài các yếu tố trên, cần phải liên kết, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác xã, liên kết 4 nhà, 5 nhà. Theo ông Đông, các nông hộ thường có các vùng canh tác liền kề nhau, đó là yếu tố thuận lợi cho việc qua lại trao đổi kinh nghiệm. Từ đó sẽ hình thành các nhóm liên kết nhỏ, nền móng của việc hình thành các HTX chuyên canh lớn sau này.

Tuy nhiên, người nông dân chưa có sự đầu tư mạnh. Nguyên nhân một phần vì tâm lý lo lắng vấn đề hợp thức hóa đất đai, phần vì thiếu nguồn vốn. Khi nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp kỹ thuật cao, họ cần vốn để điều chỉnh hay cân đối lại diện tích nhưng không có. Nên việc tạo thành một vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng thì cần phải có sự vào cuộc, chung tay của các ngành, các cấp mới thực hiện được. Bên cạnh đó, nông dân chưa nhạy bén về giá trị các loại cây, vẫn còn một bộ phận giữ tâm lý dễ hoang mang, tình trạng “trồng chặt, chặt trồng” vẫn còn phổ biến, gây không ít trở ngại cho việc kết nối liên doanh thành các vùng chuyên canh cây điều rộng lớn của HTX.

Sản phẩm bơ và sầu riêng của trang trại Quý Đông từ lâu đã có thương hiệu được người tiêu dùng ghi nhận. Ảnh: Hồng Thủy.
Sản phẩm bơ và sầu riêng của trang trại Quý Đông từ lâu đã có thương hiệu được người tiêu dùng ghi nhận. Ảnh: Hồng Thủy.

Sản phẩm bơ và sầu riêng của trang trại Quý Đông từ lâu đã có thương hiệu được người tiêu dùng ghi nhận. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Đông cho rằng, cần có sự hợp tác chặt giữa chính quyền các cấp và bà con nông dân. “Muốn nông dân an tâm canh tác, đầu tư, liên kết vùng canh tác của họ với các vùng canh tác khác, họ cần biết chắc chắn tính hợp pháp của các vùng đất đai đang canh tác. Đồng thời, họ rất cần sự hỗ trợ nhanh chóng về tiếp cận nguồn vốn vay, nông dân không thể đầu tư cải tiến sản xuất nếu trong túi họ không có gì”.

Một trong những bước đi quan trọng để phát triển bền vững là phải tạo ra vùng đất nông nghiệp mẫu, sau đó cho nông dân đăng ký chỉ tiêu, mà họ cảm thấy mình có thể đạt được là vùng nông nghiệp "vàng, bạc hay đồng". Căn cứ vào giá trị thu nhập cả mùa, nếu cuối mùa, các cơ quan thẩm định vùng đó đạt được chỉ tiêu, thì công nhận đó là vùng nông nghiệp vàng của huyện, tỉnh, từ đó lấy làm vùng nông nghiệp mẫu, các vùng khác trồng cây tương tự sẽ tham khảo kỹ thuật của vùng nông nghiệp mẫu mà phát triển, tránh tình trạng lộn xộn, tràn lan về kỹ thuật và kém hiệu quả như trước đây.

“Nâng cao giá trị sản xuất, canh tác bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, giảm tối đa nhập khẩu nguyên liệu, từ đó mới nâng cao giá trị cuối cùng”, ông Đông nói.

Với khát vọng nâng tầm trái cây Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Đông đã tự tay viết đề án xây dựng mô hình phát triển cây ăn trái và dự định trình UBND tỉnh xem xét. Ông ao ước Bình Phước và nhiều địa phương khác trong tương lai gần sẽ có những vùng quy hoạch trồng cây ăn trái rộng lớn, tuần hoàn khép kín với quy trình từ chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến sâu…được tự động hóa.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.