| Hotline: 0983.970.780

Lắp 'mắt thần' giám sát đồng ruộng

Thứ Ba 14/12/2021 , 15:45 (GMT+7)

Triển khai thí điểm “cuộc cách mạng” chuyển đổi số trong sản xuất, 11 mắt camera được nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lắp đặt để giám sát cánh đồng lúa 30 ha.

5 năm trở lại đây, huyện Can Lộc là một trong những địa phương tiên phong đi đầu, gặt hái được những kết quả tích cực trong việc khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy mô lớn, tập trung.

Can Lộc là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. 

Can Lộc là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. 

Theo tính toán của ngành chuyên môn và nông dân, hiệu quả kinh tế từ sản xuất lúa bằng hình thức tập trung, quy mô lớn tăng ít nhất 10 – 20% so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, để nâng cao tính chuyên nghiệp, giải phóng sức lao động cho người nông dân, vụ xuân 2022 Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cùng các đơn vị: Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, Trung tâm Viễn thông (VNPT) Can Lộc và HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (viết tắt là HTX Hạ Vàng), xã Vượng Lộc triển khai thí điểm chuyển đổi số trên đồng ruộng.

“Trước mắt chúng tôi sẽ lắp đặt 11 mắt camera giám sát tại cánh đồng 30 ha của HTX Hạ Vàng. Hiện đang triển khai các bước hồ sơ thủ tục, lựa chọn thiết bị, cài đặt phần mềm…”, lãnh đạo phòng nông nghiệp Can Lộc thông tin.

HTX Hạ Vàng thành lập năm 2013, gồm11 thành viên với ngành nghề sản xuất lúa gạo sạch. Năm 2020, HTX là đơn vị đi đầu trong thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và tích tụ ruộng đất với diện tích 30 ha. Từ vụ xuân 2021, HTX đã liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định trong việc bao tiêu sản phẩm.

Theo Chủ tịch HĐQT HTX Hạ Vàng Nguyễn Đình Trung, “cuộc cách mạng” phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu, không chỉ giải phóng sức lao động cho nông dân, tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch mà còn tăng giá trị kinh tế lên gấp nhiều lần. Quan trọng hơn, phong trào này góp phần thay đổi tư duy của nông dân, rằng trồng lúa chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi trong gia đình vốn “thâm căn cố đế”. Trong tương lai, gạo Hà Tĩnh phải hướng tới thị trường ngoại tỉnh, thậm chí là xuất khẩu.

Can Lộc là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi ruộng đất. Năm 2021, địa phương này đã phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn với diện tích hơn 990 ha. Vụ xuân 2022, Can Lộc dự kiến sản xuất trên 9.300 ha lúa, trong đó tiếp tục mở rộng diện tích ô thửa lớn trên 1.100 ha.

Trước khi phá bờ vùng, bờ thửa, cánh đồng 30 ha của HTX có đến 175 ô thửa nhỏ, ruộng manh mún; sau khi phá bờ vùng, bờ thửa còn 10 ô thửa lớn với diện tích mỗi ô từ 2 - 4 ha, được quy hoạch lại hệ thống giao thông nội đồng, mương tưới, điểm thu gom rác, tiến hành cải tạo, san sửa đất bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất. HTX Hạ Vàng đã tổ chức ghép và phân chia lại diện tích cho các hộ dân, sao cho mỗi gia đình tập trung sản xuất một vị trí. Mỗi ô có thể một hộ sản xuất, có ô 3 - 4 hộ cùng sản xuất. Đáng chú ý là trên mỗi ô sản xuất chung các hộ không đắp ngăn bờ mà cùng sản xuất chung.

“Bước đầu năng suất lúa vụ hè thu tại các ô thửa lớn của HTX đạt 5,6 tấn/ha, tăng hơn 6 tạ/ha so với sản xuất nhỏ lẻ. Vụ xuân 2022 HTX tiếp tục mở rộng diện tích thêm 3,5 ha và sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ”, ông Trung nói.

Vụ đông xuân này, HTX Hạ Vàng cũng sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát từ đồng ruộng và đăng ký mã QR để thuận lợi trong quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu... Đây là những bước đi khởi động, thí điểm cho chuyển đổi số của HTX cũng như trên đồng ruộng Can Lộc.

Lãnh đạo Trung tâm viễn thông Can Lộc xác nhận, đơn vị đang phối hợp với cơ quan liên quan để triển khai cài đặt các ứng dụng, thí điểm lắp đặt hệ thống camera, đường truyền kết nối thiết bị phục vụ chuyển đổi số tại HTX Hạ Vàng.

So song phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, HTX Hạ Vàng sẽ lắp 'mắt thần' giám sát cánh đồng lúa qua smartphone.

So song phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, HTX Hạ Vàng sẽ lắp "mắt thần" giám sát cánh đồng lúa qua smartphone.

Các camera này sẽ được kết nối với hệ thống cảm biến giúp giám sát cánh đồng lúa, mức nước, nhiệt độ, độ ẩm không khí và một số loại sâu bệnh trên đồng ruộng từ xa qua smartphone.

Các thông tin này được thu thập, lưu trữ và truyền tải đến trạm quản lý để phân tích và xử lý, qua đó người sử dụng có thể điều khiển và đưa ra các quyết định phù hợp nhằm tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng cây trồng.

Việc điều hành, chỉ đạo sản xuất sẽ được kết nối thông suốt từ phòng kỹ thuật của huyện đến thành viên ban giám đốc HTX và các xã viên thông qua phần mềm Zalo.

“Việc lắp camera giám sát sẽ giúp đơn vị liên kết thu mua sản phẩm và người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch”, lãnh đạo Trung tâm viễn thông Can Lộc nhấn mạnh.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất