| Hotline: 0983.970.780

Lễ lập bàn thờ tiền tỉ của người Dao: Làm lễ, khổ vì nhịn tiểu

Thứ Sáu 31/12/2021 , 08:10 (GMT+7)

Lễ lập bàn thờ người Dao phải làm to bởi làm nhỏ thì không có đủ thịt lợn để chia cho hàng trăm anh em, hàng xóm, không có tiền để chia cho các thầy.

90 suất chia phần

Theo ông Đặng Trung Hải ở xóm Rãnh (xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), buổi lễ lập bàn thờ nào cũng phải mời cả xóm 137 hộ không sót một nhà ai. Anh em quen biết thì đi hết cả nhà, còn không thì đi đại diện 1 - 2 người/nhà. Tất cả đều không có lệ “phong bì” như ở dưới xuôi nên càng mời rộng thì càng lỗ.

Thịt lợn chia cho các phụ bếp, giúp việc mỗi người khoảng 2 - 3kg, chia cho thầy cúng mỗi người 1 đầu kèm 10 - 15kg. Như buổi lễ hồi tháng ba nhà ông Hải cần 4 thầy, cần 15 - 20 phụ bếp, ngoài ra còn cần 6 đứa trẻ gồm 3 trai, 3 gái của các họ để thực hiện nghi thức ủng hộ nữa.

Tính tổng cộng là hơn 90 suất thịt chia phần bởi ông anh em đông, con cháu nhiều, bạn bè lắm, kể cả không làm nhưng đến ăn "giúp" cũng cứ phải có phần. Ngoài nuôi ăn uống suốt thời gian làm lễ và về được chia thịt, 4 thầy cúng cũng phải trả công 1 - 2 triệu/người, 2 người đến hát mỗi người 300.000 đồng, 6 đứa trẻ mỗi đứa 100.000 đồng. Lúc trước ông Hải làm bảo vệ ở nhà trường cấp hai, vẫn thường được dân làng nhờ vào xin các cô cho nghỉ học để có mặt trong lễ lập bàn thờ, nếu vướng buổi thi thì đành phải ngồi đợi.

Túi đựng tranh thờ của nhà ông Dương Tài Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Túi đựng tranh thờ của nhà ông Dương Tài Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Lúc đợi khổ nhất là mấy ông thầy, không thể đi đâu được, kể cả là đi tiểu. Làm lễ đã mặc áo của thầy vào là không được cởi ra, vài tiếng cũng phải ngồi chờ nên không ai dám uống nước. Phải nhịn tiểu, đọc sách, nhảy múa suốt mấy giờ liền, rồi lại thức thâu đêm, như tết nhảy tới 3 ngày 3 đêm không được ngủ, nếu làm lệch sách một chút phải làm lại từ đầu, vất vả lắm nên chẳng mấy thầy béo cả”, ông Hải phân tích.  

Trong khi ông Hải nói, tôi ngó vào trong nhà thấy cái bàn thờ nho nhỏ đặt ở góc bên phải, chỉ có chủ nhà mới được phép ngồi trước nó. Xưa, bàn thờ của người Dao thường tự làm bằng tre nhưng chỉ được một thời gian là hỏng, mà đã thay lại phải mất 1 con lợn, nhiều con gà để cúng mời cả xóm đến ăn. Bởi thế, giờ đây họ toàn mua bàn thờ bằng gỗ đã làm sẵn, lúc mang về phải cúng rồi rửa bằng nước chè.

Cứ mồng một, hôm rằm người Dao lại rót 5 chén nước chè, đốt ít vỏ cây thơm thay cho hương mời tổ tiên thụ hưởng. Cạnh cái bàn thờ nhà ông Hải có treo cái túi vải đựng 3 bức tranh, không bao giờ được mở ra trừ khi cúng. Để hoàn tất lễ, ông còn phải thêm 12 bức tranh nữa.

Bàn thờ của gia đình ông Đặng Trung Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bàn thờ của gia đình ông Đặng Trung Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 1957 bác với bố của ông Dương Tài Thành chuyển về Rãnh lập thành xóm mới nên được tôn là già làng, trưởng bản. Từ 2 hộ người Dao năm nào giờ đã thành 140 hộ trong đó Dao khoảng 110 hộ, Kinh khoảng 30 hộ, Mường 7 hộ. “Bố tôi làm bước đầu của lễ lập bàn thờ năm 1982, lúc đó chỉ mổ vài con gà cùng đôi lợn để cúng. Ông làm được 2 bước rồi mất năm 2000, còn lại 8 bước đều do tôi đứng lên làm, đã kết thúc 5 năm trước.

Bước thứ nhất là tìm bàn thờ; bước thứ hai là mua 2 bức tranh thờ nhỏ cho vào; bước thứ ba là đọc sách chữ Nho, mua 3 tranh thờ to có vẽ 72 quân của thần linh, thánh sư cho vào; bước thứ tư là cúng rồi hứa với tổ tiên sẽ làm đám tiếp để họ phù hộ cho lợn gà nuôi chóng lớn, gia đình làm ăn mát mẻ, mạnh khỏe; bước thứ năm ra tạ mả cho tổ tiên rồi vào làm đám; bước thứ sáu mua 12 bức tranh thờ to về khai quang cho 120 quân của thần linh, thánh sư ở trong đó; bước thứ bảy, nếu có con trai thì làm cấp sắc đặt tên; bước thứ tám, lại ra ngoài tạ mả cho tổ tiên; bước thứ chín lại làm tạ mả tiếp; bước thứ mười làm cái đám cuối cùng.

Bàn thờ nhà ông Dương Tài Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bàn thờ nhà ông Dương Tài Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lần nào cũng mổ lợn, gà trong đó có một lần mổ trâu. Xong những thủ tục đó là có thể yên tâm đến già. Người ở đây khi lập bàn thờ thường bằng những thứ tự chăn nuôi, tự trồng trọt, chỉ trừ mỗi trâu nếu không có thì phải mua nên mới phải cúng để các cụ phù hộ…”.

Tại sao tốn kém thế mà vẫn phải cố làm? Tôi hỏi. Ông Thành trả lời: “Do mấy ngàn năm các cụ làm nên giờ vẫn phải theo. Ai không có điều kiện, dân làng cũng không ép, có thể đời mình làm chưa xong thì đời con lại tiếp nối. Làm xong lễ lập bàn thờ nghe trong người thoải mái, làm ăn được, kinh tế ngày càng có, con người cũng thấy khôn lên đấy…”.

Mớ vỏ cây rừng dùng để làm hương của ông Dương Tài Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mớ vỏ cây rừng dùng để làm hương của ông Dương Tài Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cố cãi cũng không được

Tôi gặp Triệu Kim Xuân khi đang mặt đỏ tưng bừng, từ đám lễ trong xóm về nhà ông Đặng Trung Hải. Anh gọi ông là chú, hiện đang làm nương ở tổ 9, phường Thống Nhất, TP Hòa Bình, nơi có một xóm người Dao với 185 hộ sinh sống. “Cái lễ lập bàn thờ này không thể bỏ được anh ạ, bố tôi đi công tác nhà nước lúc đầu không muốn làm đâu nhưng về sau vẫn phải theo. Như tôi cũng cố cãi, định không theo đấy mà không được bởi sau có việc này, việc nọ (bệnh), xem bói ra vẫn phải làm thì mới khỏi được. Mình không làm mà chẳng may mất đi thì đời con mình sau này sẽ khổ”, anh kể.

Từ hồi bố anh Xuân bắt đầu lập bàn thờ đến nay đã 16 - 17 năm, làm được 6 bước nhưng vẫn còn 4 bước mới xong. Chỉ tính riêng tiền bỏ ra một cục đã hết khoảng 300 - 400 triệu, chưa kể gà, lợn, rượu, gạo nhà tự sản xuất được…

“Lập được bàn thờ hết khoảng 500 triệu nếu đời mình tự tìm. Còn bố chưa làm xong mà đã mất đi thì mình phải gánh nốt phần còn lại của đời bố rồi mới lập bàn thờ của đời mình sẽ tốn hơn, khoảng 700 - 800 triệu. Mà đời con không gánh được thì đời cháu mình phải gánh, đời cháu không gánh được thì đời chắt mình phải gánh”, anh Xuân tâm sự.

Ông Dương Tài Thành đang mô tả các bước lập lễ bàn thờ của người Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Dương Tài Thành đang mô tả các bước lập lễ bàn thờ của người Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không phải cứ tích được tiền, nuôi được trâu, lợn, dê, gà là có thể tổ chức được các bước của lễ lập bàn thờ mà mỗi dòng họ lại phải kiêng một năm. Như họ của anh Xuân kiêng năm con khỉ, dòng họ của ông Hải kiêng năm con lợn, con mèo.

Đợt lễ vừa rồi của nhà anh Xuân, con trâu ngả ra được chia làm 3 phần, 1 phần cho các ông thầy cúng, 2 phần chia ra cho khoảng hơn 80 khách đến làm giúp, tùy theo việc lớn, việc bé mà phần to, phần nhỏ. Kèm theo 1 suất thịt trâu là 1 suất thịt lợn. Không chỉ được chia thịt trâu, thịt lợn như khách, các thầy cúng còn được chia thịt dê, thịt ngỗng, thịt gà, thịt bồ câu nhưng không được bán mà mang về chỉ gọi anh em, bạn bè đến uống rượu.

Xưa kẻ đến giúp chỉ có phần thịt làm quà, từ hồi kinh tế phát triển, ngoài phần mang về, giờ mỗi người mỗi ngày phải có 300.000 đồng cho bằng công thợ xây: “Họ Triệu, gói của mình lập bàn thờ tốn trâu hơn họ khác nhưng lại bớt được cái tết nhảy, bớt được mua 12 tờ tranh thờ. Tuy bớt được khoản mua tranh khoảng 20 triệu nhưng 2 lần làm lễ lại phải đi mượn tranh, tồi cũng mất 4 - 5 triệu/lần, rồi lại phải thịt lợn, tính ra còn tốn hơn”, anh Xuân thổ lộ.

Trang trại vườn đồi của ông Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trang trại vườn đồi của ông Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xóm Rãnh có mấy thầy cúng nhưng vào những tháng có nhiều ngày tốt cũng không đủ nên họ hầu như không có thời gian mà ngủ. Trước khi đi cúng, thầy phải mổ gà cúng thánh sư của mình nhưng không được tự tay làm lễ mà lại phải nhờ thầy khác. Thiếu người biết cúng nên xóm phải tổ chức lớp học làm thầy.

Con ông Hải cũng đang học một lớp như vậy do ba thầy thay phiên nhau giảng ở ngay nhà văn hóa xóm, mỗi tuần học hai buổi, có đóng lệ phí đàng hoàng. Đối tượng học là con trai, độ tuổi không giới hạn. Ban đầu lớp có hơn 50 học viên, sau 1 năm một số do không theo được nên cứ rơi rụng dần nhưng con ông Hải vẫn kiên trì bám trụ.

Ngoài lễ lập bàn thờ người Dao, ở Rãnh còn có nhiều lễ khác cũng mời cả xóm như tết thanh minh, rằm tháng bảy, tết cuối năm. Lúc đó mỗi nhà chỉ mổ 1 con lợn tạ cùng cỡ chục con gà do không phải chia thịt cho khách đến ăn mang về nữa. Còn người Kinh, Mường ở Rãnh chỉ mời cả xóm 1 lần vào dịp tết cuối năm.

Bộ trang sức bằng bạc rất giá trị của phụ nữ Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bộ trang sức bằng bạc rất giá trị của phụ nữ Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hơn 100 hộ người Dao mà mỗi nhà mời cả xóm 3 lần thì ngày nào trong năm ở Rãnh cũng có cỗ à? Tôi hỏi. Ông Hải cười: “Không phải thế, nhà nào đã lập bàn thờ mới tổ chức lễ. Xóm có khoảng 60 hộ đã lập bàn thờ như vậy. Dòng họ nhà tôi bé, 5 hộ có bàn thờ, 3 hộ chưa có. Tết thanh minh người Dao ăn từ 15 tháng 2 đến 20 tháng 3, rằm tháng bảy ăn từ 10 tháng 6 đến 15 tháng 7, Tết cuối năm ăn từ mồng 2 tháng 12 đến 28 tháng 12, thay phiên nhau từ nhà này sang nhà nọ.

Tuy có tốn kém nhưng bù lại là sự gắn kết của cộng đồng, tình làng nghĩa xóm rất bền chặt. Chưa ai nghĩ đến chuyện cải tiến, giảm bớt các bước lập bàn thờ này mà chỉ rút ngắn được ít thời gian, như trước lễ 2 ngày thì nay hơn 1 ngày 1 đêm, còn ăn uống vẫn thế”.

Người Dao mỗi xóm lại có một miếu thờ, hàng năm tháng giêng cúng khai hạ, mùng 3 tháng 3 cúng hứa cho thần con lợn để phù hộ dân làm ăn tốt, mồng 6 tháng 6 cúng để cầu cho mưa thuận, mồng 2 tháng 8 cúng để cầu cho trồng cây gì ra hoa, kết trái, cuối năm thì cúng tổng kết. Thầy mo chỉ được làm những lễ như thế còn thầy cúng có thể làm các lễ khác ở cả phạm vi ngoài thôn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm