| Hotline: 0983.970.780

Lễ lập bàn thờ tiền tỉ của người Dao

Thứ Năm 30/12/2021 , 06:03 (GMT+7)

'Không được ngủ với vợ, tắm rửa sạch sẽ rồi sáng mai đi dự lễ lập bàn thờ của xóm nhé'. Ông Hải điện làm tôi cứ khấp khởi hồi hộp ở trong lòng.

Tìm cái cây có gai mọc cong ngược lại

Từng đi vùng cao nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi được chứng kiến lễ lập bàn thờ của người Dao nên rất tò mò. Xuất phát từ Hà Nội lúc hơn 6 giờ sáng, đúng 8 giờ tôi đã có mặt ở Rãnh - một xóm người Dao vùng cao của xã Toàn Sơn huyện Đà Bắc nhưng chỉ cách thành phố Hòa Bình 7 - 8km.

Thấy khách lạ, một thanh niên đến nhắc nhở tôi không được chụp ảnh trong suốt cả buổi lễ, chẳng hiểu do kiêng kị hay ngại ngần dịch bệnh. Ngó vào trong nhà, những bức tranh khổ lớn treo thành hàng trên tường. Cái bàn thờ nho nhỏ trong đó có một bóng đèn đang hắt ra thứ ánh sáng đo đỏ. Ba thầy cúng mặc áo xanh, đỏ, đen, đầu đội ba loại mũ khác nhau. Tiếng trống đánh tung tung, tiếng lắc leng keng của một cái chuông nhỏ xen lẫn tiếng rì rầm khấn vái.

Bố của chủ nhà mới làm được một số bước của lập bàn thờ thì sức khỏe yếu, kinh tế kém nên phải chuyển cho người con trai để cùng hợp sức thực hiện. Lễ tiến hành từ sáng suốt chiều, xuyên đêm đến trưa mai gồm nhiều màn múa, đọc sách chữ nho, cúng rồi cùng ăn uống. Việc ăn không có giờ giấc cố định nào cả mà cứ thầy cúng đọc xong một lần sách là người ta đặt mâm xuống, kể cả là bụng thực khách còn chưa xuôi. Một con lợn tạ được ngả xuống để mời cả xóm nhưng do tình hình Covid-19 nên cũng ít người đến.

Ông Đặng Trung Hải bên bàn thờ nhà mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Trung Hải bên bàn thờ nhà mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Trung Hải - người đã gọi điện cho tôi, chép miệng bảo rằng chẳng bù dịp tháng ba vừa rồi lễ lập bàn thờ của gia đình mình, trong nhà ăn được 6 - 7 mâm, ngoài sân ăn được 20 mâm nhưng phải bố trí mấy lượt mới đủ. Phản, ghế, giường người ngồi chật ních mà ngoài đường vẫn rầm rập tiếng chân. Có những khách ở xa đến từ tận hôm trước. Nhà nào của xóm Rãnh hầu như cũng lợp mái tôn ở ngoài sân, có dăm bảy bộ bàn ghế, nếu thiếu thì mượn thêm để bày mâm trong những dịp lễ lập bàn thờ hay các loại lễ khác.

Dù xây được cái nhà cao mấy tầng mà không lập được bàn thờ thì người ta vẫn bảo chỉ là cái lều tạm trên nương mà thôi. Lúc đó, gia chủ chỉ được cúng ở dưới nền nhà và không có bát hương. Ông Hải giải thích: “Chỉ có người Dao quần chẹt làm lễ lập bàn thờ dù ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc hay Quảng Ninh... đi chăng nữa, còn Dao mặc váy, Dao đeo tiền thì không làm. Dao quần chẹt ở đây có nhiều họ như Đặng, Lý, Bàn, Triệu, Dương.

Họ Đặng nhà tôi có 8 bước để lập bàn thờ còn có họ tới 10 bước. Bước đầu phải mang lợn, gà đến bàn thờ nhà tổ tiên cúng, xin một ít tro ở bát hương về. Sau đó lên rừng tìm 7 loại cây trong đó 2 loại dạng dây, yêu cầu cành và gai phải mọc cong ngược với mong muốn kéo lại vận may cho gia chủ và 5 loại cây thơm như quế, hương. Những cây này nếu con gái, đàn bà lỡ bước qua sẽ không dùng được…”.

Trang phục của người Dao quần chẹt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trang phục của người Dao quần chẹt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại sao biết được cây nào đã có con gái, đàn bà bước qua? Tôi hỏi. Ông Hải cười: “Những cây nào ngả xuống thấp là có con gái, đàn bà đã đi qua, chạm vào rồi nên phải chọn cây thật cao, chỗ thật hiểm trở. Lấy vỏ của chúng đốt lên, trộn với ít tro từ bát hương của tổ tiên để thành bát hương nhà mình. Chỗ nước đầu tiên đổ vào trong bát cúng cũng phải lấy từ trong ngầm suối, mạch núi chảy ra”.

Bước thứ hai mua 1 cái tranh nhỏ bỏ vào trong bàn thờ. Bước thứ ba làm 2 cái đám rồi mua 2 tờ tranh. Bước thứ tư mua 3 bức tranh, làm cái đám như ngày hôm nay (lễ tạ ơn tổ tiên)… Bước nào khi cúng cũng phải mổ 4 con lợn tạ, hàng chục con gà, chưa kể gạo, rượu.

Với những bước như trên, ông Hải nhẩm tính nhà mình đã chi khoảng 400 - 500 triệu rồi, khi thực hiện xong tất cả phải mất cỡ gần 1 tỉ: “Vẫn còn phải 3 bước nữa là mua 12 tờ tranh mất khoảng 20 triệu rồi mổ 4 con lợn tạ, làm lễ rửa mặt cho tranh, sau đó mổ 4 con lợn tạ làm tết nhảy 3 ngày 3 đêm.

Ông Đặng Trung Hải mặc áo truyền thống đứng nghiêm trang trước bàn thờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Trung Hải mặc áo truyền thống đứng nghiêm trang trước bàn thờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tết nhảy là lễ to nhất. Các gia đình họ khác chỉ làm 1 lần tết nhảy trong đời nhưng họ Dương thường 12 năm lại làm lại nên tốn kém hơn. Bước tiếp làm lễ đặt tên cho con trai là đã hoàn chỉnh lễ lập bàn thờ, đã thành một nhà tổ lớn rồi”.

Trong đời sống tâm linh của người Dao, tranh thờ có một vị thế rất đặc biệt nhưng lạ cái theo ông Hải chúng đều do người Kinh vẽ. Có nhà đến mấy đời gia truyền nghề này, có bức tranh tới vài trăm năm tuổi như nhà thờ tổ của mình ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình mang theo lúc di cư từ Trung Quốc sang. Khi muốn lập bàn thờ mới, ông bà phải lấy một nhúm tro từ bát hương bàn thờ tổ về trộn với tro đốt từ vỏ của 7 thứ cây trên rừng; bố mẹ lại lấy nhúm tro từ bàn thờ ông bà về… cứ theo một dây chuyền như vậy.

Người Dao không dùng que hương mà chỉ dùng các loại vỏ cây rừng có mùi thơm để đốt. Lúc lập bàn thờ thì lấy tro của 7 loại cây rừng, còn khi thắp bình thường chỉ có 2 loại. Tro từ bát hương không được phép bỏ đi.

Ông Đặng Trung Hải cầm những vỏ cây rừng được đốt thay cho hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Trung Hải cầm những vỏ cây rừng được đốt thay cho hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đời mình chưa lập xong thì đời con cháu làm tiếp

Người Dao thường bắt đầu làm lễ lập bàn thờ từ năm khoảng 35 tuổi nhưng hồi thanh niên ông Hải mải bóng đá, bóng chuyền, mải vác súng lên rừng với đàn chó săn vì đinh ninh mình sẽ được thừa hưởng cái bàn thờ của bố mẹ để lại. Về sau, khi đứa em út lấy vợ người Kinh, bố mẹ ông nghĩ con dâu không biết thủ tục, không biết cách thêu váy áo nên quyết định để lại cho nó cái bàn thờ. Thành ra ông Hải bắt đầu làm bước một của lễ lập bàn thờ năm 2019, lúc đã ngoài 50 tuổi.

“Mấy con trai thì chỉ một được thừa hưởng cái bàn thờ còn những người khác phải dựng bàn thờ mới. Nếu không làm dù đã có nhà riêng vẫn chỉ là người phụ thuộc. Ở đây hầu hết tiền tích góp của các gia đình dành để lập bàn thờ nên con cái không được đi học mấy, không ra xã hội làm gì được mà chỉ làm nông. Thua thiệt là ở chỗ đấy.

Tôi có 3 đứa con đều được học hành cả bởi nghĩ bản thân mình đã thiệt, chỉ học hết lớp 4, bố mẹ nói thôi là phải đi làm để nuôi mấy đứa em. Mà kiếm gạo hồi đó chỉ có cách lên nương. Trồng lúa nếu được mùa thì đủ ăn, còn không thì 2 năm đói vì mỗi năm chỉ có 1 vụ. 

Bà vợ ông Hải chăn trâu trên đồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà vợ ông Hải chăn trâu trên đồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 1990 ông bà cho tôi ra ở riêng, đi trồng rừng, quần áo lành còn chẳng có mà mặc, được bao nhiêu tiền đều để dành mua bò. Dần dần đàn bò phát triển thành 25 con, nhiều nhất xóm thì bán đi để nuôi con ăn học. 2 đứa đầu học đại học giờ làm giáo viên, còn thằng út học cao đẳng rồi ở nhà mở trang trại.

Về lễ lập bàn thờ, tôi phải nuôi lợn rồi trồng cây để bán. Ở xóm trung bình mỗi nhà có 1 - 2ha rừng, chưa có ai trồng quế nhưng tôi đã trồng được một vườn thân to như cái phích rồi. Nhà có điều kiện thì cứ mỗi năm làm một lễ. Nhà không có điều kiện vẫn phải vay mượn làm rồi thì con cháu trả dần hay phải bán cả đất rừng đi. Có nhà hết hai ba đời mới lập xong bàn thờ.

Tôi có 1 đứa con trai nên nếu lập xong bàn thờ nó sẽ không phải làm nữa, đến đời cháu, nếu nó 2 đứa trai thì 1 phải lập. Đi ăn cỗ, uống rượu mà không lập tính (cấp sắc đặt tên), không lập bàn thờ thì không được ngồi mâm trên ở trong nhà, kể cả tóc bạc cũng vẫn là trẻ con, kể cả khi chết xuống âm phủ cũng không được cho là người lớn. Họ Đặng tôi làm lễ lập bàn thờ là nhỏ nhất chứ họ Triệu, họ Dương ngoài cúng bằng lợn còn cúng cả bằng trâu nữa, họ mất 1 con, họ mất 2 con".

Ông Đặng Trung Hải bên đàn lợn đen nuôi để sang năm làm lễ cúng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Trung Hải bên đàn lợn đen nuôi để sang năm làm lễ cúng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hải dẫn tôi ra xem chuồng lợn đen, mỗi con nặng cỡ 70 - 80kg, được nuôi bằng cám, thân chuối đến cuối năm sau sẽ mổ tổ chức cúng tiếp. Lễ lập bàn thờ thường diễn ra vào đầu năm hoặc cuối năm, lúc thời tiết lạnh bởi vì nóng mà cúng lâu, để 1 - 2 ngày mới chia thịt cho bà con dễ bị hỏng. Mỗi kg lợn đen như thế giờ có giá 100.000 đồng, tính ra 4 tạ lợn cho một lễ đã 40 triệu.

Tại sao phải là lợn đen thì ông không rõ nhưng từ xưa đến nay chưa ai dám phạm cúng bằng lợn trắng. Thêm vào đó phải là lợn đực, được thiến từ lúc chỉ 10 - 15 ngày. Các họ người Dao khác cúng dê, cúng trâu cũng phải là đen, chỉ có gà, vịt, ngỗng là màu gì cũng được…

Bà vợ ông Hải đang tranh thủ thêu bộ quần áo mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà vợ ông Hải đang tranh thủ thêu bộ quần áo mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Dương Thị Phòng - vợ ông Hải vừa chăn trâu trên đồi vừa tranh thủ thêu một bộ quần áo truyền thống: “Tục lệ phải thế, ai nghèo khổ cũng cố mà làm. Như nhà tôi, hồi đầu năm không nợ cũng coi như nợ bởi mỗi đứa con gái giúp 10 - 30 triệu, còn con trai phải gánh vác chính.

Nói trộm ở đây, không làm hay làm sai (thánh thần) còn đánh chết đấy! Bố tôi khi còn sống vẫn bảo rằng các con phải cố gắng, không làm được cấp sắc thì rụng hết răng rồi mà vẫn chưa có tên, không lập được bàn thờ thì mọi người lại cười cho là kém cỏi.

Họ Đặng kiêng tháng 10 nên tháng 11 sang năm nhà tôi mới làm được tết nhảy, cháu lên chơi nhé, vui lắm! Tôi dự tính 5 - 6 tạ lợn cùng gà, gạo, rượu… để mời cả làng đến ăn 3 ngày 3 đêm, rồi 20 triệu cho thầy, 20 triệu cho mua tranh cúng, tổng cộng hơn 100 triệu.” (Còn nữa).

Xem thêm
Ông Phan Thiên Định làm Bí thư Quận ủy Thuận Hóa

Ông Phan Thiên Định, Bí thư thành phố Huế (cũ) được chỉ định làm Bí thư Quận ủy Thuận Hóa, thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Kế hoạch hành động Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN vừa ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đoạt giải C Báo chí Tài nguyên và môi trường

Nhóm tác giả Báo Nông nghiệp Việt Nam đoạt giải C Báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ VII với loạt bài 'Sống trên Di sản Cao nguyên đá Hà Giang'.