| Hotline: 0983.970.780

Lê Trung Đình - người lãnh đạo Thái Nguyên khởi nghĩa năm 1945

Thứ Năm 03/09/2020 , 14:07 (GMT+7)

Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Thái Nguyên, ông Lê Trung Đình (nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) đã lãnh đạo nhân dân địa phương giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Ông Lê Trung Đình (1914 - 1998)

Ông Lê Trung Đình (1914 - 1998)

Ông trở thành Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.    

Ông Lê Trung Đình (1914 - 1998) tên thật là Nguyễn Cung. Quê tại xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936. Sau ngày giành chính quyền ở Thái Nguyên, ông đã lần lượt đảm nhận các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946), Bí thư Khu ủy Tây Bắc (1953), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khai hoang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT)… Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

Vượt ngục Chợ Chu

Tôi được ông Lê Trung Hải - cán bộ hưu trí Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, con trai cụ Lê Trung Đình chia sẻ những tư liệu về cuộc đời hoạt động của cha mình trong những ngày Cách mạng tháng Tám tròn 75 năm trước.

Sáng ngày 11/10/1944, nhóm 12 người tù Chợ Chu (Thái Nguyên), do ông Song Hào, bí thư chi bộ nhà tù, đã tổ chức và phụ trách vượt ngục thành công. Họ được ông Lê Dục Tôn - cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ và ông Lộc Văn Tư đưa đi về các cơ sở để nhận công tác mới.

Trong 12 người tù vượt ngục này, nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội như Thượng tướng Song Hào (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Trung tướng Lê Hiến Mai (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH); Thiếu tướng Tạ Xuân Thu (Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên Quân chủng Hải quân); Thiếu tướng Trần Thế Môn (Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương)… Hoàng Bá Sơn (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT); Nhị Quý (Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương) và ông Phạm Ngọc Bổng (Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang)…

Ông Lê Trung Đình được phân công ở ngay huyện Đại Từ. Ông về thôn La Phát thuộc xã Khôi Kỳ tổng Đội Cấn 1 (mật danh khi đó), gần thị trấn Hùng Sơn, cùng với các ông Nhất Quý, Phúc Quyền... ở La Bằng, và một số đội viên du kích Tràng Xá, Đình Cả, Võ Nhai… xây dựng phong trào cách mạng đêm trước khởi nghĩa toàn quốc.

Từ đầu năm 1945, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở các địa phương trong cả nước lên nhanh. Khẩu hiệu “Sắm vũ khí đuổi thù chung” sôi nổi.

Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (4/1945), tiếp đó là lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân (5/1945) càng khiến lực lượng vũ trang có thêm sức mạnh. Một số địa phương trong cả nước, căn cứ tình hình thực tế đã nổi lên chớp thời cơ giành chính quyền. Khởi nghĩa từng phần đã bắt đầu. Khu giải phóng 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên được nối liền.

Sống trong những ngày tháng sôi nổi ấy, ông Lê Trung Đình đã ví “không khí những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 vô cùng khẩn trương, tưởng chừng như một ngày bằng hai mươi năm”.

Tháng 7/1945, ông nhận được chỉ thị của cấp trên phải về gấp Đồng Hỷ đến xã Bình Định thuộc Tân Cương gặp bà Nguyễn Thị Minh Tâm (tức Trịnh Thị Chính), Bí thư Ban Cán sự huyện, để củng cố và phát triển phong trào vì ở đây gần thị xã Thái Nguyên.

Đến Bình Định, gặp bà Tâm, họ cùng nhau bàn bạc, trao đổi ý kiến về công tác lớn cần phải làm. Bà Tâm đã cho liên lạc đưa ông Đình về gấp xã Tiên Phù (Phổ Yên) gặp bà Vũ Thị Ngọc (tức Vũ Thị San, cán bộ của Xứ ủy) và ông Quang Huy, người phụ trách huyện Phổ Yên. Tiếp đó, bà Vũ Thị Ngọc đưa ông sang Kha Sơn Hạ, Phú Bình, đến một số cơ sở cũ của hai huyện Phổ Yên và Phú Bình để củng cố thêm cho phong trào kháng Nhật cứu nước.

Giải phóng quân sau ngày giành chính quyền tỉnh Thái Nguyên (8/1945)

Giải phóng quân sau ngày giành chính quyền tỉnh Thái Nguyên (8/1945)

Thành lập chính quyền cách mạng

Tháng 8/1945, tình hình rất khẩn trương... Trung ương Đảng chỉ thị phải hành động gấp để chuẩn bị khởi nghĩa từng phần ở những nơi có điều kiện. Lúc này, hầu hết các vùng nông thôn ở Thái Nguyên đều do chính quyền cách mạng quản lý, trừ huyện lỵ Phú Bình, thị xã Thái Nguyên, thị trấn Đại Từ, Phấn Mễ - nơi còn Nhật và chính quyền Nam triều chiếm đóng.

Sau Hội nghị Trung ương toàn quốc họp ở Tân Trào (15/8/1945) cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Trung ương cử ông Võ Nguyên Giáp và ông Trần Đăng Ninh đưa bộ đội Việt Nam Giải phóng quân và đại đội Việt - Mỹ do ông Đàm Quang Trung chỉ huy về giải phóng thị xã Thái Nguyên, làm điểm để rút kinh nghiệm giải phóng đô thị trong phạm vi toàn quốc.

Tối 18/8/1945, từ Võ Nhai, Đình Cả một đơn vị vũ trang tuyên truyền đột nhập vào Đồng Bẩm, tổ chức biểu tình, tuần hành sang thị xã, rải truyền đơn hô hào nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, đánh đổ chính quyền Nhật và tay sai.

Tối 19/8/1945, theo hướng định sẵn, các đơn vị Giải phóng quân đã tập kết ở Thịnh Đán cách thị xã 7km.

“Vào thời điểm này, tình hình càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Đặc biệt là tình hình thị xã Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ rất sôi động, kể cả các xã phụ cận. Nhân dân rất phấn khởi.

Khí thế cách mạng lên rất cao. Hàng trăm thanh niên, đại diện đoàn thể phụ nữ, công nhân viên chức, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ ở thị xã và hai huyện Đồng Hỷ, Tân Cương ra Thịnh Đán đón Giải phóng quân. Họ báo cáo tình hình Nhật và dân chúng trong thị xã cho Bộ chỉ huy Giải phóng quân, một số tập trung vẽ bản đồ thị xã cung cấp cho các đơn vị, bộ chỉ huy. Một số thanh niên được giao nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị áp sát trại Nhật, dinh tỉnh trưởng và trại bảo an binh”. 

Trước 4 giờ sáng ngày 20/8/1945, Bộ chỉ huy đưa tối hậu thư cho chỉ huy Nhật đóng ở tòa sứ cũ yêu cầu phải đầu hàng vô điều kiện và nộp đủ vũ khí...

Đúng 5 giờ sáng, các đơn vị Giải phóng quân đã áp sát trại Nhật ở tòa sứ, trại bảo an binh, trại lính ở Bến Tương, khống chế một số điểm lẻ còn trong thị xã; nhưng vẫn bảo đảm cho nhân dân đi lại bình thường trong thị xã. Khi Giải phóng quân bắt đầu nổ súng, lực lượng bảo an binh, tỉnh trưởng Thái Nguyên và tri huyện Đồng Hỷ ra hàng.

Lúc này, Cơ quan chỉ huy của Bộ tư lệnh Giải phóng quân đóng ở hai địa điểm: bộ phận đóng ở đình thị xã Thái Nguyên do ông Võ Nguyên Giáp phụ trách, bộ phận đóng ở nhà điện do ông Trần Đăng Ninh phụ trách. Ông Lê Trung Đình ở đình thị xã trực tiếp giúp việc cho ông Võ Nguyên Giáp.

Trong khi bộ đội ta bao vây áp sát trại Nhật thì một đơn vị bộ đội địa phương Phú Bình lên kết hợp với Giải phóng quân đã áp sát vào nhà điện. Chiều 20/8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động thị xã Thái Nguyên. Ông Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố giải tán chính quyền cũ do Nhật để lại và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Ủy ban nhân dân tuyên bố bắt đầu thi hành chính sách của Chính phủ lâm thời trong thị xã và trong phạm vi toàn tỉnh, giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do ông Lê Trung Đình làm Chủ tịch.

Khi cuộc bao vây quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên vẫn đang tiếp tục thì có chỉ thị Trung ương đề nghị Võ Nguyên Giáp phải về Hà Nội gấp. Bộ chỉ huy Giải phóng quân để lại một bộ phận tiếp tục làm nhiệm vụ bao vây quân Nhật, còn đại bộ phận Giải phóng quân phải về Hà Nội. Đến ngày 26/8/1945, tên lính Nhật cuối cùng đã rút khỏi thị xã Thái Nguyên.

Xem thêm
Quang Linh Vlogs hội ngộ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Chàng Youtuber nổi tiếng Quang Linh Vlogs đang ở Việt Nam để có chuyến đi chơi xuyên Việt cùng bố con Matiloi - người bạn đến từ châu Phi.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.