Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Để chuẩn bị phương án sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19 trong giai đoạn mới để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra 3 kịch bản sau ngày 15/8.
Kịch bản 1: Tình hình dịch diễn biến còn phức tạp, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.
Kịch bản 2: Thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh trên mức Chỉ thị số 15 của Thủ tướng, trong điều kiện còn một số địa phương dịch diễn biến khá phức tạp.
Kịch bản 3: Giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng.
Theo ông Nghĩa, việc lựa chọn một trong 3 kịch bản đưa ra sẽ dựa trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và nhu cầu của doanh nghiệp. UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ thống nhất và cho chủ trương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội sau ngày 15/8. Dù áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo hướng nào, thì doanh nghiệp muốn hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ và y tế tại chỗ.
Đối với y tế tại chỗ, nếu không đủ điều kiện tổ chức thì doanh nghiệp ký hợp đồng với cơ quan y tế, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, xét nghiệm định kỳ cho công nhân, tiến tới tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân lao động. Và có cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành chức năng.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp bổ sung lao động có thể linh hoạt áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”, người lao động sẽ được quản lý từ nhà máy đến nơi ở, được xét nghiệm tầm soát Covid-19 trước khi vào làm việc.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 105/431 doanh nghiệp đang hoạt động theo nguyên tắc 3 tại chỗ với 14.893/54.116 lao động làm việc. Có 102/182 chợ truyền thống đang hoạt động, 1 trung tâm thương mại, 7/7 siêu thị tổng hợp và 44/53 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, các kênh bán hàng online tăng mạnh.