| Hotline: 0983.970.780

Liên kết làm nông nghiệp công nghệ cao, nông dân đổi vận

Thứ Sáu 20/10/2023 , 11:04 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Từ mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hàng chục hộ nông dân ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có cơ hội thay đổi vận, vươn lên làm giàu.

Đóng cửa đi tắm biển vẫn chăm sóc được cây trồng

Từ những năm 1990, gia đình ông Nguyễn Văn Trường (53 tuổi, ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã tổ chức sản xuất rau, hoa lay ơn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hình thức truyền thống và chủ yếu bán ra thị trường thông qua các đầu mối là thương lái tại địa phương nên thiếu ổn định. “Ngày đó sản phẩm làm ra thường đối diện tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Do vậy, suốt hàng chục năm làm lụng vất vả nhưng kinh tế gia đình không khấm khá lên được”, ông Trường chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trường đã có thu nhập vượt trội khi chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trường đã có thu nhập vượt trội khi chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Đến năm 2021, ông Trường quyết định đầu tư, chuyển đổi qua mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, trên diện tích 300m2 vườn, nông dân này vay mượn khoản tiền 250 triệu đồng lắp đặt nhà kính, đầu tư hệ thống tưới tự động cùng các loại máy móc khác và tiến hành trồng ớt chuông baby. Bắt tay thực hiện mô hình và liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (HTX An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), ngay lứa ớt đầu tiên, gia đình ông Trường thu về 240 triệu đồng.

Sau lứa ớt đầu tiên thắng lớn, gia đình ông Trường có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Hiện gia đình ông đang sản xuất dưa chuột baby trên giá thể xơ dừa và áp dụng công nghệ tưới nước, bón phận tự động.

“Để cây trồng phát triển tốt, mỗi ngày chúng tôi tổ chức tưới nước khoảng 6 ca, mỗi ca tưới kéo dài khoảng 5 phút. Tưới liên tục nhưng người làm không cần thao tác tại vườn vì toàn bộ đã được quy trình tưới đã được thiết lập trên máy. Việc bón phân cho cây cũng được máy thực hiện dựa trên các chỉ số đã được cài đặt. Ở vườn, chúng tôi cũng đầu tư, lắp đặt hệ thống lưới điều chỉnh ánh sáng và hệ thống điều chỉnh nhiệt độ để đảm bảo môi trường tốt nhất cho cây phát triển”, ông Trường cho biết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trường sản xuất dưa baby trên giá thể xơ dừa và áp dụng công nghệ tưới nước, bón phận tự động. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trường sản xuất dưa baby trên giá thể xơ dừa và áp dụng công nghệ tưới nước, bón phận tự động. Ảnh: Minh Hậu.

Tương tự, thời gian gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Chính (61 tuổi, ngụ xã Hiệp An) có điều kiện vươn lên làm giàu nhờ mô hình liên kết trồng ớt chuông công nghệ cao. Theo nông dân 61 tuổi, trước đây gia đình trồng bắp cải, hành, cà rốt ngoài trời nhưng nguồn thu bấp bênh. Đến năm 2021, gia đình ông đầu tư xây dựng nhà kính công nghệ cao trên diện tích 1.300m2 vườn và liên kết với HTX An Phú để trồng ớt chuông baby.

Theo ông Chính, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi liên kết giúp gia đình có được sự an toàn trong đầu vào và ổn định về đầu ra. “Trước đây gia đình trồng rau theo kiểu truyền thống nên năng suất không ổn định. Có lứa do thiếu phân nên cây còi cọc, có lứa dư thừa phân bón dẫn đến mẫu mã, chất lượng không đạt chuẩn… Bây giờ việc chăm bón trên vườn đều tuân thủ theo các quy tắc, công thức. Đặc biệt là có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp luôn theo sát để kiểm tra và thiết lập chế độ chăm bón. Do vậy, cây trên vườn phát triển tốt, luôn đồng đều và cho ra sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, vì quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước được thực hiện thông qua hệ thống máy móc, trang thiết bị tự động nên gia đình giảm được chi phí về nhân công lao động. Ông hồ hởi: “Các chương trình đã được thiết lập sẵn nên chúng tôi làm việc rất khoẻ, làm 1.300m2 vườn nhưng vẫn có thể đóng cửa trang trại vài ba ngày để đi tắm biển. Sản phẩm đạt chất lượng và đã được HTX An Phú ký hợp đồng bao tiêu nên cứ cuối tháng là tiền về tài khoản ngân hàng. Đây là điều mà nông dân nào cũng mơ ước”. Mô hình sản xuất ớt chuông công nghệ cao hiện giúp gia đình ông Chính đạt lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/tháng. 

Mỗi tháng, vườn ớt chuông baby cho gia đình ông Nguyễn Văn Chính thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mỗi tháng, vườn ớt chuông baby cho gia đình ông Nguyễn Văn Chính thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Hướng tới thị trường xuất khẩu khó tính

Trong chuỗi liên kết với HTX An Phú, anh Phạm Xuân Triệu (thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) hiện là một trong những nông dân trẻ và thực hiện mô hình với quy mô lớn. Anh Triệu cho hay, năm 2022, gia đình anh liên kết với HTX An Phú đầu tư trồng ớt trên diện tích 2.000m2, lứa ớt này thu về khoảng gần 700 triệu đồng.

“Thực hiện mô hình có hiệu quả nên tôi đang đầu tư, mở rộng thêm 4.000m2 vườn và chuẩn bị đưa giống vào sản xuất. Ngày trước tôi cũng trồng ớt trong nhà kính nhưng năng suất và giá trị không cao. Hiện nay, với quy trình này, vườn ớt cho năng suất gấp 2 - 3 lần, đặc biệt lợi nhuận cũng tăng cao”, anh Triệu thổ lộ.

Theo ông Lê Văn Ba, Giám đốc HTX An Phú, hiện nay, HTX đã mở rộng liên kết với khoảng 60 hộ dân tại Lâm Đồng để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích trên 20ha. Với chiến lược sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng, mỗi năm đơn vị cung ứng ra thị trường từ 700 - 1.000 tấn sản phẩm các loại.

Các sản phẩm nông sản của HTX hiện được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc thông qua các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, HTX đã và đang xuất khẩu lượng lớn sản phẩm qua Singapore và sắp tới sẽ là thị trường khó tính như Nhật Bản, một số quốc gia châu Âu.

Ông Ba chia sẻ, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại HTX đang được thực hiện theo quy trình VietGAP. HTX cử đội ngũ kỹ sư, chuyên gia nông nghiệp trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn các hộ thành viên tổ chức sản xuất. Các sản phẩm rau, củ, quả tại đây cũng được kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt trước khi chuyển cho các đối tác.

Ớt được trồng trên các giá thể xơ dừa kết hợp hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Ảnh: Minh Hậu.

Ớt được trồng trên các giá thể xơ dừa kết hợp hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ sản xuất theo quy trình hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cao. Nếu so sánh với các mô hình sản xuất truyền thống thì sản xuất công nghệ cao có năng suất cao gấp nhiều lần. Đặc biệt, các hộ liên kết đạt lợi nhuận cao.

“Hiện tại, với quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn, du khách đến tham quan vườn có thể thưởng thức sản phẩm nông sản trực tiếp tại chỗ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tạo dựng nền nông nghiệp an toàn, tốt cho sức khoẻ, chúng tôi tiếp tục xây dựng và mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất”, ông Lê Văn Ba chia sẻ.

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú được thành lập từ năm 2004 với hơn 30 hộ thành viên tự nguyện góp vốn. Đến năm 2014, HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất rau, củ, quả theo hướng sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Với quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường, HTX được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tốt cho sức khoẻ và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm