| Hotline: 0983.970.780

Những triệu phú chăn nuôi vùng Đông Bắc

Phất lên từ nuôi gà công nghệ cao

Thứ Năm 12/10/2023 , 06:15 (GMT+7)

Xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có hai người phất lên nhờ nuôi gà công nghệ cao là ông Đoàn Văn Chiến và ông Nguyễn Tôn Quyền.

Ở thành phố than - điện Uông Bí, nông nghiệp không được xem là lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Tuy nhiên, đây lại là hoạt động sản xuất có quan hệ mật thiết với đời sống của bộ phận không nhỏ người dân ở đây. Nông nghiệp cũng là ngành kinh tế phụ trợ quan trọng cho các ngành kinh tế công nghiệp trên địa bàn.

Chính bởi vậy, những năm gần đây, nhiều người dân Uông Bí dành sự quan tâm đầu tư đáng kể cho nông nghiệp.

Từ đồng nát chuyển sang nuôi gà thu tiền tỷ

Tháng 10/2020, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Japfa Comfeed, ông Đoàn Văn Chiến khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi cá, trồng rừng tại thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí.

Trang trại có quy mô rộng 6ha, giá trị đầu tư đến nay khoảng 20 tỷ đồng. Đây là dự án kinh tế nông nghiệp đầu tiên ông Chiến triển khai. Trước đó, ông chuyên về lĩnh vực sắt thép phế liệu và vật liệu xây dựng.

Trang trại gà của ông Chiến được nuôi theo công nghệ nhà lạnh, tiên tiến nhất hiện nay. Ảnh: Viết Cường.

Trang trại gà của ông Chiến được nuôi theo công nghệ nhà lạnh, tiên tiến nhất hiện nay. Ảnh: Viết Cường.

Trang trại gà của ông Chiến ngay từ đầu đã xác định nuôi theo công nghệ nhà lạnh, tiên tiến nhất hiện nay.

Hầu hết các thiết bị đều nhập từ nước ngoài hoặc hàng Việt có thiết kế riêng, đảm bảo độ chuẩn về các thông số và sử dụng được bền vững, lâu dài, chi phí vận hành cũng thấp...

Hệ thống gồm: Giàn mát dùng vào mùa hè, lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông, quạt đảo gió, thoáng khí vận hành liên tục, hệ thống đầu dò bệnh, máy phân phối và đưa thức ăn, nước uống đến con gà...

"Ngoài thiết bị, công nghệ, tôi đặt yêu cầu về việc thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tại đây, nguyên lý trong quá trình sản xuất là gà không đổi chuồng và người không đổi việc, các mẫu gà được lấy theo tuần và gửi về phòng thí nghiệm của Tập đoàn Japfa Comfeed, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm protein động vật", ông Chiến cho hay.

Trong quá trình nuôi, việc tuân thủ nhỏ, tiêm vacxin phòng dịch cho gà phải đúng ngày tuổi, đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt, không bỏ lỡ thời điểm phát triển của con gà để tránh lỡ thời gian vàng vắc xin phát huy tác dụng.

Sau khi xuất gà, công nhân nhân của trang trại sẽ dành 15 ngày để xúc hót phụ phẩm, hong khô trấu đã sử dụng, phun rửa nền chuồng, đẩy khí nóng làm khô nền chuồng, phun hóa chất khử khuẩn và để thời gian chuồng giãn cách theo quy định, sau rồi mới thả lứa mới.

Thương lái đến trang trại để mua gà. Ảnh: Viết Cường.

Thương lái đến trang trại để mua gà. Ảnh: Viết Cường.

Với công nghệ và quy trình nuôi hiện đại, chặt chẽ như trên, ông Chiến làm chủ được về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường, dịch bệnh, liều lượng thức ăn... đảm bảo cho đàn gà tăng trưởng ổn định trong suốt vòng đời 45 - 50 ngày của mình. Quan trọng hơn là hầu như toàn vòng đời của con gà đều sẽ được sống trong môi trường an toàn, sạch bệnh, đủ chất dinh dưỡng.

"Nông nghiệp công nghệ cao sẽ khắc phục được những điểm yếu của nông nghiệp đơn thuần, đó là sự phức tạp, thất thường của thời tiết, kéo theo đó là suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, cây trồng, trong khi nguy cơ phát sinh dịch bệnh lại tăng cao hơn", ông Chiến phân tích.

Chính nhờ những kinh nghiệm này, các lứa gà của ông Chiến kể từ khi nuôi đến nay đều thắng lợi. Hiện ông Chiến thả nuôi 4 chuồng, mỗi chuồng 10.000 con/lứa, một năm thả nuôi được 5 lứa. Tính ra ở quy mô hiện tại, tổng đàn gà của ông Chiến là khoảng 20 vạn con/năm.

Theo hoạch toán chi phí, mỗi năm mang lại doanh thu 6 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt ở mức 30% doanh thu, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức lương trung bình trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, ông Chiến đang chuẩn bị đầu tư trại gà giai đoạn 2, nâng công suất trại lên gấp đôi, nâng diện tích ao nuôi cá lên gấp đôi và triển khai nhà lưới trồng rau, củ quả sạch, trồng rừng cây bản địa và cây đặc sản.

Kỹ sư thủy lợi nuôi gà công nghệ cao

Là một kỹ sư thủy lợi, thường xuyên vào Nam ra Bắc nhưng ông Nguyễn Tôn Quyền lại đam mê và lựa chọn vùng đất đồi Uông Bí để nuôi gà công nghệ cao.

Trang trại nuôi gà xuất cho kênh phân phối CP foods (Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam) tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, là một trong những mô hình chăn nuôi công nghệ cao của ông Nguyễn Tôn Quyền. Quy mô trang trại gà hiện đạt 40.000 con/lứa, nuôi gối vụ 7 lứa/năm, doanh thu tiền tỷ; lợi nhuận thấp nhất là ở mức 10% doanh thu, tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 người.

Mô hình nuôi gà của ông Nguyễn Tôn Quyền (xã Thượng Yên Công) sử dụng công nghệ nhà lạnh, tạo điều kiện cho con gà phát triển. Ảnh: Viết Cường.

Mô hình nuôi gà của ông Nguyễn Tôn Quyền (xã Thượng Yên Công) sử dụng công nghệ nhà lạnh, tạo điều kiện cho con gà phát triển. Ảnh: Viết Cường.

Cơ sở để đảm bảo tính hiệu quả của trang trại gà này là hệ thống giàn mát dùng vào mùa hè, lò hơi cấp ấm vào mùa đông, quạt đảo gió, thoáng khí vận hành liên tục, hệ thống đầu dò bệnh, hệ thống ánh sáng phù hợp, máy phân phối và đưa thức ăn, nước uống đến con gà…

Các thiết bị hiện đại của Đan Mạch đã giúp ông Quyền làm chủ được về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường, liều lượng thức ăn… đảm bảo cho đàn gà khoảng 6.500 con/chuồng tăng trưởng ổn định trong suốt vòng đời 40 ngày.

Ông Quyền chia sẻ: "Với cách nuôi thông thường, người chăn nuôi bắt buộc phải suy tính đến việc mất trắng do thiên tai, môi trường và dịch bệnh. Đầu tư chăn nuôi có kiểm soát sẽ có lợi hơn rất nhiều. Trang trại của tôi đang chăn nuôi theo chuỗi nên sẽ ổn định về đầu ra, nâng cao giá trị của sản phẩm".

Ngoài thiết bị, công nghệ, yêu cầu về việc thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với công nhân trực tiếp nuôi cũng như cán bộ giám sát trại là rất cao. Một trong những nguyên tắc hợp lý trong chăn nuôi được ông Quyền sử dụng là không thay đổi chuồng, không thay đổi công nhân để hạn chế các tác nhân có thể gây bệnh, các mẫu gà được lấy theo tuần và gửi về phòng thí nghiệm của đơn vị tiêu thụ.

Hệ thống cấp nhiệt giữ ấm cho các chuồng gà của ông Nguyễn Tôn Quyền. Ảnh: Viết Cường.

Hệ thống cấp nhiệt giữ ấm cho các chuồng gà của ông Nguyễn Tôn Quyền. Ảnh: Viết Cường.

Với quy mô trang trại gà gồm 6 chuồng nuôi như hiện nay, chi phí đầu tư ban đầu trại gà của ông Quyền lên đến gần 40 tỷ đồng. Hiện nay, ông Quyền đang chuẩn bị vào giai đoạn đầu tư thứ 2, nâng cấp quy mô trang trại gà lên gấp đôi với 12 chuồng nuôi, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, đảm bảo tổng đàn 80.000 con/lứa.

Giai đoạn đầu tư thứ 3 với mức đầu tư thêm 40 tỷ đồng nữa dành cho việc xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, giết mổ tập trung, kho lạnh để bảo quản sản phẩm, phát triển các kênh phân phối trực tiếp ra thị trường, tiến hành trồng cây ăn quả để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm của con gà…

Tham vọng của ông Nguyễn Tôn Quyền là đến năm 2025 có được tổng đàn gà 500.000 con/năm tại Uông Bí và một thương hiệu gà riêng của đơn vị mình trên thị trường.

Với suất đầu tư chăn nuôi gà lớn như vậy, theo ông Quyền đây là quy trình đầu tư khoa học, khả thi, giá trị kinh tế mang lại là chắc chắn, cao và bền vững. Ông Quyền tính toán thời gian thu hồi vốn là 8 năm, ít nhất 12 năm tiếp theo sẽ là lợi nhuận ở mức cao vì không gánh chi phí đầu tư.

Từ mô hình trại gà của ông Đoàn Văn Chiến và ông Nguyễn Tôn Quyền, cho thấy làm nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi đúng và tất yếu. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn, mà quan trọng hơn là sự chủ động và phát triển bền vững.

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.