Đến xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hỏi anh Đỗ Nhật Tâm (cơ sở dưa lưới Tâm Hương) ai cũng biết. Thậm chí có người chỉ vanh vách địa chỉ trang trại rau của anh Tâm, tựa như một trụ sở cơ quan mà nhiều người thường lui tới. Không lạ, bởi anh Tâm là gương nông dân tiêu biểu, tiên phong tại địa phương đầu tư trồng dưa lưới, rau sạch trong nhà màng.
Khu vườn công nghệ cao của anh Tâm nằm lọt thỏm giữa những vườn chôm chôm, sầu riêng bạt ngàn của xã Xuân Định. Trên diện tích 1,5ha, anh đầu tư 10 nhà màng với kĩ thuật canh tác học tập công nghệ từ Thái Lan, Israel.
Anh Tâm tâm sự, vợ chồng anh từng có công việc ổn định tại TP.HCM, nhưng nhận thấy hướng đi ổn định tại quê nhà với trái dưa lưới nên từ năm 2011, vợ chồng anh quyết định về quê định cư, chặt bỏ bớt diện tích chôm chôm để làm nhà màng trồng dưa. “Tôi đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ xây dựng 2 khu nhà màng rộng 2.000m2 để trồng dưa lưới vì muốn ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất”, anh Tâm chia sẻ.
Kỹ thuật cũng như trang thiết bị trong sản xuất dưa lưới công nghệ cao được anh Tâm liên tục nâng cấp. Cụ thể, từ trồng cây trực tiếp trên nền đất chuyển thành trồng trong bầu; từ tưới nước, bón phân tự động sang hệ thống tưới nước, bón phân bằng áp lực để đảm bảo việc kiểm soát đúng lượng nước, lượng phân bón phải đều nhau trong cả vườn cây.
Chúng tôi có mặt tại trang trại trồng rau Tâm Hương đúng lúc vợ chồng anh Tâm cùng công nhân đang tất bật thu hoạch dưa lưới, ớt và rau màu… Đây là công việc thường nhật của nhân công trong cơ sở Tâm Hương để kịp giao cho các chợ đầu mối vào mỗi sáng sớm.
Với 20 nhà màng hiện đại, vào những tháng mùa khô, các nhà màng được anh Tâm xuống giống 100% dưa lưới để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Còn vào mùa mưa, lượng thiêu thụ dưa lưới khá ít mà nhu cầu rau, quả lại lớn nên anh linh hoạt chuyển sang trồng xen kẽ với ớt, khổ qua, dưa leo... Ý tưởng này của anh Tâm xuất phát từ nhu cầu thực tế và nhân công đang làm việc trực tiếp tại vườn.
Đầu mùa mưa cũng là thời điểm mà Đông Nam bộ nói chung vào vụ các loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Do đó, việc trồng dưa lưới có nhiều rủi ro về thị trường tiêu thụ. Dưa lưới mùa mưa cũng không được ngọt, dễ bị rớt giá nên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều tới lợi nhuận. Do đó, anh Tâm dành khoảng 70% diện tích nhà màng để trồng rau, quả.
Rau quả của cơ sở Tâm Hương được thu mua tại vườn với giá khá cao. Cụ thể: Ớt có giá bán 35.000 đồng/kg, khổ qua 10.000 đồng/kg, dưa leo 14.000 đồng/kg, đậu bắp 12.000 đồng/kg...
Bà Trần Thị Tú Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Thủy lợi Đồng Nai đánh giá cao sự linh hoạt này của vợ chồng anh Tâm. Sự thích ứng với điều kiện thời tiết này không chỉ tạo ra nguồn nông sản ổn định cho các chợ địa phương mà còn giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong mỗi nhà màng, cơ sở Tâm Hương sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có điều khiển tự động và hệ thống sensor cảm ứng độ ẩm. Khi độ ẩm của giá thể không đạt so với yêu cầu thì đầu sensor sẽ báo về máy chủ để kích hoạt hệ thống tự động tưới.
Cơ sở Tâm Hương cũng sản xuất rau theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón lá cũng như các loại phân, thuốc hóa học. Dù dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, nhưng anh Tâm tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly. Sản phẩm thu hoạch luôn được anh cho kiểm tra mẫu để đảm bảo đạt chuẩn an toàn.
Chính vì vậy, sản phẩm dưa lưới mang thương hiệu Tâm Hương hiện đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và hệ thống siêu thị trái cây ở TP.HCM… Tính riêng thu nhập từ diện tích trồng dưa lưới đạt khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.