| Hotline: 0983.970.780

Liên kết tiêu thụ vải thiều ở Nam bộ

Thứ Ba 17/06/2014 , 09:10 (GMT+7)

TP.HCM được các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang coi là đầu mối quan trọng nhất để đưa vải vào tiêu thụ ở Nam Bộ.

Để đẩy mạnh tiêu thụ trái vải thiều ở các tỉnh Nam bộ, ngày 16/6, tại TP.HCM, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, cùng UBND TP.HCM và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã tổ chức Hội nghị bàn những giải pháp cho vấn đề này.

Tiêu thụ vải phía Nam tăng mạnh 

Trước khi vào tham dự Hội nghị, tôi tranh thủ ghé qua đường Nguyễn Văn Cừ - là ranh giới giữa quận 1 và quận 5. Đây là con đường luôn tập trung nhiều người bán trái cây dạo. Từ đầu tháng 5 âm lịch trở lại đây, hầu hết những người bán trái cây dạo trên con đường này đều chỉ bán vải thiều. Điểm bán trái vải nào cũng bận rộn bán mua.

Tranh thủ lúc khách hàng vừa rời khỏi, chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Quảng Nam, vào TP.HCM bán trái cây dạo đã hơn 10 năm nay, cho tôi biết, từ khi vào thành phố kiếm sống, chị đã bắt đầu bán trái vải khi vào mùa vụ của loại trái cây này. Năm nay người dân TP.HCM ăn trái vải nhiều hơn năm ngoái và cả những năm trước đây.

Ngày trước, vào mùa vải được đưa từ miền Bắc vào TP.HCM, mỗi ngày chị Thanh chỉ bán được chừng 20-30 kg. Năm nay, bình quân mỗi ngày chị bán được 50 kg vải. Mỗi kg vải bán dạo ở TP.HCM hiện đang có giá 30.000 đồng.

Khảo sát một số điểm bán trái vải dạo trên đường Nguyễn Văn Cừ, tôi đều thu nhận được những thông tin tương tự. Người bán vải nào cũng khẳng định năm nay lượng vải mà họ bán được nhiều hơn những năm trước.

Lượng vải thiều được đưa từ Hải Dương, Bắc Giang vào TP.HCM mỗi ngày, hiện chưa có những thống kê cụ thể. Nhưng theo đại diện của các chợ đầu mối, vải thiều đang được đưa vào với số lượng lớn và tăng nhiều so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thanh Hà, PGĐ Cty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết, trái vải ở Hải Dương, Bắc Giang vào chợ này qua 2 đường: xe container và đi máy bay. Riêng đường xe container, mỗi tháng trên 200 xe chở trái vải vào chợ.

Đại diện Ban quản lý Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết vào thời điểm này năm ngoái chỉ khoảng 5-6 xe container chở trái vải về chợ mỗi ngày. Còn nay tăng lên tới 8-9 xe container/ngày. Dự tính từ nay đến cuối tháng 7, sẽ có khoảng 4.000-5.000 tấn trái vải được tiêu thụ ở chợ đầu mối Hóc Môn.

Liên kết tiêu thụ

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, năm nay, diện tích vải thiều vào khoảng trên 50 ngàn ha, sản lượng thống kê chưa đầy đủ là trên 200 ngàn tấn, còn nếu thống kê đầy đủ, chắc chắn phải trên 300 ngàn tấn.

Mới chỉ khoảng 10% trái vải được đưa vào chế biến, còn lại tới 90% vẫn đang tiêu thụ tươi, trong đó có khoảng 50% là xuất khẩu đi Trung Quốc. Bởi vậy, có thể nói trái vải Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mà đáng ngại là phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường nội địa lại gần như đang bị bỏ ngỏ.

Về lâu dài, để tăng cường tiêu thụ trái vải trên thị trường nội địa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hình thành hệ thống tiêu thụ vải từ Bắc vào Nam, phải sớm có những công nghệ bảo quản cho trái vải được tươi lâu, có những chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến vải...

Chính vì thế, việc củng cố, tổ chức, phát triển thị trường nội địa cho trái vải đang là vấn đề cần thiết, nhất là để phòng khi thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu. Trong đó, thị trường phía Nam được đặc biệt coi trọng.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm nay, tỉnh này có 32 ngàn ha, sản lượng ước tính 140 ngàn tấn trái vải tươi (tăng 10 ngàn tấn so năm 2013). Có tới khoảng 60% sản lượng vải Bắc Giang được tiêu thụ nội địa. Các tỉnh, TP Nam Bộ chiếm tới 1 nửa lượng vải tiêu thụ nội địa của Bắc Giang.

Vải thiều từ Bắc Giang được chuyển vào TP.HCM bằng container bảo ôn lạnh và xe nóng, thường đi thẳng vào các chợ đầu mối nông sản như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền. Trong đó, chợ Thủ Đức có sản lượng tiêu thụ nhiều nhất, ngày cao điểm có tới gần 200 xe các loại chở vải thiều về đổ cho các vựa.

Chính vì thế, TP.HCM được các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang coi là đầu mối quan trọng nhất để đưa vải vào tiêu thụ ở Nam Bộ. Bởi theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trên địa bàn TP có nhiều hệ thống siêu thị. Những hệ thống này không chỉ đứng chân trên địa bàn TP mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, TP khác. Do đó, khi đưa vào các hệ thống này, trái vải sẽ không chỉ được tiêu thụ ở TP.HCM mà còn ở các các tỉnh, TP Nam Bộ.

Với lợi thế ấy, để giúp nông dân các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tiêu thụ tốt trái vải khi mùa vụ đang rộ, trong khuôn khổ Hội nghị này, đã diễn ra một số hoạt động liên kết để tiêu thụ trái vải, gồm ký kết biên bản hỗ trợ tiêu thụ trái vải giữa các Sở Công thương, hay ký kết biên bản thỏa thuận tiêu thụ trái vải giữa đại diện các huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà và Chí Linh (Hải Dương) với các đầu mối tiêu thụ ở TP.HCM (siêu thị, chợ đầu mối).

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.