Mở rộng hàng trăm ha
Tháng 10/2019, mô hình trồng dưa chuột được triển khai trồng tại xã Vĩnh Lợi, Văn Phú của huyện Sơn Dương với quy mô 3ha. Để mô hình triển khai hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với hợp tác xã Minh Tâm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, UBND các xã trồng dưa chuột tổ chức kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn các hộ làm đất, bón phân, trồng dưa, cắm dèo, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật. Tham gia mô hình, bà con nông dân phải đảm bảo quy trình chăm sóc nông nghiệp an toàn.
Trong 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng dưa cho thu hoạch đạt hơn 3.870 tấn, doanh thu trên 15,4 tỷ đồng. Mô hình trồng dưa chuột không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng một số cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.
Từ 3ha dưa ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 100ha dưa chuột. Diện tích dưa chuột được trồng tập trung nhiều nhất tại huyện Sơn Dương 69ha, tổng sản lượng 8 tháng đầu năm đạt hơn 2.800 tấn; huyện Yên Sơn 15ha, sản lượng đạt gần 500 tấn; huyện Chiêm Hóa hơn 10ha tổng sản lượng 330 tấn...
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, trồng dưa chuột cho doanh thu trung bình đạt 11,2 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí còn lãi 4,4 triệu đồng/sào, tương đương với hơn 123 triệu đồng đồng/ha. Trong khi đó, trên cùng một đơn vị diện tích, cây lúa chỉ cho thu lãi 318.000 đồng/sào.
So với cây lúa, chi phí trồng, chăm sóc dưa chuột cao hơn, nhưng trồng dưa chuột cho thu lãi cao. Kể từ vụ trồng dưa thứ hai, người dân còn tận dụng vật tư sử dụng cho vụ sau như cọc dèo, lưới... Trồng dưa chuột người dân không mất công bảo quản, sơ chế và đặc biệt không có tổn thất sau thu hoạch, sản phẩm thu hoạch về sẽ được thu mua ngay.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình trồng dưa chuột trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng vấp phải những khó khăn nhất định. Như khi giá bán sản phẩm dưa ngoài thị trường tăng đột biến, các thương lái tìm đến người trồng dưa để mua, một số hộ dân đã tự ý thu hoạch bán sản phẩm ra ngoài thị trường không theo hợp đồng, làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của HTX Minh Tâm.
Một số hộ tham gia mô hình chưa tuân thủ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hái bảo quản dưa chuột làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm dưa chuột.
Cùng với đó, cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều tỉnh, thành phố trong nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt là tại tỉnh Vĩnh Phúc nên việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa trên bị hạn chế, sức mua hàng nông sản giảm, các đơn hàng cung cấp sản phẩm dưa chuột cho những cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối gặp khó khăn... giá bán dưa chuột trên thị trường xuống thấp dưới 2.000 đồng/kg, gây thiệt hại cho người sản xuất và doanh nghiệp thu mua dưa chuột trên địa bàn tỉnh.
Trồng dưa chuột không lo đầu ra
Căn cứ kết quả tổng hợp danh sách các hộ đăng ký và kết quả rà soát diện tích đất trồng dưa chuột tại các xã, HTX Minh Tâm đã tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với các hộ và cam kết ứng trước hạt giống dưa và một số vật tư như lưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nếu có nhu cầu và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm dưa chuột cho các hộ theo giá thị trường.
HTX cam kết thu mua với giá tối thiểu là 2.000 đồng/kg, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật phối hợp hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thu mua theo yêu cầu của Hợp tác xã.
Đến nay, HTX Minh Tâm đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với 12 nhóm hộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với tổng diện tích hơn 100ha. HTX có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm để người nông dân yên tâm canh tác, sản xuất dưa chuột theo hướng an toàn, hiệu quả.
Gia đình bà Nông Thị Phượng, thôn Nà Khá, xã Năng Khả, huyện Na Hang cũng thực hiện trồng mô hình dưa chuột với trên 200m2. Đây là vụ thứ 2 gia đình thực hiện trồng theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và được bao tiêu sản phẩm. Được sự hỗ trợ về nguồn giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất nên gia đình bà Phượng đã quyết định trồng xen kẽ dưa chuột với các loại rau màu khác, vừa có thêm nguồn thu nhập vừa tận dụng được quỹ đất.
Bà Phượng cho biết, trồng dưa chuột thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 35 đến 40 ngày; trồng dưa không tốn nhiều công chăm sóc. Vụ vừa qua, tuy mới chỉ bắt đầu vào trồng thử nghiệm nhưng đã cho thu hoạch trên 1 tấn dưa chuột, giá trung bình 8.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch được HTX đến trực tiếp thu mua, trừ mọi chi phí gia đình bà còn lãi hơn 3 triệu đồng.
Ông Hoàng Đức Tuyền, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa trồng gần 1.000m2 dưa chuột theo mô hình liên kết, được HTX Minh Tâm cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Ông Tuyền cho biết, trồng dưa chuột đơn giản mà rất sai quả, thời sinh sinh trưởng ngắn, ruộng dưa của gia đình dù mới trồng nhưng đã bắt đầu cho thu hoạch, bình quân một ngày hái được hơn 1 tạ dưa, với giá bán từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Như vậy với thời vụ thu hoạch trong khoảng 20 ngày liên tục, ruộng dưa của gia đình ông sẽ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Duy trì và phát triển mô hình, hiện nay ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân tại các xã trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với HTX Minh Tâm tại vụ đông năm 2021.
Song song với đó, các ngành chức năng và địa phương cũng tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho cán bộ khuyến nông và người trồng dưa chuột. Trong đó đặc biệt chú trọng việc tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch và bảo quản sản phẩm dưa chuột; sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.