| Hotline: 0983.970.780

Lo an toàn thực phẩm đang bị cường điệu hóa

Thứ Ba 27/11/2018 , 09:15 (GMT+7)

Dựa trên nỗi sợ hãi thường trực của con người về ốm đau mà những bậc thầy trong kinh doanh đã lợi dụng các cơ quan truyền thông và cộng đồng mạng để “tiêm nhiễm” cho cả thế giới lánh xa GMO (cây trồng biến đổi gen) hay thuốc bảo vệ thực vật…

* Cần đẩy mạnh truyền thông hướng tới nông dân
 

Báo chí, truyền thông dễ bị lợi dụng

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam tổ chức hội thảo báo chí với chủ đề: “An toàn thực phẩm & Vai trò của truyền thông khoa học”.

Đây là diễn đàn mở giữa những phóng viên trong nước với các nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Châu Âu về tầm quan trọng của nguyên tắc khoa học trong quy trình đánh giá an toàn thực phẩm; khoảng cách giữa các chủ đề khoa học với truyền thông đại chúng, thông tin báo chí làm thế nào để chính xác và có trách nhiệm hơn.

16-22-36_dsc_3140
Các diễn giả của hội thảo

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Ở Việt Nam, an toàn thực phẩm là một vấn đề luôn được Chính phủ, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm đồng thời là một trong các chủ đề chính được đăng tải thường xuyên và tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông trong những năm gần đây. Với sức lan tỏa nhanh và rộng khắp, báo chí đã giúp công chúng ngày càng ý thức hơn tới quy trình sản xuất, cách thức tạo ra thực phẩm họ tiêu dùng hàng ngày và đề cao vấn đề an toàn. Tác động to lớn của truyền thông trong việc định hướng thông tin cho công chúng một cách khoa học về vấn đề an toàn thực phẩm là điều rất dễ nhận thấy.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm còn thiếu khoa học, thiếu chính xác, thậm chí là thông tin phục vụ mục đích không trong sáng, vụ lợi, không tốt cho người nông dân, không tốt cho cả xã hội. Những lo ngại về an toàn thực phẩm cũng là đề tài thu hút mạnh mẽ với giới truyền thông, rất dễ bị khai thác và “cường điệu hóa”.

Điều này cho thấy trách nhiệm to lớn của báo chí trong việc cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ ngày càng trở nên quan trọng, giúp công chúng có kiến thức trước khi đưa ra những lựa chọn tiêu dùng thông minh của mình.
 

Đằng sau sự cổ súy cho nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn

Tiến sỹ Jason Sandahl - Chuyên viên kỹ thuật về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ kể một câu chuyện rất dễ hiểu rằng, ngày xưa khi còn nhỏ, bố mình có trồng một trang trại cherry. Cứ sau mỗi đợt phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ông lại thấy chim chết đầy ở gốc nhưng giờ đây thì không còn hiện tượng đó: “Các loại thuốc BVTV ngày nay đã rất khác xưa, ít độc hại hơn nhiều”. Thiếu sót trong việc cung cấp thông tin đầy đủ về tồn dư của thuốc BVTV, về mức tiêu thụ hàng ngày chấp nhận được đã đẩy cao sự lo lắng của công chúng và dẫn tới những hiểu lầm rằng hễ cứ “thuốc BVTV là không an toàn”.

Việc sử dụng các giải pháp BVTV tiên tiến là cần thiết nhằm đảm bảo đủ lương thực cho dân số toàn cầu hiện nay. Vấn đề mấu chốt là cần có một nền tảng pháp lý chuẩn khoa học và có sự tham gia của nhiều bên trong việc thực thi các phương thức thực hành nông nghiệp bền vững. “Nông dân, Chính phủ và các đơn vị sản xuất, phân phối đều có trách nhiệm và nghĩa vụ ngang nhau trong đảm bảo sản xuất ra lương thực an toàn tới người tiêu dùng”.

16-22-36_dsc_8060
An toàn thực phẩm luôn là nỗi băn khoăn của người tiêu dùng

Giáo sư David Zaruk - Đại học Odisee (Bỉ) người có hơn 20 năm nghiên cứu về truyền thông đối với các vấn đề khoa học đã kể về ngành kinh doanh dựa trên nỗi sợ hãi của nhân loại đang rất phát triển. Cách đây 5 năm trước nỗi sợ hãi ngày tận thế các tổ chức đã đứng ra quyên tiền để vận động rầm rộ chống biến đổi khí hậu. Giờ vấn đề biến đổi khí hậu đã được thế giới thống nhất cách giải quyết qua thỏa thuận chung Paris 2015, lượng tiền quyên góp ủng hộ các tổ chức bị sụt giảm thì họ lại hướng đến nỗi sợ hãi mới: bệnh tật mà nhất là ung thư bằng cách tẩy chay thuốc BVTV và truyền thông điệp đó cho báo chí, truyền thông, mạng xã hội khiến cộng đồng lo lắng một cách thái quá.

Sự thật đôi khi không phải là điều quan trọng, đằng sau những chiến dịch tẩy chay GMO, thuốc BVTV là ngành công nghiệp hữu cơ trị giá 45 tỉ đô la tại Mỹ và nhiều tỉ đô la tại Châu Âu trong khi đó chiến lược canh tác hữu cơ quy mô lớn cũng có nhiều nhược điểm như chi phí cao, sản lượng thấp, sức cạnh tranh yếu, biến nông sản thành đồ xa xỉ phẩm, chưa có đủ căn cứ khoa học… Ông cũng phân tích sự khác biệt trong canh tác nông nghiệp tại Châu Âu, nguyên nhân về kinh tế - chính trị của một số các yêu cầu hạn chế sử dụng các sản phẩm hóa học trong nông nghiệp tại khu vực này: Lao động nông nghiệp chiếm dưới 3% dân số, nông dân không có mấy tiếng nói; sức ảnh hưởng lớn của các tổ chức phi chính phủ; chính sách nông nghiệp chung chi trả cho những nông dân thua lỗ và Châu Âu đủ khả năng chi trả nếu nông dân của họ thất bại; sự thận trọng quá mức cần thiết… Tất cả khiến cho Châu Âu trở thành một nhà nhập khẩu thực phẩm ròng.

Một ví dụ được chỉ ra là hoạt chất glyphosate - một trong những loại thuốc trừ cỏ được giới khoa học và cơ quan quản lý đánh giá an toàn trên toàn cầu khẳng định là an toàn và phổ biến nhất hiện nay đang dưới áp lực phải xem xét lại do một số báo cáo khoa học dựa trên nguy cơ và những hoạt động truyền thông “gây sợ hãi”: “Cần nhìn nhận rõ rằng 80% công chúng gần như không có quan điểm rõ ràng. Với sự bùng nổ của mạng xã hội và tính tương tác ngày càng cao trong môi trường giao tiếp hiện nay, các kênh truyền thông chính thống muốn giữ mức độ tín nhiệm với công chúng cần đơn giản hóa thông điệp, đối chiếu thông tin thường xuyên hơn với các nhà khoa học và hạn chế suy luận cảm tính”.

Nhìn nhận cụ thể tại Việt Nam, TS Đào Xuân Cường - Giám đốc quỹ Syngenta cho biết: “Tại Việt Nam, 24,5 triệu hộ nông dân nhỏ phụ thuộc vào các giải pháp BVTV để ngăn ngừa dịch hại và áp lực cỏ dại gây hại cho cây trồng làm giảm năng suất khi thu hoạch.

Tuy nhiên lạm dụng sử dụng quá liều các vật tư nông nghiệp đầu vào như thuốc BVTV và phân bón hóa học; việc nhập khẩu thiếu kiểm soát và sai luật các sản phẩm kém chất lượng; thiếu truy xuất nguồn gốc cũng là các yếu tố khác ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm nhưng thách thức lớn nhất nằm ở việc thay đổi thói quen canh tác của đại đa số nông hộ nhỏ trong nước. Bên cạnh việc tổ chức các chương trình hướng dẫn nông dân sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm thuốc BVTV, công tác truyền thông hướng tới nông dân cần được đẩy mạnh hơn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của họ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn và các tác động tiêu cực nếu sử dụng sai quy cách và hướng dẫn.

Đồng thời ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa hóa các khung đánh giá pháp lý đối với các sản phẩm thuốc BVTV. “Quy trình đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, dựa vào nền tảng khoa học sẽ là tiền đề quan trọng giúp loại bỏ các sản phẩm thuốc không còn phù hợp và đẩy nhanh việc giới thiệu các sản phẩm tiên tiến hơn đến với nông dân, giúp tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và phong phú hơn".

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm