| Hotline: 0983.970.780

Lộ diện 'bà trùm' thâu tóm 43 ha đất công giá bèo?

Thứ Bảy 12/10/2019 , 07:05 (GMT+7)

Tỉnh ủy Bình Dương đang làm rõ thương vụ “thâu tóm” 43ha đất công không qua đấu giá với giá chuyển nhượng được cho là rẻ bất thường xảy ra tại Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú. Vụ việc cũng đang phát lộ “bà trùm” thâu tóm đất công.

17-28-25_nh_1_-_kim_onh
Kim Oanh Group tổ chức lễ động thổ Dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú.

Được giao 43 ha đất để triển khai Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) không được phép mua bán, sang nhượng nhưng Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng Công ty Bình Dương) lại qua mặt Tỉnh ủy, đem bán rẻ khu “đất vàng” (đất công) cho tư nhân mà không cần đấu giá theo quy định của pháp luật có dấu hiệu thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
 

Ngấm ngầm bán đất công cho tư nhân?

Tổng Công ty Bình Dương là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, được giao hơn 43 ha đất công để xây dựng Khu đô thị thương mại và dịch vụ Tân Phú trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương rộng hơn 567 ha.

Thay vì Tổng Công ty này thực hiện việc xây dựng khu đô thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì, ngày 1/7/2010, Tổng Công ty Bình Dương lại đi ký hợp đồng… thỏa thuận với Cty CP Bất động sản Âu Lạc (gọi tắt là Địa ốc Âu Lạc) là công ty tư nhân để thành lập liên doanh là Cty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Cty Tân Phú).

Cty Tân Phú có chủ sở hữu là Cty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Địa ốc Kim Oanh) do bà Đặng Thị Kim Oanh là người đại diện pháp luật với chức danh Tổng Giám đốc. Để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án trên khu đất 43 ha này, Tổng Công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ và Địa ốc Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Trong khi đó, Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, chủ trương của Tỉnh ủy chỉ cho phép Tổng Công ty Bình Dương góp vốn thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án bằng tiền mặt chứ không cho phép góp vốn bằng tài sản đất, không cho bán, chuyển nhượng tại 43 ha này.

Tuy vậy, có lẽ mục đích thành lập cái gọi là… “liên doanh” của Tổng Công ty Bình Dương là muốn hợp thức hoá 43 ha đất công thành… đất tư nhân. Vì thế, dù được Nhà nước giao 43ha đất để triển khai xây dựng Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú nhưng Tổng Công ty Bình Dương lại không thực hiện mà tự ý đem bán toàn bộ khu đất cho Cty Tân Phú.

17-28-25_nh_2_-_kim_onh
Khu đất 43 ha đất công bị “hoá kiếp” với giá cực bèo cho tư nhân tại Bình Dương có tên thương mại là Khu đô thị Mega City 3

Cụ thể, ngày 8/12/2016, Tổng Công ty Bình Dương đã tự ý chuyển nhượng 43ha đất của dự án này cho Cty Tân Phú với giá chuyển nhượng rẻ không hề tưởng với chỉ hơn 250 tỷ đồng, tương đương với giá hơn 581.653 đồng/m2. Trong khi đó, vào thời điểm này, theo bảng giá đất năm 2016 được UBND tỉnh Bình Dương ban hành tại Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015, giá đất ở đô thị khu vực TP. Thủ Dầu Một tại vị trí 1 lên tới 24,570 triệu đồng/m2. Một người dân cho biết, nếu tính giá bán ngoài thị trường lên tới khoảng 30 triệu đồng/m2.

Đáng quan tâm, việc chuyển nhượng này được thực hiện “ngấm ngầm” bởi không thông qua một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào đang có dấu hiệu gây thất thoát tiền của Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
 

Chuyển nhượng trái chủ trương của tỉnh

Trong khi đó, Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định việc chuyển nhượng 43 ha đất công này là trái chủ trương của tỉnh. Bởi lẽ, trước đó, ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã có Công văn 407/CV - TU về chủ trương chuyển nhượng khu đất 43 ha này từ Tổng Công ty Bình Dương về Cty TNHH Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương - là một doanh nghiệp Nhà nước. Thế nên, sau khi chuyển nhượng 43 ha đất công từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang một công ty liên doanh chỉ có 30% vốn Nhà nước, “liên minh” này tiếp tục dùng những thủ thuật để hoàn tất việc thâu tóm đất công.

Cụ thể, ngày 13/3/2017, lấy lý do cần tập trung nguồn vốn cho nhiều dự án lớn khác, Tổng Công ty Bình Dương có công văn số 39/TCTY gửi Tỉnh ủy Bình Dương xin chuyển nhượng toàn bộ 30% vốn góp tại Cty Tân Phú. Sau đó, ngày 2/8/2017, Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp tại Cty Tân Phú cho Địa ốc Âu Lạc với giá chỉ hơn 161 tỷ đồng. Đến đây, toàn bộ 43 ha đất công đã hoàn toàn bị “hóa kiếp” thành tài sản riêng của công ty tư nhân.

Việc chuyển nhượng 43 ha đất công ở vị trí “đất vàng” được thực hiện “ngấm ngầm” với giá chỉ hơn 250 tỷ đồng không thông qua đấu giá được cho gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Thế nên, sau khi có 43 ha đất công với giá rẻ bèo, Cty Tân Phú nhanh chóng thay đổi tên chủ sở hữu. Cụ thể, ngày 29/6/2018, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần thứ 6 thì thông tin chủ sở hữu của Cty Tân Phú là… Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM và người đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Kim Oanh với chức danh Tổng Giám đốc.

17-28-25_nh_3_-_kim_onh
Sau khi có 43 ha đất công, Cty Tân Phú nhanh chóng thay đổi tên chủ sở hữu và có dấu hiệu phát lộ “bà trùm thâu tóm đất công”

Ngày 28/1/2018, Địa ốc Kim Oanh đã làm lễ động thổ dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú với tên thương mại là Khu đô thị Mega City 3 tại khu đất 43ha nêu trên. Dự án đô thị này được quảng cáo với quy mô đến hơn 2.000 lô đất nền và nhà phố liền kề, diện tích từ 60-150m2.

Được biết, sau thương vụ chuyển nhượng 43 ha đất công trái quy định có dấu hiệu thất thoát ngàn tỉ đồng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến Địa ốc Kim Oanh, ngày 10/10/2018 Tỉnh ủy Bình Dương ra thông báo số 512-TB/TU thu hồi chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Cty Tân Phú để tiến hành làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất