| Hotline: 0983.970.780

Lo mất an toàn điện cao thế, dân không dám ra ngoài khi trời mưa

Thứ Ba 18/04/2023 , 11:39 (GMT+7)

LÀO CAI Đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng chạy qua nhiều nóc nhà không đủ điều kiện tồn tại trong hành lang lưới điện. Một số hộ muốn chuyển nơi ở an toàn.

Nhiều hộ dân ở xã Thống Nhất (TP Lào Cai) lo lắng khi nằm trong hành lang lưới điện cao thế 220kV Lào Cai - Bảo Thắng. Ảnh: Hải Đăng.

Nhiều hộ dân ở xã Thống Nhất (TP Lào Cai) lo lắng khi nằm trong hành lang lưới điện cao thế 220kV Lào Cai - Bảo Thắng. Ảnh: Hải Đăng.

Khi trời nồm ẩm, mưa gió mới thấy nguy hiểm

Ông Vũ Văn Đức, thôn Phú Hùng, xã Thống Nhất (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) có căn nhà gỗ nằm giữa 2 đường dây điện cao thế.

Ông này cho biết, “một đường dây điện được làm vào năm 2016, một đường điện khác được làm năm 2022 thì đều chạy qua nóc nhà tôi cả. Nhà tôi nằm ở giữa 2 đầu cột, nên nước mưa rơi đúng chỗ võng đường dây chảy xuống, nhìn rất sợ. Gia đình tôi muốn yêu cầu được chuyển đi lâu lắm rồi nhưng không được”.

Cũng theo hộ gia đình này, trong khi xây dựng đường dây điện cao thế 220kV, trong biên bản làm việc ngoài tiền hỗ trợ cải tạo nhà thì có đề đạt nguyện vọng được chuyển nơi ở.

Tại khu vực thôn Mường Bát, xã Thống Nhất (TP Lào Cai), nơi có 2 đường dây điện cao thế chạy cắt chéo nhau, nên người dân cho rằng, cột điện ở dưới nằm tương đối thấp so với những cột điện khác.

Theo quan sát, ngay đầu ngõ nhà bà Nguyễn Thị Đảy ở thôn này có đường điện cao thế chạy cắt ngang qua, phía dưới là bụi chuối.

“Đường điện như thế này ai ở được. Gia đình tôi mong muốn chính quyền xem xét có được di dời không, có ổn không? Sấm sét không dám ra ngoài, phải tắt hết thiết bị điện, đèn cũng không dám bật vì sợ cháy nổ”, bà Nguyễn Thị Đảy cho hay.

Căn nhà của gia đình bà đang ở được làm tạm bợ, lợp mái pro-ximăng còn lại là nứa và liếp tre và các vật liệu dễ bắt lửa khác.

“Mưa về đường dây nổ đen đét đen đét, tivi cũng không dám mở xem. Trước đây, chúng tôi được hỗ trợ tiền để cho đường dây bắt qua đất nhà mình và tiền hỗ trợ cây cối thôi chứ không được di dời”, bà Đảy nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thơm, thôn Mường Bát, xã Thống Nhất (TP Lào Cai) cho biết, “đường dây này là mới có năm ngoái, còn nhà tôi ở đây từ năm 1981 rồi. Trời mưa, sương mù, đường điện rú u u… sợ lắm. Giọt mưa từ đường đây rơi đúng đầu đốc nên không dám ngủ ở buồng bên đó. Chúng tôi xin di dời từ khi làm đường dây nhưng họ nói cứ ở đi rồi di dời sau. Vừa rồi chúng tôi cũng có kiến nghị nhưng chưa thấy giải quyết gì cả”.

Con trai bà Thơm nói thêm, mặc dù sống trong nhà gỗ nhưng cũng không dám xin cơ quan hỗ trợ sửa chữa, lợp mái tôn chống cháy vì trần nhà như que đóm rồi sợ cháy nổ và mái tôn thì hút điện nguy hiểm lắm.

Đường dây 220kV do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thi công khiến người dân bất an. Ảnh: Hải Đăng.

Đường dây 220kV do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thi công khiến người dân bất an. Ảnh: Hải Đăng.

Chưa ai ký đảm bảo an toàn cho người dân ở?

Một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn An, thôn Mường Bát, xã Thống Nhất (TP Lào Cai) cho biết, “nhà tôi bên ngành điện nói là nằm ngoài hành lang lưới điện nhưng cột chống sét nối từ cột cao thế lại chôn ngay gần sau nhà. Chúng tôi chỉ được hỗ trợ tiền cây cối khi triển khai dự án thôi. Mong muốn của gia đình tôi là di dời nơi ở nhưng chưa được. Sấm sét bất an, mưa gió thì bảng điện còn bị đánh tóe lửa”.

Ông Vũ Văn Đức thôn Phú Hùng tiếp lời, “không biết sức khỏe như thế nào nhưng từ lúc đóng đường điện 220kV, ti vi, tủ lạnh… của gia đình cháy hết còn để xó nhà. Mưa to ngập ao, trào cả cá cũng không dám bước ra ngoài, giật điện thì chết”.

Theo những hộ dân phản ánh, có nhiều thiết bị điện, ổ cắm, bảng điện… đã bị cháy nổ không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, cho đến nay, chưa có đơn vị nào ký biên bản đo cường độ điện trường để khẳng định đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống dưới lưới điện cao thế 220kV Lào Cai - Bảo Thắng.

“Chúng tôi làm đơn lên xã rồi yêu cầu bên đường dây, Sở Công thương và thành phố về đo cường độ điện trường nhưng máy móc không có tem mác. Lúc đo xong chờ ký biên bản thì không ai dám ký xác nhận cả”, ông Vũ Văn Đức nói.

Ông Lại Thái Kiên, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất xác nhận sự việc trên. Cũng theo Chủ tịch UBND xã này, mặc dù ngành điện đã đến đo đạc xác định mức độ ảnh hưởng tuy nhiên theo người dân cần phải đo vào những thời điểm có thời tiết khác nhau như khi mưa, nồm, ẩm… mới rõ. Còn đo vào những ngày nắng đẹp thì không có hiện tượng gì xảy ra.

Liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo UBND xã, ngành điện đã thực hiện và chi trả cho người dân. Mới đây, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đã có văn bản đôn đốc các hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ để cải tạo nhà ở, công trình nằm dưới hành lang dự án phải thực hiện đúng cam kết.

Về việc những hộ dân mong muốn di dời chỗ ở, theo ông Lại Thái Kiên, đã có những buổi đối thoại, tiếp công dân và lãnh đạo thành phố Lào Cai giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường và xã rà soát các trường hợp trong hành lang lưới điện. Hiện có khoảng 13 hộ bị ảnh hưởng nhưng chỉ 4 hộ có nhu cầu di chuyển vì nhà của họ làm bằng vật liệu tạm dễ cháy chưa đảm bảo quy định ngành điện, phải cải tạo hoặc di chuyển nơi ở.

Được biết, dự án đường đây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng đã thi công xong và đóng điện nhưng người dân chưa được di đời nơi ở hoặc phải được đảm bảo an toàn để sinh sống qua việc đo đạc cụ thể với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất