| Hotline: 0983.970.780

Lô tổ yến đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc: Quả ngọt của hợp tác song phương

Thứ Năm 16/11/2023 , 18:03 (GMT+7)

Tại lễ xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói là thành quả ngọt ngào của sự hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc.

Lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Thành quả ngọt ngào

Chiều 16/11, Lễ xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc được tổ chức tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ  tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh, ông Ô Quốc Quyền - Tham tán Công sứ, Phòng Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và nhiều đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 9/11/2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam. Mặc dù sản lượng tổ yến của Việt Nam còn khiêm tốn, tuy nhiên giá trị kinh tế lại rất lớn, do vậy với dấu mốc quan trọng này, hy vọng giá trị xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể, góp phần vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam", ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam nhìn nhận việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sản phẩm tổ yến vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm tổ yến tự hoàn thiện, đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Do đó, ngay sau khi Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc được ký kết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực triển khai các nhóm hoạt động liên quan nhằm mục tiêu xuất khẩu được lô sản phẩm tổ yến đầu tiên trong thời gian sớm nhất.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Bộ NN-PTNT, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các cơ quan liên quan trong việc triển khai Nghị định thư, ngày 3/11/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có thông báo chính thức cho Công ty Cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm tổ yến (gồm có: tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn) sang thị trường Trung Quốc.

Ngay sau được cấp phép xuất khẩu, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc là Công ty TNHH Tập đoàn Quản lý đầu tư công nghiệp Y tế Hải Yến, đây là một Công ty thuộc Tập đoàn Nhân Hòa, một trong những Tập đoàn dược phẩm lớn của Trung Quốc.

"Đây là thành công lớn của Công ty AVANEST và cũng là thành quả ngọt ngào của sự hợp tác giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

"Tôi mong muốn các cơ quan quản lý có liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh các chương trình thông tin phổ biến quy định của thị trường, làm tốt công tác định hướng truyền thông nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu sản phẩm tổ yến của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong các đợt tiếp theo", lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo thêm.

Các sản phẩm tổ yến là mặt hàng có nhiều tiềm năng ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Các sản phẩm tổ yến là mặt hàng có nhiều tiềm năng ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngành hàng tiềm năng

Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu.

Với nhu cầu lớn như vậy, trong khi sản lượng khai thác tổ yến của Trung Quốc còn hạn chế, vì vậy hàng năm Trung Quốc đã nhập khẩu lượng lớn yến sào từ các nước khác.

Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết, nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn. Trung Quốc nhập khẩu yến sào từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và hiện nay có thêm Việt Nam.

Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân.

Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.

Ông Ô Quốc Quyền, Tham tán công sứ Phòng Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Ô Quốc Quyền, Tham tán công sứ Phòng Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Phước Sỹ, Chủ tịch Hội yến sào Quảng Đà đánh giá, nghề nuôi yến đang phát triển tại nhiều địa phương như Quảng Nam, Bình Định, Kiên Giang… Tuy nhiên, chuỗi liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến chưa thực sự nhiều và bền vững. Bên cạnh đó, người nuôi còn đang gặp phải không ít những thách thức về quy hoạch vùng nuôi, điều kiện cấp mã số vùng nuôi.

Theo ông Sỹ, ngành hàng yến có giá trị kinh tế rất lớn. Hiện giá thu mua yến sào trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên tới hàng trăm triệu đồng. Do đó, Chủ tịch Hội yến sào Quảng Đà mong muốn các bên liên quan chung tay, tạo cơ chế thuận lợi cho người nuôi, giúp ngành hàng phát triển hết tiềm năng, dư địa.

Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán công sứ Phòng Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đánh giá, hợp tác kinh tế và thương mại là một bộ phận cấu thành quan trọng trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam.

“Chúng tôi vui mừng nhận thấy trong những năm gần đây, với sự nỗ lực chung của cơ quan hữu quan của 2 nước, trong đó có Bộ NN-PTNT, hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước liên tục đạt những tầm cao mới”, ông Ô bày tỏ.

Trong năm 2022, nhiều loại nông sản của Việt Nam, trong đó có sầu riêng, chanh leo khoai lang đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhờ đó, sầu riêng đạt mức kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 1,75 tỷ USD.

Từ thực tiễn này, Tham tán Trung Quốc tin tưởng ngành hàng yến cũng sẽ có sức tăng trưởng tương đương, sau cú hích từ lô hàng xuất khẩu hôm 16/11.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng thị trường yến sào của Việt Nam tại Trung Quốc. Thương mại ngành yến chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các vùng nuôi tại Việt Nam”, ông Ô nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH AVANEST phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH AVANEST phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH AVANEST bày tỏ niềm vinh dự khi được là Công ty đầu tiên của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu 2 loại sản phẩm tổ yến mà công ty đã đăng ký, đó là tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn vào thị trường Trung Quốc.

“Công ty AVANEST vô cùng biết ơn sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT trong việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm tổ yến của Việt Nam; biết ơn sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của Cục Thú y trong việc chuẩn bị các điều kiện sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc quy định tại Nghị định thư”, bà Hà nói.

Từ lô hàng đầu tiên này, Công ty AVANEST khẳng định sẽ cố gắng và nỗ lực hơn nữa, không ngừng đổi mới, phát triển để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín của sản phẩm yến sào Việt Nam. Đồng thời gia tăng giá trị, số lượng sản phẩm yến sang Trung Quốc nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Nhờ nhà máy chế biến được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, theo tiêu chuẩn GMP-WHO, Công ty AVANEST hiện được nhiều đơn vị liên hệ, phát triển chuỗi liên kết ngành hàng.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.