Một doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc. Chỉ có 2 đợt xả nước tăng cường phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Cà phê Việt Nam 'mất mùa được giá'. Xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang về 3,5 tỷ USD mỗi năm.
Một doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho Công ty cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam được xuất khẩutổ yến sang thị trường này.
Ngày 7/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số 1843 gửi Cục Thú y chuyển Công hàm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về quyết định này.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay đã có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khấu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư.
Trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét. Ðối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu.
Chỉ có 2 đợt xả nước tăng cường phục vụ sản xuất vụ đông xuân
Minh Phúc khai thác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông báo, vụ đông xuân 2023-2024, các nhà máy thủy điện chỉ điều tiết hai đợt tăng cường phát điện, bổ sung nguồn nước trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống phục vụ Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ lấy nước gieo cấy trong thời gian 12 ngày.
Cụ thể, đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 23-1-2024 đến 24h ngày 30-1-2024 (8 ngày) và đợt 2 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 18-2 đến 24h ngày 21-2-2024 (4 ngày).
Trong thời gian lấy nước đợt 1, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,7-1,9m tại Trạm thủy văn Hà Nội).
Đợt 2, các hồ chứa thủy điện vận hành bảo đảm dòng chảy đủ để đẩy mặn, mực nước cho các trạm bơm dã chiến và các công trình đã được nâng cấp hoạt động (mực nước tại Trạm thủy văn Sơn Tây trung bình khoảng 1,8-2m).
Cà phê Việt Nam 'mất mùa được giá'
Phúc Lập sx
Kết thúc niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, nhờ giá tăng cao nên kim ngạch vẫn tăng 3,4%, đạt kỷ lục 4,08 tỷ USD.
Đó là báo cáo của Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tại Hội nghị tổng kết niên vụ 2022-2023, diễn ra chiều 10/11/2023 tại TP.HCM.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của của nước ta trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây với khối lượng đạt 50.967 tấn.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Vicofa, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những “luật lệ” mới từ EU và các thị trường trên thế giới, như quy định về Chuỗi cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định Giảm phát thải khí nhà kính…
Xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang về 3,5 tỷ USD mỗi năm
Minh Phúc khai thác
Việt Nam hiện có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với nhiều lĩnh vực khác nhau như: mây tre đan, thêu dệt, gốm sứ, đúc đồng, khảm, trạm bạc, gỗ mỹ nghệ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, mỗi năm. Doanh thu của các làng nghề hiện nay đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động.
Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được nhận định đạt bình quân 8%/năm. Tuy nhiên, theo đánh gía của các chuyên gia, các làng nghề nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về áp dụng khoa học kỹ thuật; thiếu lao động trẻ có trình độ tại các làng nghề không nhiều; một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo nguy cơ mai một bị thất truyền; không có sự liên kết giữa các làng nghề; thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ...