Ai cũng biết xử lý vi phạm
Nhiều năm qua, tình trạng xâm phạm công trình thủy lợi xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp. Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng không phải ngoại lệ. Nguyên nhân là bởi, sự phát triển của xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, đã khiến những công trình thủy lợi trước đây ở ngoài cánh đồng, khu vực xa xôi hẻo lánh nay đã gần sát với các khu dân cư.
Cùng với đó trên nhiều tuyến công trình không có bờ kè, hoặc có nhưng xuống cấp không phân định được đâu là công trình thủy lợi “bất khả xâm phạm”, đâu là khu dân cư. Điều này không những gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình thủy lợi mà còn tác động đến cảnh quan chung của toàn tuyến.
Trước tình thế đó, để kịp thời xử lý vi phạm, các cán bộ, công nhân viên của Trạm quản lý công trình thủy lợi cống Xuân Quan (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) đã có nhiều sáng kiến, cách làm mới, không những tạo dựng, bảo vệ cảnh quan mà còn kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm hệ thống công trình thủy lợi.
Ông Đào Văn Chương - Trạm trưởng Trạm quản lý công trình thủy lợi cống Xuân Quan cho biết, yếu tố nhanh chóng kịp thời phát hiện ra vi phạm hết sức quan trọng trong việc xử lý, nhờ đó tránh ảnh hưởng đến hệ thống cũng như cảnh quan của toàn tuyến.
"Nhiều trường hợp vi phạm chỉ sau một đêm là họ đã thi công xong phần móng, nếu không phát hiện nhanh thì sau vài ngày là xong khung của một căn nhà. Lúc ấy xử lý rất phức tạp. Nếu họ tự nguyện tháo dỡ thì còn đỡ, nếu rơi vào trường hợp chây ỳ, chính quyền phải tổ chức cưỡng chế rất mất thời gian, công sức”, ông Chương chia sẻ.
Để bảo vệ công trình, chống xâm phạm, chi bộ Trạm quản lý công trình thủy lợi cống Xuân Quan đã ra một nghị quyết riêng, phân công cho các cán bộ, công nhân viên luân phiên đảm nhiệm vị trí chuyên trách xử lý vi phạm thay vì phân công giao nhiệm vụ “cứng” cho một số cán bộ đảm nhiệm chuyên trách. Thời gian của mỗi cán bộ chuyên trách sẽ được tính toán để đảm bảo số công theo định mức Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải giao cho đơn vị.
Cụ thể, mỗi cán bộ được giao chuyên trách xử lý vi phạm sẽ được giao 3 tháng 1 lần. “Theo quan điểm của tôi, giao cán bộ, công nhân viên đi làm chuyên trách như thế trước hết là đảm bảo tính kịp thời trong công tác quản lý bảo vệ công trình. Nhưng quan trọng nhất là tạo điều kiện, giáo dục các cán bộ, công nhân của trạm ai cũng phải biết về Luật Thủy lợi, ai cũng phải biết lập làm biên bản, cách thức xử lý khi phát hiện vi phạm”, ông Chương cho biết.
Theo ông Chương, nghề thủy lợi trên thực tế không đa dạng, mỗi cán bộ, công nhân nếu chỉ biết làm một công việc được đào tạo sẽ gây ra nhàm chán. Ngoài ra, trường hợp cán bộ chuyên trách có việc phải nghỉ, đau ốm sẽ không đảm bảo công trình vận hành thông suốt hay kịp thời phát hiện xử lý vi phạm.
Các cán bộ, công nhân viên trước đây không biết làm thợ hàn, qua quá trình công tác đã tự tìm tòi học hỏi để hàn, xử lý sự cố nhỏ trong công trình. Không thể hơi tý là đi thuê, là kêu Công ty, rất mất thời gian, tiền bạc. Hay như việc trồng cây xung quanh công trình, trước đây đều do đơn vị cây xanh môi trường đô thị thực hiện nhưng chúng tôi thấy không hiệu quả vì đơn vị trên không phải lúc nào cũng đến chăm sóc cây cối, không thể bằng các cán bộ, công nhân trạm thủy lợi lúc nào cũng trực tại đây được.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Nguyễn Thị Bích Thủy - cán bộ đang được giao chuyên trách thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vi phạm tại công trình cho biết: “Các hành vi vi phạm thường xảy ra vào những thời điểm nhạy cảm về mặt thời gian, đặc biệt là vào ban đêm và ngày càng có tính chất tinh vi hơn. Là phụ nữ vừa phải chăm lo cho gia đình, vừa phải hoạt động trong môi trường công việc vất vả, tôi vẫn chủ động cân đối, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và giữ lấy niềm vui khi được tiếp nối cha mẹ, góp phần bảo vệ công trình thủy lợi trọng điểm của quê hương”.
Cùng nhân dân bảo vệ công trình thủy lợi
Mỗi cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách đều phải báo cáo hàng ngày lên nhóm zalo chung của đơn vị và hàng ngày phải về đơn vị ký sổ theo dõi xem trong ngày có phát hiện ra trường hợp nào vi phạm hay không.
“Theo dõi trên nhóm chung zalo, mỗi cán bộ được giao chuyên trách phải đi từ đầu nguồn đến cuối nguồn trong phạm vi được giao quản lý và phải chụp ảnh, quay video lại gửi lên nhóm để chúng tôi kiểm soát xem cán bộ đó có thực sự đi kiểm tra hay không”, ông Chương nói. Do đó, việc kiểm soát vi phạm công trình thủy lợi đã có phần tích cực hơn, đảm bảo sự kịp thời trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ công trình.
Mặt khác, để đảm bảo có thông tin vi phạm một cách nhanh chóng, các cán bộ chuyên trách xử lý vi phạm phải xây dựng, hình thành mạng lưới “chân rết” và "tai mắt" trong chính khu vực dân cư lân cận để kịp thời thông tin về các hành vi vi phạm công trình thủy lợi.
Hơn 60 năm qua, trước những biến động về văn hóa, chính trị, kinh tế xã hội của đất nước và sự ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, cống Xuân Quan vẫn đáp ứng được nhiệm vụ công trình. Hàng năm, vào mùa lũ công trình vẫn đảm bảo được chống lũ của bờ tả sông Hồng. Về mùa kiệt thì vẫn đảm bảo lấy nước trong điều kiện cho phép để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ năm 2017 Hưng Yên đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong xử lý vi phạm công trình thủy lợi.
Đặc biệt, Kế hoạch số 93A/KH-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên về giải toả các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thuỷ lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép được triển khai trên toàn tỉnh và đến tận xã, thôn.
“Có nhiều xã đã phải xử lý kỷ luật cả chủ tịch xã và cán bộ địa chính trong việc buông lỏng quản lý cơ sở, để xảy ra vi phạm. Nhờ đó, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện tốt việc xử lý vi phạm”, ông Kình nói.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã rà soát và phân loại thời điểm vi phạm và các hành vi vi phạm, gồm: nhóm vụ việc vi phạm từ 1/7/2014 trở về trước; nhóm vi phạm từ 1/7/2014 đến ngày 31/3/2017. Khi Kế hoạch 93A được ban hành, tỉnh chỉ đạo cương quyết xử lý các vi phạm sau ngày 1/7/2014 đến 31/3/2017, trong năm nay, phải thực hiện hoàn thành đạt 80%. Đồng thời, cương quyết không để phát sinh các vi phạm mới hoặc tái vi phạm.
Và nếu để xảy ra vi phạm mới và tái vi phạm thì người đứng đầu cơ quan cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên thực hiện buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý.