| Hotline: 0983.970.780

Quản lý thuốc BVTV - nhìn từ cơ sở

Loạn xị thuốc ngoài danh mục

Thứ Năm 06/03/2014 , 09:07 (GMT+7)

Dù đã được cam kết không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV hóa học trên địa bàn nhưng thuốc hóa học độc hại, thậm chí thuốc ngoài danh mục vẫn tung hoành ở vựa rau an toàn Văn Đức.

* Cảnh báo: Lufen Extra 100 EC là thuốc nằm ngoài danh mục

Ở Hà Nội, Văn Đức (huyện Gia Lâm) là vựa rau an toàn (RAT) được dày công xây dựng xấp xỉ hàng chục năm qua với không biết bao nhiêu dự án, bao nhiêu khóa tập huấn về sử dụng thuốc BVTV. Nhưng xem ra, tất cả chẳng ăn thua gì. Thậm chí, dù đã được cam kết không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV hóa học trên địa bàn nhưng thuốc hóa học độc hại, thậm chí thuốc ngoài danh mục vẫn tung hoành.

Đại lý “kê” gì, dùng thuốc đó

Được triển khai xây dựng thành vùng RAT rất sớm từ những năm 2005 - 2006, đến nay, toàn bộ 250 ha rau (chiếm gần 100% đất nông nghiệp toàn xã) ở Văn Đức đều đã được cấp chứng nhận RAT, mỗi năm cung cấp cho thị trường Hà Nội những 20 nghìn tấn rau các loại.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ nhiệm HTX RAT Văn Đức sau một hồi phân tích về lợi ích và những chuyển biến trong việc sử dụng thuốc BVTV ở vùng rau này đã khẳng định như đinh đóng cột mấy ý: 100% diện tích rau ở đây đều đã tuân theo quy trình SX RAT, phun thuốc BVTV đúng thời gian cách ly, đúng chủng loại thuốc dành trên rau.

Đặc biệt, toàn xã có tới 9 đại lý thuốc BVTV thì tất cả đều đã được ký cam kết không bán thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học cho nông dân, nên 100% diện tích rau trong xã đều được sử dụng thuốc sinh học, đúng chủng loại. Đó là chưa kể Chi cục BVTV thường xuyên cử 8 cán bộ xuống địa bàn xã, cùng với 30 tổ nhóm ở các thôn để giám sát việc SX và sử dụng thuốc BVTV...

dscf1229174425287
Loạn xị thuốc không đăng ký sử dụng trên rau tại vựa rau Văn Đức

Để kiểm chứng lời ông Minh nói, chiều 4/3, đóng vai một cán bộ ngành BVTV đi khảo sát tình hình sử dụng thuốc BVTV, PV NNVN đã rảo qua cánh đồng RAT ngay trước mặt thôn Chử Xá (xã Văn Đức), bắt gặp bà Đinh Thị Đôi (thôn Chử Xá) đang hì hục bên chiếc bình phun với một nắm thuốc trừ sâu chuẩn bị phun cho ruộng cải thảo.

Hỏi về kỹ thuật phun thuốc trừ sâu, bà Đôi tự tin khoe: “Mấy cái kỹ thuật đó tôi lạ gì, năm nào chẳng được xã gọi đi học mấy lớp, thuộc làu rồi. Ví như ruộng cải thảo 1 sào này, hiện đang bị bọ nhảy và nấm mốc lá, thường tôi cứ mua 3 loại thuốc, trộn lẫn với nhau và chia thành 3 bình mà phun. Mà bây giờ ở đây người ta cấm bán thuốc hóa chất rồi, chỉ còn thuốc sinh học thôi, làm gì mà sợ độc”.

“Làm sao cô biết được thuốc sinh học hay hóa chất” - tôi hỏi.

“Ôi giời! Cái này thì chịu, biết bao nhiêu là loại thuốc, toàn tên nước ngoài, làm sao nhớ nổi. Ngay thôn Chử Xá này đã có 3 - 4 đại lý thuốc, muốn trị sâu gì, bệnh gì thì cứ ra đại lý, họ bày cho hết. Chẳng hạn hôm nay tôi đang định phun trừ bọ nhảy và nấm mốc lá cho ruộng cải thảo, và một ruộng su hào ở đám bên kia, họ lấy cho 3 loại thuốc này đây” - bà Đôi giơ túi bóng đựng mấy loại thuốc lên làm chứng.

Thuốc ngoài danh mục bán như rau!

Tò mò mở nắm thuốc của bà Đôi ra, tôi thấy có 3 loại thuốc có tên gồm: Thuốc trừ sâu OSIOI 800.8 WP (dạng vỉ), thuốc trừ sâu Lufen Extra 100 EC (dạng chai) và thuốc trừ bệnh AZO top 400 SC (dạng vỉ). Điều lạ là trên bao bì của cả 3 loại thuốc này, toàn ghi thông tin đăng ký phòng trị bệnh cho lúa và cây ăn quả, không hề có thông tin sử dụng cho bất kỳ loại rau nào.

Cụ thể: Azotop 400 SC trên vỏ bao chỉ ghi “đặc trị bệnh Lem lép hạt, Đạo ôn trên lúa, Thán thư trên xoài”; OSIOI 800.8 WG bao bì chỉ ghi đặc trị rầy nâu trên lúa; Lufen Extra 100 EC chỉ ghi trị sâu cuốn lá lúa, bọ trĩ trên nho, sâu tơ trên cây trồng (không ghi cụ thể trên những cây trồng nào).

dscf1227174424764
Lufen Extra 100 EC – thuốc trừ sâu nằm ngoài danh mục bày bán nhan nhản tại vựa RAT xã Văn Đức

Đặc biệt nguy hiểm, thuốc Azotop 400 SC có thời gian cách li tới 10 ngày, thuốc OSIOI 800.8 WG vì đặc trị rầy trên lúa nên chỉ ghi “không phun sau khi lúa trỗ” chứ không có thời gian cụ thể bao nhiêu ngày, còn Lufen Extra 100 EC trên vỏ chai không có dòng thông tin nào về thời gian cách li.

Liên hệ với Cục BVTV để xác minh “danh tính” của 3 loại thuốc mà bà Đôi sử dụng, chúng tôi đã giật mình khi thông tin từ Phòng Quản lí thuốc (Cục BVTV) cho biết như sau: Azotop 400 SC là thuốc có nguồn gốc hóa học, với hỗn hợp hai hoạt chất Azoxystrobin và Difenoconazole, có độ độc Nhóm III, và không đăng ký sử dụng trên rau; OSIOI 800 WG (chứ không phải OSIOI 800.8 WG như ghi trên nhãn) là thuốc có nguồn gốc hóa học với hỗn hợp 3 hoạt chất (gồm Acetamiprid, Thiamethoxam và Buprofezin), có độ độc Nhóm III và cũng không đăng ký sử dụng trên rau. Đặc biệt, Cục BVTV khẳng định, Lufen Extra 100 EC là thuốc chưa hề có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam!

Lạ về điều này, PV tiếp tục ghé vào một số thùng đựng vỏ bao bì thuốc BVTV ở cánh đồng chuyên trồng RAT của thôn Chử Xá và nhặt ngẫu nhiên một số vỏ bao bì tại đây. Ngạc nhiên là trong số những mẫu mà PV lấy được, có nhan nhản các nhãn hiệu thuốc trên mà bao bì không có một thông tin nào đăng ký sử dụng cho rau.

Xin nêu đơn cử: Thuốc SAAF 75 WP, bao bì chỉ ghi đăng ký trị đạo ôn cho lúa, bệnh đốm nâu trên đậu phộng (lạc), bệnh thán thư trên cây điều; thuốc Sixtoc 700 EC chỉ ghi đăng ký trị sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, nhện ghé, bọ trĩ hại lúa; sâu xanh da láng, sâu đục quả, sâu tơ hại đậu xanh và đậu tương cùng nhiều loại sâu khác hại cam, quýt, cây ăn quả.

Tương tự, thuốc Zamectin 100 WG trên bao bì chỉ ghi đăng ký trị sâu đục bẹ trên lúa; thuốc Alvil 5 SC chỉ đăng ký trị bệnh ghẻ, sẹo trên cam, bệnh đốm vàng, gỉ sắt, nấm hồng hại cà phê và nhiều bệnh khác trên nhãn, xoài, lạc, ngô, hoa hồng, thuốc lá, cao su..., không có bất kỳ nội dung nào đăng ký trị bệnh cho loại rau. Trong số những mẫu bao bì kể trên, có những loại thuốc có thời gian yêu cầu cách ly rất dài như: SAAF 75 WG, Zamectin 100 WG cách ly 7 ngày; Anvil 5SC, Sixtoc 700 EC tới 14 ngày.

Để có thông tin chính thống, chúng tôi đã tiếp tục gửi những thông tin của các mẫu vỏ bao bì thuốc BVTV đã thu thập được tại vùng RAT xã Văn Đức tới Cục BVTV và đã có thông tin phân loại như sau: Thuốc SAAF 75 WP có nguồn gốc hóa học, không đăng ký sử dụng trên rau; Sixtoc 700 EC là thuốc hóa học, độ độc Nhóm II, không đăng ký sử dụng trên rau; Alvil 5 SC là thuốc hóa học, không đăng ký sử dụng trên rau. Trong số này, chỉ có Zamectin 100 WG là thuốc có nguồn gốc sinh học, nhưng đáng tiếc là thuốc này cũng... không đăng ký sử dụng trên rau.

Xin được đối chiếu những thông tin và kết quả trên đây với câu khẳng định: “Các đại lý thuốc BVTV đã được cam kết không bán thuốc BVTV hóa học, và 100% diện tích rau của xã đã sử dụng 100% thuốc BVTV sinh học” của ông chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Minh.

Xin nói thêm, ông này cũng khẳng định gần như 100% diện tích đất nông nghiệp toàn xã là trồng rau, vậy những mẫu bao bì thuốc BVTV không đăng ký sử dụng trên rau, thậm chí ngoài Danh mục nhan nhản ở Văn Đức mà PV NNVN thu thập được từ đâu “chui tới” các thùng đựng vỏ bao bì thuốc BVTV ở đây?

Cty nào SX thuốc Lufen Extra 100 EC?

Tại vùng rau Văn Đức, PV đã tạt ngẫu nhiên vào một đại lý thuốc BVTV tại thôn Trung Quan. Hỏi mua thuốc trị sâu tơ cho ruộng cải bắp sắp thu hoạch, bà chủ đại lý còn khá trẻ lôi ngay ra một lọ thuốc có tên Lufen Extra 100 EC như tôi đã gặp ở ruộng bà Đôi hỏi cụt ngủn: “Anh ở đâu nhỉ? Cải sắp thu hoạch thì dùng cái này. Một lọ này chia đều thành 3 bình. Giá 48 nghìn”.

Đọc thông tin trên vỏ chai thuốc không có hướng dẫn thời gian cách ly, chỉ thấy ghi “đọc kỹ nhãn phụ kèm theo trước khi sử dụng”, tôi ngỏ ý thắc mắc muốn xin nhãn phụ xem thời gian cách ly của thuốc là bao nhiêu thì nhận được câu trả lời: “Nhãn phụ vứt ở đâu rồi ấy, không có”.

Về loại thuốc nằm ngoài danh mục này, trên vỏ chai ghi rõ địa chỉ của nhà SX là: Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Ngọc Lâm, số 89, ngõ 192, Lê Trọng Tấn, Hoàng Mai, Hà Nội.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.