| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay đuổi đàn voọc hiếm nhưng hung dữ

Thứ Năm 01/10/2020 , 08:07 (GMT+7)

Đã nhiều tháng, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vẫn loay hoay tìm phương án tối ưu đẩy đuổi đàn voọc hiếm nhưng hung dữ để đảm bảo an toàn cho người dân.

Con voọc dữ lao xuống đường tấn công người. Ảnh: CĐ.

Con voọc dữ lao xuống đường tấn công người. Ảnh: CĐ.

Voọc dữ cắn người

Thời gian gần, tại vùng rừng núi tự nhiên thuộc địa bàn bản Cha Ly và Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xuất đàn voọc đen gáy trắng (hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh) khoảng từ 3-4 con, có màu đen, trọng lượng từ 6-8 kg. Trong đó, có một con thường xuyên xuống ven đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rượt đuổi, cắn trọng thương nhiều người.

Đã gần 1 tháng trôi qua, anh Nguyễn Văn Sắc, một tiểu thương chuyên buôn bán trên tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn chưa hết lo sợ khi hình ảnh con voọc dữ từ trên cao nhảy xuống rượt theo chiếc xe máy do anh cầm lái.

Anh Sắc kể: “Hôm đó, như thường lệ, tôi đang chạy xe máy trên đường Hồ Chí Minh hướng ra thị trấn Khe Sanh. Xe đang chạy ngon lành trên đường thì bỗng một con voọc lao từ trên cao xuống và chạy theo xe. May hôm đó tôi cảnh giác rú ga bỏ chạy nên không hề hấn gì”.

Người dân lo lắng sử dụng các vật dụng có thể gây nguy hiểm cho đàn voọc để phòng thân. Ảnh: CĐ.

Người dân lo lắng sử dụng các vật dụng có thể gây nguy hiểm cho đàn voọc để phòng thân. Ảnh: CĐ.

Còn thầy giáo Nguyễn Đình Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lập (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) thì tỏ ra lo lắng khi hàng trăm học sinh của trường bước vào năm học mới trong khi các lực lượng chức năng địa phương vẫn chưa có phương án đẩy đuổi đàn voọc. Kéo theo đó là hàng trăm phụ huynh học sinh trong tâm trạng bất an mỗi khi các em đến trường.

“Từ khi rộ lên thông tin đang voọc dữ cắn người, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm cho học sinh và phụ huynh khi đi ngang qua đoạn đường có voọc.

Đặc biệt, các thầy cô giáo luôn căn dặn các em học sinh không được đi một mình qua đoạn đường nguy hiểm này. Nếu có việc cần, ngay cả giáo viên của trường cũng cần phải đi theo nhóm để tránh voọc tấn công”, thầy Nghĩa cho hay.

Theo người dân địa phương cho hay, đàn voọc dữ trên về sinh sống tại vùng đá vôi thuộc xã Hướng Lập từ đầu năm 2020. Ban đầu chúng không có biểu hiện gì làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, đàn voọc này trở nên hung dữ khi thường xuyên tấn công người đi đường, nhất là những trường hợp đi riêng lẻ.

Còn nguyên nhân vì sao đàn voọc trở nên hung dữ và tấn công người thì theo một số người dân bản địa có am hiểu về loài linh trưởng này thì nhiều khả năng chúng chỉ muốn chứng minh khu vực sinh sống là của mình.

Loay hoay tìm giải pháp

Trước thực trạng đàn voọc dữ tấn công người, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn và xua đuổi đàn voọc dữ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương, vừa thực hiện công tác bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu này.

Ngay khi đàn voọc có biểu hiện tấn công người đi đường, Đồn Biên phòng Hướng Lập, Trạm Kiểm lâm Hướng Lập và các đơn vị liên quan đã lập chốt và cắm biển để cảnh báo cho người dân khi đi qua đoạn đường hay xuất hiện đàn voọc.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác và tham gia trực gác, xua đuổi đàn voọc quay trở lại rừng chứ không được sử dụng các biện pháp mạnh đối với loài linh trưởng đặc hữu này.

Một chốt cảnh báo có voọc xuất hiện trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: CĐ.

Một chốt cảnh báo có voọc xuất hiện trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: CĐ.

Một trong các giải pháp trước mắt được chính quyền xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa đưa ra là đề xuất phương án “bắn súng chỉ thiên” và “thuê chuyên gia bắn thuốc mê bắt để thả lại vào trong rừng sâu, xa khu vực dân cư sinh sống”.

Tuy nhiên, theo một số người có kinh nghiệm nghiên cứu loài linh trưởng, các phương án mà xã này đề xuất không khả quan bởi vùng núi đá vôi nơi đàn voọc đang sinh sống có diện tích khá nhỏ hẹp, địa bàn xung quanh vùng đá vôi này đều là nương rẫy của người dân canh tác.

Trong khi đó, đặc tính của loài này chỉ sống ở vùng đá vôi, nếu chuyển chúng đến địa bàn khác thì khó sống được. Đối với loài linh trưởng này không được xua đuổi mạnh, nếu xua đuổi mạnh nó sẽ quay lại tấn công mình.  

Tiếp đó, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã phát đi văn bản đề nghị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ dùng chó berger Đức để xua đuổi đàn voọc đen gáy trắng quý hiếm quay trở lại rừng để đảm bảo an toàn cho người đi đường và học sinh chuẩn bị vào năm học mới 2020 - 2021.

Theo UBND huyện Hướng Hóa, địa phương đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia về loài linh trưởng và cho rằng chúng rất sợ chó berger.

Chính vì vậy, địa phương đã quyết định đề nghị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị dùng chó berger nghiệp vụ để xua đuổi đàn voọc gáy trắng dữ tợn quay trở lại rừng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, phương án đề nghị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ chó berger đuổi đàn voọc dữ cũng không Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng ý.

Theo bà Phương, lý do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng không đồng ý phương án sử dụng chó nghiệp vụ để đẩy đuổi đàn voọc đen gáy trắng là bởi khi chó nghiệp vụ phát hiện mục tiêu, theo lệnh của huấn luận viên sẽ đánh bắt, tiêu diệt mục tiêu bằng các động tác cắn xé, làm chết voọc.

Còn nếu đeo rọ mõm, chó chiến đấu không thể sủa được nên hiệu quả xua đuổi không cao; mặt khác khi rọ mõm, theo phản xạ voọc sẽ tấn công lại gây nguy hiểm đến tính mạng của chó chiến đấu.

Như vậy, đến nay đã 3 tháng trôi qua, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa tìm ra giải pháp căn cơ để xua đuổi đàn voọc trở lại rừng. Đàn voọc quý hiếm vẫn có thể tấn công người bất cứ lúc nào. Còn chính quyền thì loay hoay tìm giải pháp để vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, vừa thực hiện công tác bảo tồn đàn voọc quý hiếm của địa phương.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất