Tiger Ye, không phải tên thật, là sinh viên 21 tuổi ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi virus corona xuất hiện lần đầu tiên. Ye nghi bản thân nhiễm bệnh khi cảm thấy mệt đến mức không thể ăn xong bữa tối hôm 21/1. Anh kiểm tra và thấy thân nhiệt tăng cao.
Thông tin về loại virus mới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên Covid-19, khi đó rất ít nhưng sự hoang mang tại thành phố 11 triệu dân này lại nhanh chóng gia tăng, sau khi nhà chức trách xác nhận virus có khả năng lây nhiễm cao và có thể truyền từ người sang người.
Ye đến bệnh viện Tongji, bệnh viện hàng đầu Vũ Hán, lúc nửa đêm và thấy phòng chờ chật cứng người như anh. Ye hiểu sẽ phải đợi nhiều giờ để được xét nghiệm.
“Tôi sợ hãi”, Ye kể lại. “Vô số hồ sơ đặt trên bàn. Bác sĩ nào cũng mặc đồ bảo hộ, điều tôi chưa từng thấy”.
Ngay sau đó là hơn 2 tuần đầy lo lắng và tuyệt vọng, khi Ye cố xác định xem anh có nhiễm virus corona hay không và được điều trị với những triệu chứng ngày càng nặng. Ye là một trong những người may mắn khỏi bệnh, một phần nhờ cha là nhân viên y tế. Ông nhận ra nguy cơ sớm hơn so với nhiều người ở Vũ Hán.
Phong tỏa
Tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp tử vong vì virus corona. Tỉnh này đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, dụng cụ xét nghiệm cùng nhiều thiết bị y tế cơ bản khác, đồng nghĩa người bệnh phải chờ hàng giờ để được chẩn đoán, thậm chí có người tử vong trước khi gặp bác sĩ. Phần lớn tỉnh Hồ Bắc đã được cách ly.
Ye quyết định rời Tongji và đến một bệnh viện nhỏ hơn gần đó mua thuốc. Các bác sĩ tại đây nói triệu chứng của anh không nghiêm trọng, có thể về nhà và tự cách ly.
4 ngày đầu tiên thực sự là cực hình với Ye.
“Tôi bị sốt cao và những cơn đau hành hạ khắp cơ thể”, Ye mô tả lại. Với ước mơ trở thành diễn viên lồng tiếng, anh chọn xem hoạt hình Nhật Bản để quên đi cảm giác khó chịu.
Thời điểm tái khám của Ye cũng là lúc chính quyền Vũ Hán phong tỏa thành phố, cấm người dân rời đi để ngăn virus lây lan. Mọi thứ nhanh chóng thay đổi. Các tuyến phố vắng lặng, giá trái cây, rau củ tươi tăng mạnh, người dân không biết liệu họ có được phép ra khỏi nhà hay không.
Tình trạng của Ye ngày càng trầm trọng. “Tôi như sắp chết đến nơi”, Ye nói.
Tại bệnh viện, kết quả chụp CT cho thấy khả năng cao Ye đã nhiễm virus corona và chúng đã lan vào phổi. Bác sĩ tranh luận xem có nên kiểm tra axit nucleic của Ye -sử dụng trình tự gene của virus để xác định - nhưng kết luận trường hợp này chưa quá nghiêm trọng. Bộ dụng cụ xét nghiệm quý giá được dành lại cho bệnh nhân nguy kịch hơn.
‘Cửa tử'
Ye vẫn điều trị tại nhà sau lần đến viện thứ hai, không biết có nhiễm virus hay không. Em trai và bà của Ye bắt đầu có những triệu chứng lây nhiễm. Tình trạng của Ye dần tồi tệ đến mức anh nghĩ mình sắp chết.
“Tôi cảm giác mình đã gõ cửa địa ngục”, Ye nói.
Ye một lần nữa nhập viện khi bị sốt tới 39 độ C. Bác sĩ tiêm ven Ye thuốc Kaletra, thường dùng trong điều trị HIV và có vẻ hiệu quả đối với virus corona, giúp anh hạ sốt xuống còn 37 độ C vào cuối ngày.
Một tuần sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, sức khỏe của Ye có chuyển biến.
Nam sinh viên được cấp riêng bộ dụng cụ xét nghiệm vào ngày 29/1 với kết luận là nhiễm virus corona. Bác sĩ cấp liều thuốc kháng sinh Aluvia trong 5 ngày và cho phép Ye tự cách ly tại căn hộ ba phòng ngủ của anh, một phần do bệnh viện không đủ chỗ.
Ngày 7/2, kết quả xét nghiệm axit nucleic là âm tính với virus corona nhưng Ye chưa hoàn toàn khỏi bệnh. Trước một số thông tin về các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn có thể chuyển biến tiêu cực, nhà chức trách quyết định cách ly Ye trong một khách sạn được chọn làm bệnh viện tạm thời, bên ngoài có cảnh sát bảo vệ, ngăn người không nhiệm vụ ra vào.
Ye xuất viện sau đó 5 ngày, kết thúc hành trình đáng sợ dài ba tuần. Anh vẫn còn sống, cảm thấy biết ơn những bác sĩ đã liều mình cứu chữa. Một số bác sĩ nói với Ye rằng họ có thể đã nhiễm virus nhưng vẫn sẽ nỗ lực hết sức để giúp đỡ những người khác.