| Hotline: 0983.970.780

Lời then, điệu xòe giữa đại ngàn Tây Nguyên

Thứ Sáu 08/02/2019 , 13:45 (GMT+7)

Với sự góp mặt của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc ở vùng biên giới Tây Nguyên, đã làm nên sự giao thoa kỳ diệu giữa các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước.

Khoảng 30 năm trước, người Tày, người Thái từ Lạng Sơn, Thái Nguyên vào Tây Nguyên lập nghiệp. Hành trang đến với vùng đất mới của họ không thể thiếu cây đàn tính cùng những làn điệu then mượt mà, điệu xòe uyển chuyển giàu tình cảm, đặc trưng của dân tộc; với họ, dù đi đâu, làm gì, nếu thiếu đàn tính, hát then, thiếu xòe Thái thì cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa...
 

Then Tày trên đỉnh 'núi hoa'

Đến từ huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), chị Long Thị Thúy (50 tuổi) được xem là người hát then hay nhất ở thôn Bắc Thái (xã Ia Mơ, huyện biên giới Chư Prông, Gia Lai). Chị Thúy cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được “tắm” trong những làn điệu then truyền cảm của bà, của mẹ, làn điệu then đã ăn sâu và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi thuộc nhiều ca từ mượt mà ấy từ lúc mới mười tuổi nên khi di cư vào đây, tôi vẫn gìn giữ nét văn hóa độc đáo đó của dân tộc mình như một cách để nhớ về quê hương”.

Hát then - điệu hát truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày

Cũng theo chị Thúy thì hát then được bà con nơi đây sử dụng trong các dịp lễ, Tết, ngày hội của dân tộc và trong các ngày vui gia đình… Hát then trước hết phải có lòng say mê, gửi cái hồn của mình vào trong mỗi làn điệu. Khi điệu then cất lên, từng giai điệu, lời hát chứa chan cảm xúc, đầm ấm khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn. Ngoài những làn điệu then quen thuộc của dân tộc, mọi người còn tìm hiểu học thuộc những làn điệu then mới ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ như: Suối Lênin, Trăng soi đường Bác, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Về thăm Bắc Thái…

Đã hát then thì không thể thiếu “người bạn tâm giao” là cây đàn tính. Đây là loại nhạc cụ dân gian đặc và rất độc đáo của người Tày. Để tạo ra những thanh âm khi mượt mà, sâu lắng như u minh rừng già, khi lại réo rắt, vui tươi như dòng suối ban mai cuốn hút lòng người, người chơi phải cảm nhận bằng nhiều giác quan để dẫn dắt người nghe đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác. Anh Nông Văn Đoàn - một trong số ít người biết chơi và giữ được bí quyết làm đàn tính giỏi ở thôn Bắc Thái, cho biết: "Hộp đàn được làm từ vỏ bầu khô, mặt đàn làm từ loại gỗ nhẹ, dẻo để không bị nứt; dây đàn làm bằng dâu tằm, nhưng cũng có thể dùng dây cước thay thế. Để làm được một cây đàn tính, tôi phải nhờ người thân ở ngoài Lạng Sơn gửi vật liệu vào, thường thì khoảng hai ngày là tôi làm xong một cây đàn tính".

Với mong muốn giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, là cầu nối của những người con xa quê, Câu lạc bộ đàn tính - hát then làng Bắc Thái được thành lập từ năm 2010. Hiện câu lạc bộ có hơn 30 thành viên tham gia, là những người có tâm huyết với hát then, đàn tính, trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ. Câu lạc bộ thường xuyên tập luyện để tham gia biểu diễn trong các sự kiện của địa phương hay của xã, huyện tổ chức.

Với chính quyền địa phương, để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân gian các dân tộc, trong những năm qua, chính quyền xã Ia Mơ luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã, nhất là với loại hình nghệ thuật đàn tính, hát then của bà con dân tộc Tày. Để giúp bà con bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, địa phương đều tổ chức nhiều chương trình giao lưu như Hội diễn văn nghệ, khuyến khích bà con tham gia tập luyện... Những hoạt động trên được bà con tham gia nhiệt tình và đánh giá rất cao...
 

Xòe Thái ở cực Bắc Tây Nguyên

Cũng như người Tày ở Chư Prông thì người Thái vốn không phải gốc ở Kon Tum. Họ di cư đến vùng đất này chừng mươi năm trở lại đây, định cư rải rác ở các xã thuộc huyện biên giới Ia H'Drai (giáp biên với Vương quốc Campuchia). Huyện Ia H'Drai nằm lọt thỏm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Chưmomray - thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên. Nơi đây có nhiều dân tộc bản địa thuộc tỉnh Kon Tum sinh sống tự ngàn đời nay. Theo chủ trương của Nhà nước, người Thái ở Tây Bắc vào đây lập nghiệp khoảng mười năm trở lại đây, để thành lập huyện mới mang tên Ia H'Drai.

Người Thái hiện ở Ia H'Drai chiếm khoảng 50% dân số, định cư ở rải rác ở các xã. Vào đây, làm công nhân cao su, đời sống kinh tế của họ tốt hơn nhiều so với ở quê.

Điệu múa xòe mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng là tiếng nói của những người dân trong lao động, sản xuất. (Ảnh: Dân trí)

Nhớ thời Công ty 78 (thuộc Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng) mới thành lập, tôi đã vượt hàng trăm cây số với bao đèo dốc nguy hiểm, với những con ngầm cuồn cuộn nước lũ để đến với công nhân nơi đây. Hồi đó, đời sống của công nhân còn nhiều vất vả, núi rừng thâm u, rừng thiêng nước độc. Công ty 78 đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho công nhân yên tâm bám trụ như thành lập nguyên một đội sản xuất với những chàng trai, cô gái độc thân (giờ thì họ đã đến với nhau, con của họ đã lớn cả); lương thực, thực phẩm đều tự cấp tự túc như: Trồng lúa, trồng rau, nuôi bò, lợn, gà, làm giá đỗ, nấu rượu phục vụ sinh hoạt cho bà con - công nhân... Từ đó, bà con yên tâm gắn bó với Công ty, gắn bó với vùng đất mới miền biên viễn này.

Hôm nay, tôi lại về với miền biên viễn Ia H'Drai thuộc vùng cực Bắc Tây Nguyên. Trong cái lạnh tê tái của đêm cuối năm ở núi rừng Chưmomray, trong cái la đà của men rượu cần, trong cái ấm áp của bập bùng ánh lửa... tôi cùng xòe với những cô gái Thái xinh tươi.

Bắt chuyện một cô gái xinh xinh, cô giới thiệu tên là Hà - cán bộ văn hóa xã Ia H'Drai (huyện Ia H'Drai). Theo cô thì mặc dù đời sống của người Thái nơi đây vẫn chưa hết khó khăn, nhưng những nét sinh hoạt văn hóa thì vẫn luôn tuôn chảy trong mạch máu mỗi người con xa quê. Cũng theo Hà thì xã, huyện thường xuyên tổ chức những lớp học ca vũ dân gian của các dân tộc - từ dân tộc nhập cư đến dân tộc bản địa. Từ đó, các dân tộc như xích lại gần nhau hơn, đoàn kết gắn bó với nhau hơn thông qua những điệu xòe, điệu xoang, thông qua những bài dân ca BahNar, Jẻ Triêng bản địa hay điệu then Tày, xòe Thái Tây Bắc...

Trong cái la đà men say, nhìn những điệu xòe rộn ràng uyển chuyển của các chàng trai cô gái, như nghe nét xưa hiện về đâu đó từ vùng đất Lũng Cú, Đồng Văn hay cũ xa hơn nữa...

Cô cán bộ Văn hóa xã tâm sự mà như có chút gì đó ngậm ngùi. Chợt nhớ trận lũ quét mới hôm nào tàn phá vùng đất miền biên viễn này.

Họ - những con người khi trăng lên múa hát. Điệu xòe càng đông càng vui. Họ - những con người khi mặt trời lên gieo hạt xuống nương. Điệu xòe giữa miền biên viễn...

Tiếng chiêng, tiếng trống ngân dài như nhắc nhủ cộng đồng góp sức:

"Em bâng khuâng trong điệu xòe

Để lại hơi ấm bàn tay

Đêm nay với điệu xòe

Rộn ràng trong tiếng hát

Trao nhau giữa vòng xòe

Nụ cười và ánh mắt

Thương nhau nắm tay nhau

Để lòng thôi không nói

Ngân lên khúc nhạc xòe

Tưng bừng như suối hát

Ỉnh lả ơi, sao noọng ơi!"...

Với sự góp mặt của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc ở vùng biên giới Tây Nguyên, đã làm nên sự giao thoa kỳ diệu giữa các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước. Ở đây, không hề có sự kỳ thị, chia rẽ. Ở đây chỉ có những cái nắm tay nhau thật chặt để mở rộng vòng xoang, uyển chuyển điệu xòe; chỉ có sự hòa quyện giữa các điệu chiêng của Tây Bắc và Tây Nguyên. Sáng mai đây, họ lại ra đồng, lại lên nương, lại bày dạy cho nhau những kinh nghiệm sản xuất của dân tộc mình, cùng nhau bảo vệ miền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc...

 

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.