Nguyên nhân chính là do tác động của dòng chảy, các phương tiện vận chuyển đường thủy tập trung nhiều và ảnh hưởng nạo vét lòng kênh.
Tại huyện Bến Lức, có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở lớn. Cụ thể, tại đê sông Bến Lức xã Thạnh Phú (đoạn từ kênh Phước Tú đến rạch Cây Trôm), sạt lở theo từng đoạn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng 300 hộ dân, phạm vi sạt lở từ 15 - 40m do ảnh hưởng của dòng chảy và triều cường.
Đê Nam Xáng Lớn ở xã Lương Hòa (đoạn từ ĐT 830 - Kênh 10 Kẽm đến chỗ giáp ranh với TP.HCM), sạt lở theo từng đoạn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng 600 hộ dân, phạm vi sạt lở từ 15 - 25m.
Sông Bến Lức xã An Thạnh (đoạn từ cầu An Thạnh đến Rạch Vịnh), chiều dài sạt lở khoảng 500m, ảnh hưởng khoảng 30 hộ dân, sạt lở lấn sâu đến tận nhà dân (làm nứt nhà dân), địa phương đã nhiều lần gia cố nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn.
Bờ kênh Xáng Lớn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của Cty TNHH SamRan tại ấp 5A, xã Lương Bình, có 3 đoạn đang trong tình trạng xói lở hàm ếch và có khả năng sạt lở tiếp tục trong thời gian tới, làm ảnh hưởng cuộc sống và sinh hoạt cho người dân xung quanh khu vực bên trong đường đi công cộng.
Trên địa bàn huyện Tân Trụ, tình hình sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng, xảy ra thường xuyên, sạt lở theo từng đoạn cặp bờ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Khu vực thường xuyên sạt lở tập trung chủ yếu ở các xã Đức Tân, Tân Phước Tây và Nhựt Ninh, mức độ sạt lở lấn sâu từ 1 - 3m, có chỗ sâu nhất tới 30m làm sập một số ao tôm, đất và đám dừa nước xuống sông.
Ở xã Nhựt Ninh, sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, đoạn từ xã Đức Tân đến cống Rạch Cá, chiều dài sạt lở khoảng 600m, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng từ 200 - 300 hộ. Trong đó có 2 đoạn sạt lở đến sát nhà dân và hiện nay đã được chính quyền xã vận động di dời khỏi khu vực sạt lở.
Ở xã Đức Tân, sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, đoạn từ bến đò Tham Nhiên đến Rạch Tham Nhiên, chiều dài sạt lở khoảng 700m, tổng số hộ dân sinh sống trong khu vực sạt lở từ 70 - 80 hộ, trong đó có khoảng 4 - 5 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Sạt lở gây một số thiệt hại các đầm tôm, ao cá nhưng không thiệt hại về nhà cửa. Sạt lở đoạn từ Cống Thôn Thành đến bến phà Tham Nhiên, chiều dài sạt lở khoảng 700 - 800m, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 5 - 7 hộ, chủ yếu sạt lở các đầm tôm, ao cá, không thiệt hại nhà cửa.
Ở xã Tân Phước Tây, sạt lở ven sông Vàm Cỏ Đông, đoạn bến đò Bến Bạ có khả năng sạt lở khoảng 45m, có 1 hộ dân sống vùng sạt lở, khi có triều cường tại vị trí này bị ngập úng nguy cơ sạt lở cao, người dân đã chủ động gia cố để tránh sạt lở.
Tại TP Tân An, có 2 khu vực sạt lở vẫn tiếp diễn. Sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây (khu vực Vịnh Đá Hàn thuộc ấp Đạo Thạnh, xã Hướng Thọ Phú), chiều dài sạt lở khoảng 300m, có khoảng 27 nhà dân nằm trong vùng nguy hiểm, do đất xoáy mòn dạng hàm ếch hướng vào trong tuyến đê Hướng Thọ Phú gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Khu vực ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, chiều dài sạt lở khoảng 500m, có 8 hộ dân sinh sống nằm cặp khu vực cống Rạch Chanh, do cửa cống mở nước chảy xiết đã xoáy mòn làm sạt lở đất các hộ dân đang sinh sống tại khu vực.
Trên địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, có 63 hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó có 58 trường hợp bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Hầu hết các hộ dân nơi đây sống bằng nghề buôn bán và dịch vụ, không có đất sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2012 đến nay, đã có 10 căn nhà ở đây bị sạt lở xuống sông, trong đó có đoạn sạt lở dài gần 300m. Ranh giới sạt lở khẩn cấp trên địa bàn xã Long Hậu như sau: Phạm vi có nguy cơ sạt lở khoảng 750m (đoạn từ cầu Rạch Dơi hướng về phía xã Phước Lại), trong đó đoạn từ cầu Rạch Dơi dọc theo sông Cần Giuộc, chiều dài sạt lở khoảng 350m có nguy cơ sạt lở khẩn cấp.