Chị Sơn Sà Ry ở ấp Kokô, xã Tân Hưng đang chăm sóc đàn bò, yên tâm phát triển mô hình này |
Theo ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú thì năm 2018, chỉ tiêu giảm nghèo của huyện từ 2,5% trở lên, còn đối với đồng bào dân tộc giảm từ 3 – 4%/năm. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, Long Phú đã thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm. Long Phú đã tạo điều kiện cho 2.713 người có việc làm, trong đó có 31 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tổ chức dạy nghề cho 670 lao động ở nông thôn.
Bí thư Huyện ủy Long Phú, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Để người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo bền vững, cách làm của Long Phú là cán bộ phải đi sát cơ sở, đến từng hộ gia đình để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, đời sống người dân, từ đó tìm cách hỗ trợ cho phù hợp, hướng dẫn bà con cách làm ăn, nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, khuyến khích thoát nghèo bền vững...” |
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, Long Phú đã phát vay cho 2.721 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ SX kinh doanh tại vùng khó khăn và xây dựng nhà ở với tổng số tiền trên 59,2 tỉ đồng; xây dựng và bàn giao được 237 căn nhà, sửa chữa hoàn thành 173 căn nhà theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Long Phú còn thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tu sửa 16 công trình, hỗ trợ phát triển SX đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, với tổng số vốn hỗ trợ trên 7,4 tỉ đồng. “Nhờ vậy cuối năm 2018, Long Phú có 1.042 hộ thoát nghèo và 714 hộ thoát cận nghèo. Hiện nay, Long Phú còn 2.630 hộ nghèo, giảm 3,68% so với cùng kỳ; hộ Khmer nghèo còn 1.125 hộ, giảm 4,95% so với cùng kỳ và hộ cận nghèo còn 2.371 hộ”, ông Nguyên nói.
Bà Thạch Thị Hạnh ở ấp Bưng Long (xã Long Phú), từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer, bà phát triển kinh tế gia đình |
Về ấp Nước Mặn 2 (xã Long Phú), chúng tôi ghé thăm gia đình ông Triệu Kha, một trong những hộ Khmer làm kinh tế hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ. Ông Kha bộc bạch: “Mấy năm trước, gia đình phải mướn ruộng, dù chăm chỉ làm cũng không đủ ăn. Hiện, ngoài khoản hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn sản xuất nên mạnh dạn mua bốn con heo về nuôi. Nhờ có vốn chăn nuôi, mỗi năm tôi bán được hai lứa heo, trừ chi phí, lãi hơn 20 triệu đồng. Có tiền rồi, tôi trả dần vốn vay ngân hàng và còn tích lũy mua được sáu công ruộng với mong muốn có điều kiện thuận lợi để cải thiện cuộc sống tốt hơn cho gia đình”.
Còn gia đình anh Thạch Suôl ở ấp Bưng Long, xã Long Phú từng thuộc diện hộ nghèo nhất, nay chăn nuôi được sáu con bò, các con được ăn học đàng hoàng, không còn cảnh chạy ăn từng bữa. Trong căn nhà mới, anh Suôl tâm sự: "Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, nhà cửa dột nát, được Nhà nước hỗ trợ, cho vay tiền lãi suất thấp, tôi mua hai con bò sinh sản và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách thức chăn nuôi, cách trồng cỏ cho bò ăn. Từ đó, tôi cố gắng vươn lên thoát nghèo. Hiện tôi đã trả hết nợ ngân hàng, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, gia đình lãi khoảng 70 triệu đồng".
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây xong, chị Sơn Sà Ry ở ấp Kokô (xã Tân Hưng) phấn khởi khoe: “Lúc mới ra ở riêng, hai vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ðược Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 18 triệu đồng để xây nhà ở. Năm trước, chính quyền địa phương còn hỗ trợ cho gia đình một con bò cái. Nay bò đẻ được một con, xem như tôi đã tích cóp được khoảng 25 triệu đồng. Giờ đây, vợ chồng tôi yên tâm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con đến nơi đến chốn”.