Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mực nước sông Cầu đã vượt qua mức báo động 3 khiến nhiều ngôi nhà ở TP. Thái Nguyên ngập sâu trong nước. Đây được coi là trận lũ lịch sử đối với người dân Thái Nguyên trong hơn 60 năm qua.
Do tình trạng ngập úng nghiêm trọng, lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên đã phải tạm thời cấm người, phương tiện đi qua các cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng, cầu Mỏ Bạch và một số khu vực bị ngập sâu, cấm người và phương tiện lưu thông như nhiều tuyến đường tại phường Quang Vinh, khu vực giao cắt giữa đường Hùng Vương và đường Phan Đình Phùng, đường vào chợ Túc Duyên và các khu vực nằm cạnh sông Cầu bị ngập úng…
Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.
Ghi nhận tình hình ngập lụt và công tác cứu hộ tại khu vực đường Dương Tự Minh (TP. Thái Nguyên) tối 10/9, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực, cố gắng, khẩn trương trong cuộc đua giải cứu người dân ra khỏi rốn lũ. Mưa đã tạnh nên công tác cứu hộ bớt khó khăn hơn. Thậm chí còn có nhiều người dân đưa thuyền từ Nghệ An ra Thái Nguyên để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, ghi nhận tại Trạm thủy văn Gia Bẩy vào lúc 19 giờ ngày 10/9, lũ đã đạt đỉnh và đang có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, hiện đang đạt mức 2.788cm, cao hơn 88cm so với Báo động 3. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ tiếp tục có xu thế giảm dần.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ phải di dời đến nơi an toàn; trên 200 ngôi nhà bị tốc mái; 44 điểm trường bị ngập, tốc mái; trên 3.000ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập; nhiều trang trại bị ngập, thiệt hại; 31 điểm bị sạt lở…
Ước sơ bộ tổng giá trị tài sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, do tình hình thiên tai, ngập lụt còn diễn biến phức tạp nên các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.