| Hotline: 0983.970.780

Lúa Bắc Thịnh 'ghi điểm' trên đất Quảng Nam

Thứ Hai 23/04/2018 , 09:50 (GMT+7)

Theo đánh giá của bà con nông dân, vụ ĐX vừa qua giống Bắc Thịnh sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao, đạt năng suất cao hơn khoảng 10 tạ/ha so với giống lúa mà trước đây người dân thường sử dụng.

Vừa qua, tại xã Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã diễn ra hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả của mô hình trình diễn giống lúa Bắc Thịnh do Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT, HTX Nông nghiệp Duy Thành thực hiện.

10-19-18_2
Mô hình trình diễn giống lúa Bắc Thịnh ở xã Duy Thành bước đầu cho hiệu quả tích cực

Mô hình nói trên được thực hiện trên diện tích 6ha tại cánh đồng thôn Thi Thại bước đầu đã mang lại những hiệu quả khả quan. Theo đánh giá của bà con nông dân, vụ ĐX vừa qua giống Bắc Thịnh sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao, đạt năng suất cao hơn khoảng 10 tạ/ha so với giống lúa mà trước đây người dân thường sử dụng.

Nông dân Lê Viết Lý (thôn Vân Quật, Duy Thành) cho biết, dù mô hình này mới được trình diễn ở xã Duy Thành nhưng ông đã biết đến giống lúa Bắc Thịnh và đưa vào sản xuất ở đồng ruộng của mình từ 3 năm nay trên cả vụ ĐX và HT. So với giống lúa đang sản xuất đại trà tại địa phương, thì giống Bắc Thịnh đã phát huy được rất nhiều ưu điểm.

“Có thể nói, giống Bắc Thịnh thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu, chất đất ở địa phương và cho năng suất bằng hoặc cao hơn các giống lúa mà nhiều người dân trong xã đang sử dụng. Dù thời tiết của 2 vụ ĐX và HT khác nhau nhưng năng suất của giống Bắc Thịnh trong 2 vụ này không có nhiều sự chênh lệch. Ngoài ra, dù gặp phải điều kiện thời tiết thế nào, hạt gạo vẫn luôn trắng sáng, cho cơm thơm ngon. Với những gì đã chứng kiến suốt 3 năm qua, thời gian tới tôi vẫn chọn giống này để đưa vào sản xuất”, ông Lý cho biết.

Qua thời gian theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của giống lúa Bắc Thịnh trong mô hình trình diễn và so sánh với giống đối chứng, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đánh giá, chỉ tiêu về sâu bệnh gây hại ở mức tương đương với giống đối chứng. Cây lúa chỉ xuất hiện bệnh khô vằn vào giai đoạn lúa đứng cái – làm đòng và bệnh đốm nâu xuất hiện vào giai đoạn lúa đứng trổ nhưng không bị ảnh hưởng nhiều.

Về hiệu quả kinh tế thì giống Bắc Thịnh đang tỏ ra lợi thế hơn giống khác. So với sản xuất lúa thuần trên cùng đồng đất thì chi phí đầu tư cho 1 sào Bắc Thịnh và lúa sản xuất đại trà không nhiều nhưng tổng thu của mô hình lúa Bắc Thịnh cao hơn lúa sản xuất đại trà 325.000 đồng/sào.

Về lãi ròng, mô hình trình diễn lúa Bắc Thịnh cao hơn lúa sản xuất đại trà 1,5 lần, chênh lệch so với sản xuất lúa đại trà 305.000 đồng/sào. Chung quy lại, với diện tích 1ha, lãi ròng mô hình Bắc Thịnh đạt trên 18 triệu đồng. Với người nông dân sản xuất lúa ở Quảng Nam thì đây là mức lãi rất có ý nghĩa.

Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam nhận định: “Đây là giống lúa có nhiều ưu điểm, đạt năng suất khá, ngon cơm. Tuy nhiên, để khẳng định được chính xác được hiệu quả, đề nghị phía Cty sớm hoàn thành các thủ tục để giống được công nhận chính thức ở khu vực.

10-19-18_1
Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đánh giá Bắc Thịnh có nhiều ưu điểm, năng suất khá, ngon cơm

Bên cạnh đó đơn vị sở hữu giống cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật, tiếp tục sản xuất thử trong vụ HT tới cũng như ở nhiều điểm khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và sản xuất có hợp đồng với người dân. Trên cơ sở những kết quả đạt được để đánh giá chính xác, từng bước đưa vào cơ cấu giống của tỉnh”.

Xem thêm
Vì đâu cơ sở giết mổ lớn phải 'đắp chiếu', hoạt động cầm hơi?

Cũng phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ nhưng nay ở Trung Quốc giết mổ không đăng ký là phạm pháp. TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin.

Phát hiện ổ dịch lở mồm long móng tại Thanh Hóa

Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 30 con lợn, tổng khối lượng hơn 600kg để ngăn chặn tình trạng lây lan dịch từ lợn bệnh sang lợn khỏe.

Làm nông nghiệp kiểu Quảng Tây: 'Nói chuyện' với cây trồng

QUẢNG NINH Với công nghệ thông minh, nông dân tại Quảng Tây (Trung Quốc) hoàn toàn có thể 'nói chuyện' với cây trồng để bắt bệnh.

Bình luận mới nhất