Kiên Giang vượt sản lượng
Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL, với trên 290.000 ha, lại là tỉnh ven biển nên nếu xâm nhập mặn không được kiểm soát tốt sẽ gây thiệt hại rất lớn. Bài học từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 đã giúp ngành nông nghiệp cũng như nông dân có những giải pháp hữu hiệu trong phòng chống hạn mặn.
TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, dựa trên tình hình dự báo, ngay từ cuối năm 2019 tỉnh đã triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020. Trong đó, đối với sản xuất nông nghiệp, xác định vùng bị ảnh hưởng nặng là ven biển từ TP Rạch Giá đến TP Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, Cái Bé và các huyện vùng U Minh Thượng.
Chi cục Thủy lợi đã vận hành hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn TP Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống) để ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương vùng ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới đập thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa ĐX 2019-2020 và tiếp tục phòng chống hạn, mặn cho vụ hè thu 2020 (tổng số gần 200 đập, trong đó có 3 đập bằng cừ thép Larsen ngăn các cửa sông lớn từ biển vào).
Theo TS Đỗ Minh Nhựt, nhận định năm nay sẽ xảy ra hạn mặn gay gắt, thiếu nước tưới vào cuối vụ nên khung thời vụ gieo sạ lúa đã được đẩy lên sớm nhất có thể. Toàn tỉnh gieo sạ được 289.051/290.000 ha lúa ĐX theo kế hoạch. Trong đó, khoảng 15.000 ha ở các huyện vùng U Minh Thượng, nơi lệ thuộc chủ yếu nguồn nước trời được gieo sạ sớm nhất, thu hoạch dứt điểm trong tháng 1/2020.
Khoảng 80.000 ha thuộc các huyện U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành thu hoạch trong tháng 2. Diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3/2020.
Theo báo cáo đến ngày 5/3, toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch được 156.825 ha lúa ĐX, năng suất bình quân ước đạt 7,29 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 1,1 triệu tấn lúa hàng hóa.
“Nhờ chủ động triển khai đồng bộ cả giải pháp công trình và phi công trình, công tác phòng chống hạn mặn đạt hiệu quả nên năm nay lúa ĐX có bị thiệt hại nhưng ở mức đột rất thấp. Lúa sâu bệnh ít, trúng mùa, năng suất cao, như: Tân Hiệp trung bình đạt 8 tấn/ha, Giồng Riềng 7,8 tấn, các huyện khác là Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Gò Quao đều đạt từ 7 tấn/ha trở lên.
Kế hoạch của ngành đề ra là đạt 7,02 tấn/ha nhưng thực tế đạt 7,29 tấn/ha, phần nào đã bù đắp diện tích bị thiệt hại và tổng sản lượng thu hoạch ước sẽ vượt con số 2,027 triệu tấn kế hoạch”, TS Đỗ Minh Nhựt nhận định.
An Giang thắng lợi kép
Tại An Giang, vụ lúa ĐX 2019-2020 toàn tỉnh sản xuất 234.000 ha, đến nay đã thu hoạch gần 70% diện tích. Tuy thu hoạch muộn hơn so với Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ… nhưng nông dân nơi đây đang rất phấn khởi vì lúa trúng mùa, bán giá cao.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc NN-PTNT An Giang cho biết: vụ ĐX 2019-2020, các vùng SX lúa tại An Giang đã thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với 21 DN lương thực, diện tích gần 28.300 ha. Đến nay, đã có 9 DN thực hiện thu mua với diện tích 1.578 ha, sản lượng 12.306 tấn (đạt 6,21% kế hoạch).
Hiện các vùng có hợp đồng liên kết tại An Giang cũng đã triển khai thu mua được khoảng 20% diện tích ký hợp đồng, với giá thỏa thuận giữa DN và nông dân. Bình quân 1 ha nông dân đạt năng suất trung bình từ 6,8-8 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí còn lãi từ 24 – 32 triệu đồng/ha (tùy theo giống lúa, ruộng trúng thất).
Theo ông Lâm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong điều kiện rất khó khăn như dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, về thị trường, giá lúa không ổn định. Tình hình hạn hán, lũ lụt, sạt lở diễn biến phức tạp. Thế nhưng vụ lúa ĐX năm nay có thể khẳng định hoàn toàn thắng lợi cả 2 mặt về năng suất và giá bán.
Để thắng lợi vụ lúa ĐX năm nay, ngành nông nghiệp đã linh hoạt thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất lúa sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao, một phần tăng vụ đối với một số loại cây màu đang có thị trường. Chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất nhằm có kế hoạch, giải pháp kịp thời với những diễn biến ảnh hưởng đến sản xuất.
Căn cứ dự báo thời tiết kết hợp với tình hình thực tế ở địa phương từ đó đề ra lịch xuống giống và các giải pháp cụ thể cho sản xuất lúa năm 2020.
Các tiêu chí được đặt ra: trên 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, sạ lúa theo hàng, giảm mật độ sạ, giảm bón lượng phân đạm dư thừa, giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu...
Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa như: phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Sóc Trăng, Cần Thơ trúng mùa lớn
Lúa ĐX đang vào mùa thu hoạch rộ, nông dân cho biết: Lúa tươi bắt đầu tăng giá nhẹ 100-200 đ/kg so với tuần trước. Ở vùng phù sa ngọt quanh TP Cần Thơ và vùng ven biển Sóc Trăng nhiều cánh đồng lúa đã thu hoạch xong.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, nhận định: Đây là vụ lúa nông dân rất phấn khởi, lúa trúng năng suất cao nhất, lúa tươi đạt bình quân 7,2 tấn/ha, vượt cao hơn hẳn mức năng suất trung bình trên 5-6 tấn/ha trong vòng 5 năm trước đây.
Với trên 79.200 ha, sản lượng lúa ĐX Cần Thơ có trên 570.000 tấn. Đó là do nông dân các địa phương áp dụng đúng lịch thời vụ, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh dịch hại ít. Các DN, HTX, thương lái thu mua lúa từ ngoài đồng đến kho trữ. Giá lúa tươi tiêu thụ trên mức 5.000 - 5.400 đ/kg, tùy theo giống lúa và chất lượng.
Từ Cần Thơ về vùng Nam sông Hậu tỉnh Sóc Trăng, nông dân canh tác lúa cho biết có sự chuyển đổi và đón nhận hiệu quả bất ngờ. Trên nhiều cánh đồng lúa sớm vùng ven biển trúng mùa, đạt năng suất cao nhờ vào vụ sớm.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục Trồng trọt – BVTV Sóc Trăng, cho biết: Tổng diện tích xuống giống lúa ĐX hơn 180.000 ha.
Đến nay diện tích lúa ĐX sớm, ĐX chính vụ thu hoạch trên 110.000 ha, năng suất bình quân trên 6,5 tấn/ha, cao hơn vụ ĐX năm trước 200-300 kg/ha. Đạt kết quả trên là do có sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT điều chỉnh lịch thời vụ né tránh hạn, mặn đầu vụ. Với hơn 37.000 ha lúa ĐX vùng ven biển ở các huyện Long Phú, Trần Đề gieo sạ sớm 10-15 ngày.
Đến nay, toàn bộ lúa khu vực này đã thu hoạch xong, xem như thắng lợi bước đầu. Và cho dù tỉnh Sóc Trăng giảm 20.000 ha lúa ĐX muộn, không cho xuống giống vì sợ khô hạn, thiếu nước nhưng sản lượng lúa ĐX đạt được ấn tượng với gần 1,2 triệu tấn.
Mặt khác, Sóc Trăng đang chuyển đổi cơ cấu canh tác lúa theo hướng nâng dần tỷ trọng lúa thơm đặc sản chiếm trên 51%. Trong đó nhóm giống lúa ST, lúa Tài Nguyên có gần 17.000 ha, năng bình quân đạt 5,5-6 tấn/ha.
Đặc biệt nông dân bán lúa thơm đặc sản được giá 7.000-7.400 đ/kg (lúa tươi), mức cao nhất so với các giống lúa khác.
Bên cạnh đó, các giống lúa thơm chất lượng cao như OM5451, OM6976, Đài Thơm 8… chiếm cơ cấu trên 43%, đang có ưu thế nhờ tiêu thụ được giá cao hơn so với các giống lúa phẩm chất gạo trung bình như IR50404, OM576, hiện giảm còn 2,1% diện tích.
Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh tế TX Ngã Năm (Sóc Trăng), cho biết: Vùng này hiện có 5.000 ha lúa ST24 có DN bao tiêu. Riêng lúa OM4900, Đài Thơm 8 giá lúa tươi luôn trên mức 5.200 đ/kg.
Lúa dồi dào, xuất khẩu tốt
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, từ đầu năm đến cuối tháng 2, các DN trên địa bàn các khu công nghiệp xay xát tập trung đã thu mua chế biến với lượng hàng lưu kho khoảng trên 51.200 tấn lúa và 14.600 tấn gạo.
Bên cạnh đó, các DN ngoài địa bàn có kho thu mua đặt tại thành phố đã thu mua đạt 25.000 tấn lúa và gần 2.900 tấn gạo. Riêng trong 2 tháng đầu năm gạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, ước thực hiện đạt trên 140.000 ngàn tấn, tăng hơn 6% so với cung kỳ 2019, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 64 triệu USD, tăng trên 8,8 % so với cùng kỳ.
Các DN hàng đầu tăng nhịp độ hoạt động SX và ký kết hợp đồng, tiến độ giao hàng nhanh hơn dối với các đối tác đã ký kết từ đầu năm, xuất khẩu sang thị trường các nước Philippines, Malaysia, Singapore, Úc, Đức, Ả Rập...