| Hotline: 0983.970.780

Luân canh tôm - lúa là hình mẫu về sản xuất thuận thiên vùng ven biển

Thứ Ba 17/05/2022 , 07:38 (GMT+7)

Luân canh tôm - lúa là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và là hình mẫu về sản xuất thuận thiên vùng ven biển ĐBSCL.

Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sáng 16/5, tại huyện An Biên (Kiên Giang), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tới dự và chủ trì diễn đàn.

Hơn 20 năm con tôm từ biển vào đồng

Mô hình đưa con tôm từ biển vào nuôi trên ruộng lúa (luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa) ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL xuất hiện cách hàng chục năm. Từ năm 2000, khi Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả (sản xuất lúa, sản xuất muối, vùng đầm lầy ven biển) sang nuôi tôm. Giai đoạn 2000 - 2005, tổng diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản là 310.814ha, trong đó từ đất trồng lúa là 297.187ha.

Diện tích sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL ngày càng tăng nhanh do thích ứng tốt với biến đổi khi hậu và mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hoàng Vũ.

Diện tích sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL ngày càng tăng nhanh do thích ứng tốt với biến đổi khi hậu và mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), mô hình luân canh tôm - lúa phát triển rất nhanh, khởi đầu với phương thức quảng canh truyền thống và sau đó chuyển sang phương thức nuôi quảng canh cải tiến. Nếu như năm 2015, diện tích nuôi tôm - lúa vùng ĐBSCL đạt 176.000ha thì đến năm 2021 đã tăng lên 207.768ha, sản lượng tôm nuôi đạt 128.752 tấn.

Thời gian qua, nhà nước và các tổ chức nghiên cứu hỗ trợ phát triển đã nhận định đúng lợi thế, thách thức để thực hiện một số chương trình, dự án phát triển mô hình tôm - lúa vùng ĐBSCL. Từ đó, đã tạo ra một số mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở vùng bán đảo Cà Mau, gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

ĐBSCL với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm lúa có diện tích khá lớn, hiệu quả kinh tế cao, trung bình đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Kỹ thuật canh tác luân canh tôm - lúa đa dạng, khác nhau giữa các địa phương. Mô hình nuôi tôm - lúa quảng canh truyền thống được áp dụng phổ biến ở Cà Mau và Bạc Liêu, nuôi với mật độ thưa 2 - 5 con/m2, thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, năng suất khoảng 200 - 300 kg/ha. Nuôi tôm - lúa quảng canh cải tiến áp dụng nhiều ở Kiên Giang và Sóc Trăng, mật độ nuôi 5 - 10 con/m2, có bổ sung thức ăn công nghiệp, năng suất đạt 400 - 600 kg/ha.

Sản xuất lấp lại vụ lúa vào những tháng mùa mưa, với các giống trồng phổ biến là ST, Một Bụi Đỏ, OM2017, OM5451… năng suất đạt 5 - 6 tấn/ha. Trong vụ nuôi tôm, nông dân còn nuôi xen ghép thêm cua biển, cá nước mặn - lợ, vụ lúa thì thả xen thêm tôm càng xanh, cá nước ngọt để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng khẳng định, phát triển nuôi tôm là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Mặc dù nuôi tôm chỉ chiếm 5% diện tích nuôi thủy sản của tỉnh nhưng chiếm tới 30% về sản lượng. Trong 10 năm (2010 - 2020), diện tích tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 6,67%, từ gần 65.000ha lên trên 102.500ha và kế hoạch năm 2022 tăng diện tích lên 107.000ha.

“Nông dân cũng đã nhanh chóng chuyển đổi tư duy từ tập trung sản xuất lúa sang phát triển kinh tế da dạng. Không chỉ nuôi xen các loại tôm sú, thẻ chân trắng, càng xanh mà còn kết hợp với cua biển, sò… Trồng lúa thơm chất lượng cao và đạt chuẩn hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị, tăng thu nhập”, ông Dũng cho biết.

Phát triển mô hình tôm - lúa bền vững

Để góp phần cải thiện năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của mô hình luân canh tôm - lúa, cần chú trọng quan tâm đến kỹ thuật nuôi, như: chọn giống chất lượng và được ương trước khi thả ra ruộng nuôi, tỷ lệ mương nước/vuông nuôi, độ sâu mực nước trên trảng vuông nuôi phải phù hợp. Đảm bảo về mật độ cũng như số lần thả nuôi/vụ, thay nước có kiểm soát, quản lý tốt môi trường nuôi, nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ…

Các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, kinh doanh lúa gạo đã ký kết chương trình hợp tác với vơi các địa phương về sản xuất và tiêu thụ các phẩm phẩm từ mô hình tôm - lúa. Ảnh: Hoàng Vũ.

Các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, kinh doanh lúa gạo đã ký kết chương trình hợp tác với vơi các địa phương về sản xuất và tiêu thụ các phẩm phẩm từ mô hình tôm - lúa. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai các biện pháp cụ thể, xây dựng mô hình khuyến nông. Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn, luân canh và xen canh tôm - lúa, chia thành 2 - 3 lần thả giống giúp tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và sức khỏe tôm nuôi, tích hợp đa giá trị theo chuỗi giá trị, nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh và nâng cao giá trị sản phẩm cả tôm và lúa.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung nghiên cứu, phát triển mô hình tôm - lúa bền vững vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 và đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu đã kiến nghị cần tập trung đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi phục vụ cho sản xuất tôm - lúa, đặc biệt là ở các vùng được xác định trọng điểm cần nhân rộng. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần thiết kế lại hạ tầng của vuông nuôi theo hình thức liền kề, xem như mỗi hộ là một ô thủy lợi khép kín, nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi, đảm bảo ổn định các yếu tố môi trường nước trong thời gian nuôi, giúp cho công tác sản xuất hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, để mô hình tôm - lúa thành công và bền vững, cần tổ chức lại sản xuất, thu hoạch chế biến và thương mại hóa. Trong đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, xác định ranh giới diện tích nuôi tôm - lúa vùng ven biển vào đến đâu, ở những khu vực cụ thể nào. Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chủ động điều tiết nguồn nước, vì sản xuất tôm - lúa cần có cả nước mặn và nước ngọt.

Tại diễn đàn, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, kinh doanh lúa gạo đã ký kết chương trình hợp tác với các địa phương về xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tôm - lúa, ký với các hợp tác xã về sản xuất và tiêu thụ các phẩm phẩm từ mô hình tôm - lúa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao việc chuyển đổi sản xuất tôm - lúa ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là mô hình thích ứng tốt với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Diện tích chuyển đổi sang mô hình sản xuất tôm - lúa ở ĐBSCL tăng nhanh trong thời gian qua và giá trị sản xuất hiện đạt hơn 100 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập tốt cho nông dân vùng ven biển.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì và phát biểu chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì và phát biểu chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để sản xuất tôm - lúa bền vững, hiệu quả, ngoài việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật thì cần phải tổ chức liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Các địa phương trong vùng cần liên kết tạo vùng nguyên liệu lớn liên tỉnh, gắn với cánh đồng lớn. Cùng nhau xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch vùng ĐBSCL, chứ không làm riêng lẻ từng địa phương.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm