Vụ lúa trên đất tôm năm 2021, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống được hơn 38.000ha, chủ yếu là các giống ST24, ST25, một bụi đỏ….
Mô hình tôm lúa tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Mô hình này được nông dân luân phiên thả tôm sú, sản xuất lúa kết hợp thả tôm càng xanh.
Trong đó, mô hình tôm lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chủ yếu tập trung tại hai huyện Phước Long (13.677ha) và huyện Hồng Dân (24.770 ha). Trong đó, ngoài các giống lúa chủ lực đã sử dụng trước đây như ST24, ST25, Một bụi đỏ, Đài Thơm 8, OM18, OM5451, thì vụ lúa mùa năm nay hai huyện còn thử nghiệm những giống lúa mới như: Giống lúa tím, CXT30, BLR413… nhằm thích ứng với điều kiện BĐKH của địa phương.
Theo kế hoạch vụ nuôi tôm từ tháng 1 - 4 hàng năm, nông dân thả tôm sú, đến tháng 9 thì sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Mỗi năm thu hoạch một vụ tôm sú, một vụ lúa và tôm càng xanh, tổng thu từ 120 - 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận 90 triệu/ha/năm.
Với mô hình tôm lúa, hình thức nuôi vụ tôm chủ yếu là thu tỉa thả bù (vụ tôm thả từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 - 1,5 tháng, mật độ thả từ 2 - 3 con/m2).
Điều đáng nói, tôm lúa là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, ít rủi ro, phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, giúp lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.