Luật sư tranh luận không được Viện Kiểm sát trả lời
Sáng nay (23/9), phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư về quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát.
Các luật sư bào chữa cho thân chủ Nguyễn Xuân Sơn không phục khi Viện Kiểm sát đề nghị án tử cho bị cáo. |
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn nói rằng: "Ngày 14/9, sau khi nghe lời luận tội của Viện kiểm sát, chúng tôi nhận định Viện Kiểm sát không chứng minh tội mà chỉ suy đoán theo tư duy áp đặt, bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn, vi phạm nguyên tắc tư duy logic. Chúng tôi đã trình bày từng điểm một để phản biện lại các ý kiến nhưng Viện Kiểm sát không hề đối đáp trở lại. Chúng tôi buồn về tinh thần cải cách tư pháp diễn ra trong phiên tòa ngày hôm nay".
Theo luật sư, đây là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định số phận pháp lý và số phận Nguyễn Xuân Sơn và để tránh oan sai.
Các hành vi này của bị cáo cùng tính chất, cùng dòng chảy đồng tiền, cùng đối tượng nhưng Viện Kiểm sát đã tách hành vi của Sơn ra để quy buộc chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN và 197 tỷ đồng của Oceanbank. Căn cứ pháp lý nào để Viện Kiểm sát tách buộc hành vi của Nguyễn Xuân Sơn như vậy?
Nguyễn Xuân Sơn đã khai rõ không chiếm đoạt tiền mà chỉ giúp Thắm chi chăm sóc khách hàng, Thắm đã tin vào tư cách của Sơn và xác nhận Sơn không chiếm đoạt tiền của mình.
Thắm cũng đã kiểm tra và thấy rằng việc nhờ Sơn chăm sóc khách hàng đã đem lại hiệu quả. Lời khai này của Thắm là chứng cứ chứng minh cho Nguyễn Xuân Sơn. Một người bỏ tiền ra, cổ đông lớn nhất xác định Sơn không chiếm đoạt và đã có biện pháp kiểm tra Nguyễn Xuân Sơn, vì vậy luật sư dùng nó làm tài liệu chứng cứ để chứng minh tính xác thực trong lời khai của Nguyễn Xuân Sơn.
Cơ sở pháp lý nào để số tiền 20 tỷ đồng được trừ vào 197 tỷ mà không phải là từ số 49 tỷ bị cáo buộc tham ô? Số tiền 69 tỷ quy buộc Sơn chiếm đoạt là chiếm đoạt của ai? Oceanbank hay BSC? Trong khi chủ thể lại không có ý kiến gì. Khi đối đáp về tội tham ô, Viện kiểm sát vẫn không chứng minh mà chỉ suy đoán vì Sơn là người đại diện của PVN nên phải chịu trách nhiệm về số tiền của PVN tại Oceanbank.
“Theo tôi, không có căn cứ để nói Nguyễn Xuân Sơn phạm tội Tham ô và Lạm dụng chức vụ. Đề nghị Viện kiểm sát cho biết Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 197 tỷ của Oceanbank bằng phương thức và thủ thuật nào?. Trước đó, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến nói bằng tâm can của mình, lấy đi nước mắt của các bị cáo khác. Tại sao? Vì nỗi đau chung của bao người. Chúng tôi mong có sự phán xét công bằng đối với Nguyễn Xuân Sơn." - luật sư Tâm nói.
Luật sư Phạm Danh Tín - bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cũng nêu quan điểm không tán thành nhiều vấn đề mà Viện kiểm sát buộc tội Nguyễn Xuân Sơn.
Trong 246 tỷ đồng mà PVN chiếm 20% vốn điều lệ nên Nguyễn Xuân Sơn phải trả PVN 49 tỷ đồng. Tại sao 80% cổ đông còn lại không có gì cả, có bình đẳng không? Sự bình đẳng ở đây chưa được xem xét, đề nghị Viện Kiểm sát xem xét. Tham ô tài sản là sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý.
Luật sư cho rằng: Nguyễn Xuân Sơn không phải là đại diện PVN góp vốn?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương cũng cho rằng: Chúng tôi đặt một số câu hỏi đề nghị Viện Kiểm sát trả lời nhưng không được. Viện Kiểm sát có hay không tài liệu khi cho rằng Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp nên Sơn là chủ thể hành vi. Một lần nữa, luật sư chứng minh bị cáo Sơn không là người đại diện phần vốn góp.
Luật sư Tâm và các đồng sự tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tỏ ra thất vọng với quan điểm của Viện Kiểm sát khi luận tội bị cáo Sơn. |
Công văn giới thiệu đề nghị Nguyễn Xuân Sơn làm Phó Chủ tịch sai thẩm quyền nên không có giá trị, OceanBank chưa từng có sự đồng ý, PVN không có quyết định chính thức.
Về việc cơ quan tố tụng cho rằng, trong khoảng thời gian 4 tháng, Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện vốn góp thì không có văn bản nào nhận chỉ đạo từ PVN.
Báo cáo OceanBank gửi về PVN không có chữ ký của người đại diện vốn góp và chỉ có chữ ký của Tổng Giám đốc. Người của PVN sẽ phải được hưởng lương người đại diện vốn nhưng Sơn không có.
Hà Văn Thắm đã khẳng định điều này tại phiên tòa và cho biết đây chỉ là khoảng thời gian quá độ chuyển giao giữa ông Nguyễn Ngọc Sự và bà Vũ Thị Thanh Hương. "Tại sao lại nắm tóc kẻ trọc đầu khi Nguyễn Xuân Sơn không phải người đại diện vốn góp. Tại sao không chấp nhận lời khai có lợi cho bị cáo" - luật sư Phương nói.
Nhiều câu hỏi về khoản tiền 246 tỷ cho rằng Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt chưa được Viện Kiểm sát trả lời. Cơ quan Thuế, kiểm toán có sai hay không khi các khoản chi nếu không ghi nhận sẽ tăng hơn nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Thực chất đây là khoản tiền cộng gộp trong 4 năm trong chi phí kinh doanh của ngân hàng. Các luật sư đã đề nghị Viện Kiểm sát đưa ra sự khác nhau giữa khoản tiền 69 tỷ đồng trực tiếp chi và 246 tỷ đồng chi qua trung gian nhưng không được Viện Kiểm sát trả lời.