| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/06/2015 , 09:50 (GMT+7)

09:50 - 09/06/2015

Luật Tố tụng lại nóng

Cuộc thảo luận về luật Tố tụng Hành chính sửa đổi tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII này, đã thu hút được sự quan tâm, nhất là của giới chuyên gia và luật sư, trong xã hội.

Khởi kiện hành chính là việc một người dân hoặc doanh nghiệp, tổ chức khởi kiện một quyết định hành chính hay hành vi hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan chức năng ban hành, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong những vụ kiện này, bị đơn thường là UBND cấp huyện, UBND tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhìn bề ngoài, đây là những vụ kiện hết sức bình thường. Nhưng sự thực, sự bất bình đẳng đã xảy ra ngay từ khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện. Bởi bị đơn là những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như UBND huyện, UBND tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương, mà đại diện theo pháp luật là ông chủ tịch, có uy thế tuyệt đối trong địa phương mình phụ trách, trong khi nguyên đơn chỉ là người dân thường.

Cũng nhìn bề ngoài, thì ông chánh án TAND cấp huyện, cấp tỉnh hay cấp thành phố trực thuộc Trung ương với ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương là độc lập, vì đều được HĐND bầu. Các thẩm phán và hội thẩm nhân dân cũng được giao quyền “Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” khi ngồi xử.

Nhưng oái oăm ở chỗ, ông chánh án thường chỉ là huyện ủy viên, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, còn ông chủ tịch bao giờ cũng là phó bí thư huyện ủy, phó bí thư tỉnh ủy hay phó bí thư thành ủy. Ở cương vị ấy, họ chỉ cần khẽ lừ mắt một cái là chánh án đã “run như dẽ” rồi.

Còn thẩm phán cũng đều là đảng viên, là cấp dưới rất xa của đại diện theo pháp luật của bị đơn. Xử những vụ kiện ấy, họ bị đặt vào cái thế “quan bé xử quan lớn”. Hay nói như cách nói của dân gian là “con xử bố”. Trong hoàn cảnh đó, liệu họ có đủ tính “độc lập” hay tinh thần “khách quan, thượng tôn pháp luật” để xét xử không?

Với chức năng của một nhà báo, người viết bài này đã hàng chục lần có mặt tại các phiên tòa xử các vụ kiện hành chính.

Và nhiều lần đã được nguyên đơn thổ lộ: trước phiên xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã nói với họ rằng “em biết là bác đúng. Nhưng em không thể xử khác được. Mong bác thông cảm”. Họ đến tòa là để nhận những thất bại “đã được báo trước”.

Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao nguyên đơn thắng kiện trong những vụ kiện loại này cực kỳ hiếm. Trong cả chục năm trời mới có một vài vụ.

Trước thực trạng ấy, những ý kiến đề xuất của đại biểu như cần thành lập các tòa án khu vực để xét xử các vụ kiện hành chính.

Giành quyền xét xử sơ thẩm các vụ kiện hành chính có bị đơn là UBND cấp huyện cho tòa án nhân dân cấp tỉnh. Cho phép công dân ở huyện này có thể khởi kiện UBND huyện mình tại tòa án nhân dân huyện khác. Công dân tỉnh này có thể khởi kiện UBND tỉnh mình tại tòa án nhân dân tỉnh khác… là rất đáng quan tâm.

Vì chỉ có làm như vậy, thì các thẩm phán và hội thẩm nhân dân mới thoát được cái bóng đầy uy quyền trên đầu mình, để phát huy tính độc lập và thượng tôn pháp luật. Và những “con kiến” mới có hy vọng thắng được “củ khoai” trong các vụ kiện hành chính.