Nhà vườn tất bật vào vụ
Đến Lục Ngạn những ngày này là tràn ngập các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch. Các nhà vườn đang tất bật chuẩn bị nhân lực, vật lực để thu hoạch sản phẩm.
Vùng cây ăn quả Lục Ngạn đang bước vào vụ thu hoạch cây có múi với sản lượng ước khoảng 40 nghìn tấn |
Chị Bùi Thị Thắm ở thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải chia sẻ, nhiều ngày nay gia đình gấp rút cắt, tỉa cành, chăm bón cây để vườn quả chín rộ đúng thời điểm được giá như hiện nay. Hiện vườn cam, bưởi của chị quả đã lúc lỉu, vàng rực, thu hút nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Không chỉ tham gia trưng bày sản phẩm, thi chất lượng trái cây tại Ngày hội trái cây Lục Ngạn đang diễn ra từ 24/11 đến hết 27/11, năm nay gia đình chị Thắm còn được Ban tổ chức (BTC) ngày hội lựa chọn là một trong những hộ có vườn cây ăn quả tiêu biểu, đón các đoàn khách đến tham quan.
Cách gia đình chị Thắm không xa, gia đình anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải cũng tất bật chuẩn bị thu hoạch cam. Năm nay, gia đình có hơn 10ha cây ăn quả được chăm sóc chu đáo, sản lượng ước đạt hơn 100 tấn.
Anh Hữu cho biết mục tiêu của mình và những nhà vườn trong vùng là trái cây Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng hơn, chất lượng hơn, sạch hơn để nhiều người biết đến trái ngon, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu.
Với diện tích trên 1.000km2, dân số trên 22 vạn người của 8 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49% đã tạo cho Lục Ngạn những nét đặc trưng, sự phong phú và đan xen về văn hóa.
Lục Ngạn được biết đến là vùng cây ăn quả đa dạng, bốn mùa cho trái ngọt, thơm ngon nổi tiếng của cả nước với trên 26 nghìn ha, là vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc nước ta.
Trong đó, vải thiều là cây chủ lực, làm nên thương hiệu, uy tín, niềm tự hào của người dân Lục Ngạn với diện tích trên 15 nghìn ha, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 100 nghìn tấn, đã xuất khẩu sang 32 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Pháp, Nga, Australia, EU, Nhật Bản..
Thực tế cho thấy, nhiều loại trái cây trồng tại Lục Ngạn cho chất lượng thơm ngon hơn nơi khởi sinh ra nó. Theo thống kê của UBND huyện, hằng năm, sản lượng cây có múi đạt khoảng 30 nghìn tấn và sẽ còn tăng lên nhiều trong các năm tiếp theo. Năm 2017 này, dự kiến doanh thu từ các loại cây có múi sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, đó là chưa kể đến doanh thu từ các dịch vụ và ngành nghề phụ trợ. |
Ngoài vải thiều, Lục Ngạn đã và đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn với các loại cây có múi như cam, bưởi…
Hướng đến vùng trái cây sạch
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Dương Thanh Bình, cho biết, để có vùng trái cây và các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng, ngoài thiên nhiên ưu đãi cho Lục Ngạn tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao, còn có sự cần cù, thông minh, ham học hỏi, có trách nhiệm của người dân nơi đây.
Cùng với chính sách phát triển phù hợp của tỉnh, huyện trong xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân Lục Ngạn cũng đang từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT, quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng phù hợp thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… để hướng đến việc đưa Lục Ngạn thành vùng trái cây an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, “nhờ phát triển cây ăn quả, hằng năm nông dân Lục Ngạn thu nhập từ trồng cây ăn quả hơn 3.000 tỷ đồng. Qua đó đã tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng NTM với nét đặc trưng riêng có của Lục Ngạn”, ông Bình nói.
UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lục Ngạn xác định việc quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân sự đặc sắc, phong phú, đa dạng các loại trái cây chất lượng cao của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng là việc làm thường xuyên và quan trọng.
Do đó, hằng năm, Ngày hội trái cây được tổ chức tại huyện Lục Ngạn nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu trái cây Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung. Ngoài ra, tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”.
Lục Ngạn đang hướng đến vùng sản xuất trái cây sạch |
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng thu hút du khách để phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, của huyện theo hướng bền vững; giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách ưu đãi của tỉnh Bắc Giang và các huyện, TP trong tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong ngày hội trái cây năm nay, 100% sản phẩm trưng bày được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận sản xuất vải thiều đã áp dụng theo quy trình VietGAP được cấp cho hơn 3.000 hộ, với diện tích 1.700ha ở 110 thôn của 14 xã...
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác định nông nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có việc phát triển sản xuất nông sản sạch, phấn đấu thành vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn thứ 3 cả nước. Trong đó, Lục Ngạn được tỉnh định hướng là vùng tập trung trong phát triển cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.
“Bắc Giang mời gọi, chào đón và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, trong đó đặc biệt là phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây nói riêng và nông sản nói chung”, ông Thái cho hay.
Ngày hội trái cây Lục Ngạn được khai mạc từ chiều 24/11 và kéo dài đến hết 27/11. Ngày hội quy tụ hơn 100 gian hàng, trong đó 60 gian là của huyện Lục Ngạn trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện như bưởi da xanh, cam lòng vàng, mật ong, phấn hoa, mỳ Chũ...; còn lại là các gian hàng của các huyện khác trong tỉnh Bắc Giang và doanh nghiệp. Ban Tổ chức Ngày hội Trái cây huyện Lục Ngạn năm 2017 ước tính có khoảng 50.000 khách tới dự Ngày hội và tham quan các gian trưng bày, các nhà vườn trên địa bàn. |