Sự việc trở nên nghiêm trọng khi nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã phải đến tận nơi để đòi tiền bản quyền các ca khúc biểu diễn ngay trước khi buổi biểu diễn bắt đầu.
Đòi nợ tác quyền
Theo đại diện VCPMC, từ năm 2009, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy thác cho VCPMC việc bảo vệ quyền các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ngay khi biết có đêm diễn của Khánh Ly (chủ yếu sử dụng các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), VCPMC đã gửi công văn cho đơn vị tổ chức là Cty TNHH Đồng Dao và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (đơn vị đồng tổ chức) yêu cầu thực thi nghĩa vụ đối với các tác phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, phía đơn vị tổ chức không phản hồi.
Đến ngày 1/8, đơn vị tổ chức mới cử đại diện đến làm việc với VCPMC. Tuy nhiên, họ lại chủ động đưa ra mức giá 1,5 triệu đồng/tác phẩm/lần biểu diễn. Nhưng VCPMC yêu cầu đơn vị tổ chức phải đóng theo biểu giá đã được ban hành của Trung tâm (biểu giá này được tính dựa trên những quy định của pháp luật và các thông tư hướng dẫn về quyền tác giả, công khai trên website của VCPMC).
“Theo Nghị định 61 của Chính phủ, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích khoảng 15% tới 21% doanh thu của buổi diễn để trả cho tất cả tác giả, trong đó, nhạc sĩ chiếm 10%. Nếu đúng luật, chúng tôi đặt giả định là chỉ bán được 75% số vé, phần còn lại là ghế trống hoặc vé mời và chỉ thu 5% trong số đó. Cụ thể hơn, theo cách tính của VCPMC theo quy định hiện hành có ghi rõ trong điểm 2.2, điều II, thì đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc trong rạp hoặc nhà hát phải trích 5% x (75% số lượng ghế x bình quân giá vé) để trả tiền bản quyền tác phẩm của tác giả. Nếu tại các tụ điểm ca nhạc hoặc sân khấu ngoài trời thì trích 5% x (60% số lượng ghế x bình quân giá vé). Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn làm như vậy ở thị trường âm nhạc phía Nam. Còn với riêng khu vực phía Bắc, chúng tôi chỉ thu 5% trên 65% số vé. Chúng tôi muốn làm điều này dần để các đơn vị tổ chức làm quen với luật pháp", nhạc sĩ Phó Đức Phương. |
Đơn vị tổ chức không đồng ý với các yêu cầu trên và cũng không có bất cứ câu trả lời nào cho đến sát giờ biểu diễn.
Trước giờ live show Khánh Ly diễn ra vào tối 2/8, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã tới tận nơi biểu diễn để làm việc với Ban tổ chức.
Sau khi làm việc với đơn vị tổ chức, cụ thể là Cty TNHH Giải trí Đồng Dao, VCPMC đã đồng ý tạo điều kiện và chỉ yêu cầu đơn vị tổ chức trả tiền sử dụng tác phẩm là 5% trên tổng số 40% vé bán (khoảng 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế) cho đêm nhạc này.
Giải thích về hành động của mình, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Người nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy thác về vấn đề bản quyền tác phẩm cho chúng tôi nên chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ đến cùng. Khi có vi phạm xảy ra, chúng tôi buộc phải có những hành động cứng rắn”.
Chưa hợp lý?
Theo đại diện của BTC chương trình, live show “Khanh Ly in Ha Noi” đến sát thời điểm biểu diễn chỉ bán được 30% trong tổng số vé phát hành.
BTC muốn đợi đến cuối buổi biểu diễn sẽ tổng kết lại số vé bán được, lúc đó BTC sẽ làm việc với phía VCPMC.
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (đơn vị đồng tổ chức live show) cho biết, trước đó phía VCPMC đòi quyền tác giả tính theo kiểu % doanh thu là rất vô lý.
Số tiền tác quyền lên đến 268 triệu đồng/20 bài hát là con số quá nhiều.
Số tiền này là chưa hợp lý bởi vé bán nhiều khi không đạt được 75%, thậm chí nhiều chương trình đơn vị tổ chức ghi vé cao nhưng thực ra là để tặng cho “sang” chứ không phải kinh doanh hoặc khi bán không được phải đem phát miễn phí. Nếu như thế, trừ tất cả các chi phí, phía BTC sẽ cầm chắc lỗ vốn.
Trước đó, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn thường trả tiền bản quyền các ca khúc của Trịnh Công Sơn trực tiếp cho đại diện của gia đình là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh với mức 1,5 triệu đồng/bài.
Vị đại diện này cũng cho biết, phía BTC nhất trí thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bản quyền nhưng mức tiền thu phải cân đối và hợp tình hợp lí với từng buổi biểu diễn, chứ không phải định ra giá quá cao rồi lại kỳ kèo mặc cả, bớt một thêm hai như cách làm của VCPMC hiện nay.