| Hotline: 0983.970.780

Lúng túng quản lý chuyên ngành sau khi sát nhập

Thứ Tư 14/11/2018 , 13:30 (GMT+7)

Từ sau khi sáp nhập các trạm, để có được thông tin dịch bệnh trên cây trồng tại các huyện, Chi cục BVTV Bạc Liêu đã phải cử cán bộ xuống từng địa bàn để nắm tình hình, bởi các trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện không gửi báo cáo...

Đã 4 tháng nay, Cục BVTV không nhận được báo cáo của Bình Phước về tình hình dịch hại ở cây trồng trên địa bàn tỉnh. Sở dĩ có điều đó là vì sau khi sáp nhập các trạm thuộc ngành nông nghiệp (trong đó có trạm BVTV) để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, thì đã không còn sự phối hợp thông tin giữa các huyện với Sở NN-PTNT Bình Phước về công tác BVTV.
 

Thiếu phối hợp, khó phát hiện dịch hại

4 tháng qua cũng là thời gian mà các huyện, TX thuộc tỉnh Bình Phước đã thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các Trạm trực thuộc Chi cục Trồng trọt - BVTV và Chi cục Chăn nuôi - Thú y. Các Trung tâm này do UBND huyện, thị xã quản lý và trả lương.

13-35-59_sp_xep_bo_my_ngnh_nong_nghiep_-_bi_2
Sản xuất lúa ở ĐBSCL

Trong một báo cáo hồi tháng 9/2018 gửi lên Cục BVTV, ông Lê Xuân Trí, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Phước (Chi cục hiện đã không còn tồn tại), cho biết, việc chuyển giao các trạm về UBND các huyện để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện được thực hiện kể từ 1/6/2018, nhưng đến tháng 9, công tác quản lý nhà nước về BVTV trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn chưa có quy chế phối hợp do việc sắp xếp ở Văn phòng Sở vẫn chưa hoàn thiện.

Điều này khiến công tác báo cáo, chỉ đạo trong thời gian qua bị gián đoạn. Do các biên chế của nhân viên BVTV tại các Trạm đã nhập vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện nên công tác dự tính, dự báo tình hình dịch hại ở địa phương không có đơn vị thực hiện. Cũng không có đơn vị nào giám sát các hoạt động hội thảo quảng bá sản phẩm BVTV, khảo nghiệm… ở các địa phương.

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở một số địa phương khác đã tiến hành việc sáp nhập các trạm của các chi cục thuộc Sở NN-PTNT thành trung tâm nông nghiệp cấp huyện. Như ở Bạc Liêu, đã tiến hành nhập 6 trạm của Chi cục Thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Quản lý và khai thác công trình thủy lợi, thành Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.

Từ sau khi sáp nhập các trạm, để có được thông tin dịch bệnh trên cây trồng tại các huyện, Chi cục BVTV Bạc Liêu đã phải cử cán bộ xuống từng địa bàn để nắm tình hình, bởi các trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện không gửi báo cáo số liệu điều tra dịch hại trên cây trồng lên Chi cục.

Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa (Chi cục Trồng trọt - BVTV Đăk Nông), sau khi sáp nhập ở cấp huyện, sự phối hợp giữa Chi cục thuộc Sở NN-PTNT với các trung tâm nông nghiệp thuộc UBND huyện là rất khó, mối gắn kết giữa Chi cục BVTV với cán bộ BVTV ở các huyện không còn như trước nữa, vì cán bộ BVTV ở các huyện giờ do UBND huyện trả lương.

Tại Đăk Nông, hiện mới chỉ có huyện Krông Nô thí điểm hợp nhất các trạm của ngành nông nghiệp thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc UBND huyện. Sau khi thành lập, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Krông Nô không còn tham gia họp giao ban thường kỳ về BVTV của Chi cục BVTV. Phần mềm quản lý số liệu dịch hại BVTV (PPDMS) tại Krông Nô bị hỏng, cũng không có ai báo cáo lên Chi cục BVTV.

Lúc bình thường đã vậy, những khi xảy ra dịch hại, nguy cơ các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện không nắm được tình hình dịch hại trên địa bàn là không nhỏ. Điều này đã từng xảy ra ở Lâm Đồng.

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, từ trước khi có Nghị quyết 19 khá lâu, vào năm 2004, Lâm Đồng đã thành lập trung tâm nông nghiệp cấp huyện, thay thế cho các trạm của các chi cục thuộc Sở NN-PTNT. Năm 2006, khi xảy ra dịch vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa ở Lâm Đồng, ngành BVTV tỉnh này đã không phát hiện ra. Thậm chí ngay ở đằng sau trụ sở của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà, có một đám ruộng bị cháy rầy mà không ai phát hiện thấy.

Vụ ĐX 2016/2017, thông qua phần mềm quản lý số liệu dịch hại BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam phát hiện thấy trong 4 tuần liền, số liệu về tình hình dịch hại trong báo cáo của 3 huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻ và Nam Cát Tiên không có gì thay đổi.

Theo Cục BVTV, đến nay, ở phía Nam, đã có 2 tỉnh thực hiện Nghị quyết 19 là Bình Phước và Bạc Liêu. Tuy nhiên, nội dung, quy chế làm việc mỗi tỉnh một cách, chưa có hướng dẫn chung của TƯ, chưa có quy chế phối hợp giữa trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và Chi cục Trồng trọt và BVTV (Bạc Liêu) hay Sở NN-PTNT (Bình Phước), nên việc điều tra, phát hiện dự tính dự báo tình hình sinh vật hại ở 2 địa phương trên bị nghẽn.

Nhận thấy có sự bất thường, Cục BVTV đã thông báo để Sở NN-PTNT Lâm Đồng xuống kiểm tra tình hình dịch hại ở 3 huyện này. Khi ấy, bọ xít muỗi và thán thư đã bùng phát, gây hại trên diện rộng ở các diện tích trồng điều của 3 huyện. Tình hình nghiêm trọng tới mức tỉnh Lâm Đồng đã phải công bố dịch hại trên cây điều ở 3 huyện nói trên.
 

Lo ngại công tác dự tính, dự báo dịch hại

Theo ông Lê Văn Thiệt, ngoài quản lý dịch hại, ngành BVTV các cấp còn có một chức năng rất quan trọng là dự tính, dự báo tình hình dịch hại. Chính vì vậy, hơn 40 năm qua, ngành BVTV đã nỗ lực xây dựng được cơ cấu tổ chức, hệ thống từ TƯ tới tận các huyện.

Ở nhiều tỉnh ĐBSCL, còn có đội ngũ kỹ thuật viên BVTV cấp xã. Chính đội ngũ kỹ thuật viên này đã giúp cho nhiều trạm BVTV kiểm soát tốt tình hình dịch hại trên địa bàn, nhất là những huyện có diện tích canh tác lớn. Như huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có diện tích canh tác lúa tới hơn 80.000ha, lớn hơn cả diện tích canh tác lúa của 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang cộng lại. Với diện tích quá lớn như vậy, trong khi nhân sự của Trạm BVTV huyện chỉ có 5 người, thì Trạm không thể nào điều tra, phát hiện được dịch hại trên toàn địa bàn nếu như không có sự hỗ trợ của kỹ thuật viên BVTV ở các xã.

Có thể nói, nếu không có hệ thống chân rết như vậy, công tác điều tra dịch hại, dự tính, dự báo tình hình dịch hại ở nhiều huyện sẽ không thể thực hiện được. Tuy nhiên, với việc không còn các trạm BVTV, thay thế bằng một trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, đang có nguy cơ khiến cho công tác dự tính, dự báo tình hình dịch hại ở nhiều huyện sẽ không còn hay bị gián đoạn một thời gian.

Như đã nói ở trên, đến nay, ở một số tỉnh phía Nam, các huyện đã thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất các trạm BVTV, Khuyến nông, Thú y... Tuy nhiên, nhìn chung, chức năng phòng chống dịch hại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ở những trạm này chưa được quy định rõ ràng. Có trung tâm đã được quy định chức năng phòng trừ dịch hại, nhưng chưa có chức năng dự tính, dự báo tình hình dịch hại.

Một điều đáng lưu tâm nữa là ở những tỉnh đã xây dựng được đội ngũ kỹ thuật viên BVTV cấp xã, nếu như Trạm BVTV không còn tồn tại, thì đội ngũ này nhiều khả năng cũng không còn được duy trì.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV:

Điều lo ngại nhất hiện nay là biến đổi khí hậu đang làm cho nhiều loại dịch hại chủ yếu bùng phát mạnh hơn, nhiều loại dịch hại vốn là thứ yếu phát triển lên thành dịch hại chủ yếu (được gọi là dịch hại mới nổi) như sâu năn trên cây lúa, bọ xít muỗi trên cây điều, sâu đục thân trên cây bưởi, chổi rồng trên cây nhãn, đốm nâu trên thanh long... Để quản lý được những dịch hại này là rất khó, cần phải có một hệ thống xuyên suốt từ TƯ xuống tới tận các huyện.

Vì vậy, ở các tỉnh, huyện đã và đang thực hiện sắp xếp lại bộ máy ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 19, cần sớm có sự phân công, phân trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan về công tác phòng chống, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên địa bàn.

Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An:

Thời gian đầu sau khi tổ chức sắp xếp lại, chắc chắn sẽ có nhiều lúng túng, khó khăn trong hoạt động của các trung tâm nông nghiệp cấp huyện do mới chuyển từ quản lý nhà nước sang hoạt động có thu. Vì vậy, để đảm bảo quản lý ngành vẫn được thông suốt từ tỉnh tới từng huyện, Sở NN-PTNT không được “buông” mà vẫn phải bám sát các huyện, đồng thời, các huyện cũng phải bám sát, phối hợp với Sở một cách chặt chẽ, với sự phân công, phân cấp trách nhiệm một cách rành mạch, rõ ràng.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.