Tuy nhiên, quá trình sắp xếp này đang bộc lộ ra khá nhiều sự lúng túng, bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quản lý chuyên ngành từ TƯ tới địa phương.
Mỗi nơi một kiểu
Tại các hội nghị gần đây do Bộ NN-PTNT hay các cơ quan thuộc Bộ tổ chức, việc sắp xếp lại bộ máy ngành nông nghiệp tại các tỉnh, huyện, tiếp tục trở thành vấn đề thời sự được các đại biểu quan tâm trao đổi bên cạnh nội dung chính. Đến khi giải lao, câu chuyện chính của các cán bộ ở các tỉnh, vẫn là chuyện sắp xếp lại bộ máy hành chính của ngành ở các địa phương.
Việc sáp nhập các đơn vị, trong đó có các cơ quan chuyên môn như ngành BVTV cần thống, nhất xuyên suốt từ TƯ tới từng huyện thì mới tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước và sự chỉ đạo |
Thông tin đáng chú ý nhất là hầu hết các tỉnh, TP đều đã có đề án sắp xếp lại ngành NN-PTNT, nhưng mỗi nơi … làm một kiểu, nhất là việc sắp xếp lại các chi cục và đơn vị tương đương thuộc quản lý của Sở NN-PTNT, các trạm ở huyện.
Bình Phước có lẽ là địa phương “mạnh tay” nhất trong việc giảm mạnh các đầu mối quản lý ngành nông nghiệp. Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước, Chi cục Trồng trọt – BVTV, Chi cục Chăn nuôi – Thú y, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Phòng Thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, Trung tâm Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông, đã được hợp nhất để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trực thuộc Sở NN-PTNT.
Chức năng quản lý nhà nước của các chi cục nói trên được chuyển về Văn phòng Sở. Trung tâm Quy hoạch và Chi cục PTNT cũng đã được giải thể, chuyển chức năng quản lý nhà nước của Chi cục PTNT về Văn phòng Sở. Chức năng thanh tra chuyên ngành từ các chi cục được chuyển về Thanh tra Sở. Như vậy, ngành nông nghiệp Bình Phước hiện chỉ còn lại 2 chi cục là Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Thủy lợi.
Ở cấp huyện, từ 1/6/2018, các Chi cục Trồng trọt – BVTV và Chăn nuôi – Thú y Bình Phước đã chuyển giao các trạm trực thuộc để UBND các huyện thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện.
Ở tỉnh Ninh Thuận, cũng đã có đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp tỉnh trực thuộc Sở NN-PTNT trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi, hải sản cấp tỉnh cũng được thành lập từ sự hợp nhất Trung tâm Giống hải sản cấp I, Trung tâm Giống, cây trồng, vật nuôi và nhiệm vụ sự nghiệp của Chi cục Thủy sản. Như vậy, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Ninh Thuận còn lại 4 chi cục là Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi và Chi cục PTNT.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa (Chi cục Trồng trọt và BVTV Đăk Nông), cho biết, tỉnh đang lập đề án sáp nhập 3 chi cục là Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. Đến giờ vẫn chưa rõ sau khi sáp nhập, cơ quan mới sẽ là như thế nào, tên chính xác là gì, chi cục hay trung tâm?
Ở Đồng Nai, dự kiến sẽ sáp nhập Chi cục Trồng trọt – BVTV và Chi cục Thủy lợi, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Chi cục Thủy sản, Chi cục PTNT và Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An, trong các chi cục trực thuộc Sở, Chi cục Thủy lợi sẽ hợp nhất với Chi cục PTNT thành Chi cục PTNT và Thủy lợi; Chi cục Trồng trọt và BVTV hợp nhất với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thành Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản; Chi cục Chăn nuôi và Thú y hợp nhất với Chi cục Thủy sản thành Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Riêng Chi cục Kiểm lâm được giữ nguyên.
Như vậy, sau khi sắp xếp lại, Sở NN-PTNT Long An còn lại 4 chi cục trực thuộc. Trong các trung tâm thuộc Sở NN-PTNT Long An, Trung tâm Khuyến nông được đổi thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp tỉnh, Trung tâm giống vật nuôi đang tiến hành xã hội hóa, Trung tâm Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Đức Hòa được hợp nhất vào Trung tâm Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Long An …
Trong khi hầu hết các tỉnh, TP đã, đang hoặc chuẩn bị tổ chức, sắp xếp lại bộ máy ngành nông nghiệp, thì TP HCM lại không có động thái nào. Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, thông tin từ Sở NN-PTNT TP HCM cho hay, UBND TP HCM căn cứ vào Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP HCM, đồng thời cho rằng cơ cấu tổ chức ngành nông nghiệp của TP đã ổn định, nên tổ chức, bộ máy của Sở NN-PTNT TP sẽ không thay đổi. |
Tại các huyện của tỉnh Long An, 4 trạm thuộc Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Chi cục Thủy lợi, đã được hợp nhất lại để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện.
Chờ văn bản hướng dẫn
Đến thời điểm này, trong khi một số tỉnh đã bắt tay vào thực hiện đề án tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của ngành NN-PTNT, thì nhiều địa phương khác, dù đã xây dựng đề án, nhưng vẫn đang tiếp tục ... nghe ngóng, chờ đợi.
Một số địa phương dù đã có đề án, nhưng trước mắt vẫn giữ tổ chức của ngành nông nghiệp như hiện nay, và sẽ thực hiện đề án vào năm 2021, là năm cuối của lộ trình tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu mà NQ19 đề ra.
Trao đổi với Báo NNVN, đại diện một số Sở NN-PTNT đều cho rằng, sở dĩ địa phương chưa bắt tay thực hiện đề án, vì đang chờ đợi một văn bản hướng dẫn từ Chính phủ, để các tỉnh căn cứ vào đó mà có sự tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, hợp lý hơn.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, do chưa có hướng dẫn chung, nên việc mỗi tỉnh xây dựng đề án sắp xếp lại ngành NN-PTNT theo một kiểu, sẽ rất khó cho việc phối hợp sau này giữa các địa phương, nhất là trong những lĩnh vực nhiều khi cần có sự phối hợp chung để nâng cao hiệu quả quản lý như BVTV, thú y ...
Chẳng hạn, để phối hợp trong công tác BVTV, trước đây, tỉnh nào cũng có Chi cục Trồng trọt và BVTV, nên khi cần phối hợp trong lĩnh vực này, chỉ cần liên lạc với Chi cục Trồng trọt và BVTV của tỉnh cần phối hợp. Bây giờ, tỉnh này vẫn giữ Chi cục Trồng trọt và BVTV, tỉnh nọ nhập Chi cục này với 1 hay vài chi cục khác để thành 1 chi cục mới, tỉnh kia lại nhập các chi cục thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp tỉnh, thì khi cần liên hệ, phối hợp về công tác BVTV với các tỉnh khác, sẽ không biết phải liên hệ với những cơ quan nào.
Ông Lê Văn Thiệt cũng cho rằng Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn chung để thực hiện việc tổ chức sắp xếp lại ngành NN-PTNT một cách đồng bộ ở các địa phương. Chứ cứ để mỗi tỉnh sắp xếp lại theo một kiểu như hiện nay, sẽ rất khó cho sự phối hợp sau này giữa Cục BVTV với các địa phương, giữa các địa phương với nhau trong công tác kiểm dịch, phòng chống dịch hại trên cây trồng.