“Tại Việt Nam, đảm bảo lương thực chính là nền tảng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam minh bạch, trách nghiệm, bền vững”. Đây là thông điệp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc muốn chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực - thực phẩm của Liên hợp quốc.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về hệ thống lương thực thực phẩm (UNFSS 2021) do Tổng thư ký LHQ António Guterres chủ trì tổ chức nhân dịp Khóa họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ đã diễn ra vào ngày 23/9/2021.
Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế, thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, đóng góp ý kiến về chủ đề có ý nghĩa hết sức thiết thực này.
Lương thực không bao giờ được lãng phí
Trên thế giới có ít nhất 1/3 lượng lương thực bị thất thoát và lãng phí hằng năm. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính lượng lương thực lãng phí khiến thế giới lên đến 1.000 tỉ USD mỗi năm, và theo đó 1/4 lượng nước ngọt được sử dụng trong nông nghiệp bị lãng phí, đông thời là căn nguyên dẫn đến gia tăng 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh thế giới có 690 triệu người phải hứng chịu những cơn đói trải dài theo năm tháng, và con số này còn có nguy cơ tăng thêm 130 triệu người do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, hơn 3 tỷ người không đủ khả năng có một chế độ ăn uống lành mạnh. Mức độ lãng phí lương thực hiện tại là một điều đáng báo động khi mỗi ngày cứ 10 người thì có 1 người đi ngủ khi bụng đói.
Cụm giải pháp “Lương thực không bao giờ được lãng phí” - Food is never waste ra đời tại UNFSS 2021 như một nỗ lực nhằm hỗ trợ các quốc gia trên toàn cầu giảm 50% mức độ lãng phí lương thực vào năm 2030. Mỗi quốc gia sẽ đặt mục tiêu giảm lãng phí lương thực phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững 12.3 (SDG 12.3), đo lường mức độ lãng phí lương thực để thiết lập cơ sở, xác định các điểm nóng lãng phí lương thực để ưu tiên và theo dõi tiến độ theo thời gian và hành động bằng cách thực hiện các chính sách thực tiễn. Trước đó các quốc gia G7 đã cam kết thực hiện cách tiếp cận này vào tháng 5/2021.
Cụm giải pháp cùng các nội dung can thiệp cụ thể sẽ được triển khai bởi nhiều tổ chức khác nhau, trong đó các lãnh đạo là một phần của Champions 12.3 - liên minh tự nguyện của các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho tham vọng, biến hành động thành thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững 12.3.
Thông qua “Food is never waste”, LHQ sẽ hỗ trợ các nước thực hiện các nội dung và mục tiêu bằng cách nâng cao nhận thức cho các bên liên quan cũng như toàn công dân; tạo điều kiện kết nối giữa các đơn vị cấp cơ sở, các tổ chức lớn, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức công để hỗ trợ giảm lãng phí lương thực; kêu gọi các nguồn lực tài chính góp sức cho nỗ lực giảm lãng phí lương thực...
Vì trẻ em và toàn nhân loại
Hội nghị cũng đề cập đến thực trạng ở nhiều nơi, từ nông thôn đến thành thị, các hệ thống thực phẩm đang gặp khó khăn trong việc cung cấp một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em từ các hệ thống thực phẩm bền vững.
Với UNFSS, định nghĩa về một chế độ ăn lành mạnh chính là “một chế độ ăn giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật; cung cấp chất dinh dưỡng và các chất tăng cường sức khỏe ở ngưỡng chỉ đủ, không thừa từ thực phẩm bổ dưỡng, đồng thời tránh tiêu thụ các chất có hại cho sức khỏe. Một chế độ ăn uống lành mạnh từ một hệ thống thực phẩm bền vững phải “đầy đủ, an toàn, đa dạng và hài hòa về tỉ lệ”.
UNFSS đã quy tụ các chính phủ, xã hội dân sự, những doanh nghiệp, các cơ quan quốc tế, nông dân, thanh niên và nhiều cá nhân khác để cùng nhau đóng góp vào việc chuyển đổi hệ thống lương thực. Họ đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chế độ ăn lành mạnh từ các hệ thống thực phẩm bền vững luôn sẵn sàng cho toàn thể nhân loại.
Có một thực tế rằng các chính sách (bao gồm các quy định, luật, tiêu chuẩn), chương trình và thông lệ thường tập trung vào các mục tiêu cụ thể của ngành, dẫn đến sự phân tán trong bức tranh chung. Làm thế nào để các chiến dịch được UNFSS đứng ra đại diện (hướng tới bữa ăn trường học, thực phẩm bị thất thoát lãng phí…) phù hợp với nhau, củng cố và bổ sung cho nhau, hướng tới chế độ ăn lành mạnh từ hệ thống thực phẩm bền vững, vẫn là điều chưa được làm sáng tỏ.
Tầm nhìn chung của “Liên minh Hành động vì Chế độ ăn lành mạnh từ Hệ thống Thực phẩm Bền vững cho Trẻ em & Toàn nhân loại” là một thế giới nơi tất cả mọi người có thể ăn thức ăn lành mạnh từ các hệ thống thực phẩm bền vững. Liên minh hướng tới mục tiêu chế độ ăn uống lành mạnh luôn đảm bảo sẵn sàng, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho tất cả những người dễ bị suy dinh dưỡng nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và cả những cộng đồng dân tộc thiểu số lẫn người bản địa. Mục tiêu gần là giảm một nửa số lượng người không có đủ khả năng có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp tác với các bên liên quan để đảm bảo lượng thực phẩm được sản xuất từ các hệ thống thực phẩm bền vững.
Phát triển nông nghiệp Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững
Chia sẻ ý kiến với Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự phối hợp giữa các quốc gia và các đối tác trong hệ thống lương thực, thực phẩm phải vì lợi ích của người dân, nhấn mạnh lương thực chính là nền tảng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng "minh bạch, trách nhiệm, bền vững", thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDG.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số đề xuất tại Hội nghị:
Thứ nhất, chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang tích hợp đa giá trị, bao gồm kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan, môi trường; bảo đảm phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu và những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19; chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bảo đảm cung ứng lương thực, giảm thất thoát và lãng phí lương thực; sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo đảm đa dạng sinh học.
Thứ hai, đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; phát huy vai trò của người nông dân, khuyến khích sự tham gia của các khối tư nhân, đầu tư sáng tạo, có trách nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng nguồn hợp tác công tư hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng và cập nhật Bảng cân đối dinh dưỡng Quốc gia, lấy đó làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối; tăng cường giáo dục và truyền thông để tạo môi trường thực phẩm lành mạnh, thói quen ăn uống hợp lý, cân đối dinh dưỡng, xu thế tiêu dùng xanh có trách nghiệm, tránh thất thoát và lãng phí.
Thứ tư, chuyển đổi số cần đi cùng với đổi mới chính sách, thể chế, trong đó lấy người nông dân và người tiêu dùng làm trung tâm.
Thứ năm, Việt Nam sẽ hình thành các mạng lưới đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng tham gia các khuôn khổ hợp tác của LHQ, nhắm tới phát triển thành một trung tâm sáng tạo về lương thực thực phẩm ở khu vực.
Thứ sáu, để phát triển bền vững hệ thống lương thực cần mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo rủi ro về thiên tai và dịch bệnh; quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học, rừng, quản lý nguồn nước xuyên biên giới và tài nguyên biển.