Tất niên là gì?
Tất niên là một nghi thức nhằm đánh dấu kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Lễ được tiến hành vào những ngày cuối năm âm lịch.
Đây là dịp để các thành viên trong gia đình được sum họp. Họ gặp mặt và chuẩn bị bữa cơm thân mật sau một năm làm việc mệt mỏi. Và cùng nhau chuẩn bị cho một năm mới may mắn, bình an.
Mâm cỗ cúng tất niên gồm những gì?
Bữa cơm tất niên được xem là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Đây là thời khắc các gia đình mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản chuyện bếp núc cũng như mời ông bà, tổ tiên về sum họp cùng con cháu.
Không chỉ dừng lại ở đó, bữa cơm tất niên cùng là dịp để cháu con sum vầy, cùng nhau ăn uống, chuyện trò để tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới đầy hanh thông, may mắn.
Chính vì những ý nghĩa ấy mà năm nào vào chiều ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp, các gia đình đều tổ chức tất niên.
Mâm cỗ cúng tất niên không cần chuẩn bị quá cầu kỳ. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình mà biện lễ cho phù hợp.
Thông thường, mâm cơm cúng tất niên gồm các món: Thịt gà luộc, giò lụa, dưa hành, bánh chưng, cá kho, canh miến,... Trước đây tại một số nơi còn chuẩn bị đủ 6 bát, 8 đĩa, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây các gia đình đã giản lược bớt chỉ làm các món phổ thông.
Bên cạnh những món mặn, mâm cỗ cúng tất niên còn có thêm hoa quả, hương hoa, tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu,...
Gia chủ sau khi chuẩn bị đủ các lễ vật thì bày lên ban thờ, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ thắp hương và đọc văn khấn.
Mâm cỗ cúng Tất niên tại 3 miền có gì khác?
1. Mâm cúng Tất niên miền Bắc
Mâm cúng Tất niên ở miền Bắc thường gồm 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa…có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cụ thể, mâm cỗ cúng tất niên truyền thống của người miền Bắc bao gồm các món sau:
- Bánh chưng
- Dưa hành
- Giò nạc, giò thủ
- Hành cuốn
- Nem
- Rau nộm
- Măng ninh lưỡi lợn
- Mọc nước
- Cơm 3 bát
2. Mâm cỗ cúng Tất niên miền Trung
Đối với miền Trung, mâm cúng Tất niên sẽ bao gồm:
- Bánh chưng, bánh tét
- Dưa món củ kiệu
- Giò lụa
- Thịt đông
- Gỏi gà bóp rau răm
- Nem
- Măng ninh khô
- Canh miến
- Cá chiên hay ram
- Cơm 3 bát
3. Mâm cúng Tất niên miền Nam
Còn tại miền Nam, Mâm cỗ cúng tất niên lại bao gồm:
- Bánh tét
- Dưa giá củ kiệu
- Thịt heo luộc
- Thịt kho tàu
- Gỏi cuốn
- Nem
- Gỏi tôm thịt
- Măng tươi ninh
- Khổ qua nhồi thịt
- Cơm 3 chén
Những lưu ý khi cúng Tất niên
Cúng tất niên như thế nào cho đúng và làm sao để có mâm cơm cúng đầy đủ là điều mà nhiều độc giả quan tâm trong ngày tết đến xuân về.
Khi chuẩn bị cúng tất niên, gia chủ không cần thiết phải chuẩn bị quá cầu kỳ nhưng không được quá sơ sài. Dưới đây là một điều mà bạn cần lưu ý để lễ cúng tất niên cuối năm diễn ra suôn sẻ:
- Nên chuẩn bị bình hoa tươi thay vì sử dụng hoa giả.
- Nên đặt thêm 1 mâm cúng nhỏ riêng ở phía dưới bàn thờ chính. Trên bàn thờ chính nên trưng ít hoa quả tươi, tiền giấy vàng mã, nước trà.
- Tránh khắc khẩu và gây đổ vỡ thì theo quan niệm cha ông thì điều này mang đến sự không may mắn cho gia đình.
- Mâm ngũ quả: Nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín. Có thể chọn chuối, bưởi, dưa hấu, cam, quýt, phật thủ, táo… Không nên dùng quả xanh, quả giả để cúng gia tiên. Hoa bày bàn thờ có thể là một cành đào nhỏ hoặc các loại hoa ly, thược dược…
- Cách bài trí mâm cỗ cúng Tất niên cũng hết sức quan trọng. Tùy theo cách bố trí bàn thờ của gia chủ mà có cách bày hợp lý. Tuy nhiên, mâm cỗ mặn nên bày ở một chiếc bàn con, đặt dưới bàn thờ chính. Mâm ngũ quả, hoa tươi, vàng mã đặt ở trên.
- Sau khi hoàn thành mâm cỗ, người lớn tuổi trong nhà hoặc chủ nhà sẽ thắp hương đọc văn khấn. Những người còn lại làm lễ theo. Việc cúng lễ này chính là lòng thành của con cháu để gửi lời mời ăn Tết tới thần linh, tổ tiên, gia tiên…