19h00, màn đêm đen đặc như nhung. Anh Hải, một thợ đánh cá ở thôn Nam Hài, tình nguyện chèo thuyền dẫn chúng tôi dạo quanh làng. Khung cảnh của một vùng đất tan hoang dần hiện ra nhờ chiếc đèn pin đeo trước trán người lái đò. Nửa làng Nhân Lý đã bị nước nhấn chìm, chỉ còn trơ trọi những ngọt cột điện và mái nhà lô nhô trên mặt nước. Thế nên, nếu anh Hải không chỉ, người ngoại đạo như tôi chẳng thể biết phía dưới con thuyền là nghĩa địa ma hay cánh đồng lúa.
|
Tránh đâu cho khỏi thoát nước |
Bị dòng nước cô lập, đôi vợ chồng già Nguyễn Văn Cường và Lê Thị Lộc vẫn cố thủ trên gác 2. Suốt 10 ngày qua, những bữa cơm chỉ có mì tôm và bát canh trứng loãng. Giường chiếu tầng 1 đã ngập, ông Cường trải chiếu cạnh những bao thóc cao ngất để nằm. Trận ngập năm 2008, ông từng chết hụt vì suýt bị những bao tải thóc đổ vào người, giờ lại thêm nỗi lo rắn rết theo nước lần mò vào nhà khiến đôi vợ chồng sợ hãi, chong mắt vào màn đêm.
Ông Cường chia sẻ, khổ nhất là cảnh thiếu nước sạch. Bát cơm ăn xong; chiếc áo mặc bẩn…, tất cả được giặt, rửa bằng dòng nước ngập lụt ô nhiễm. Mấy hôm trước, bà Lộc mắc bệnh tiêu chảy, ông Cường phải chèo thuyền ra tận Trung tâm xã để xin thuốc uống 3 ngày mới khỏi.
Hơn một tuần không có bóng điện, tối đến, cuộc sống của hàng trăm cư dân thôn Nhân Lý chẳng khác nào người mù. Một số nhà hảo tâm và chính quyền đã hỗ trợ nến cho người dân, nhưng trung bình mỗi gia đình chỉ nhận được 3 đôi. Đến nay, nguồn nến thắp sáng đã cạn nhưng không làm cách nào để mua được nến, các thành viên trong gia đình đành nằm ngủ sớm cho hết đêm buồn. Nhịp sống dường như bất động.
Do không thể di tản, trước khi nước ngập làng, ông Phùng Đức Cảnh (62 tuổi ở thôn Nhân Lý) nháo nhào đóng cọc kê kích 4 chân giường cao thêm 1,5m mới thoát được cảnh ngập giường. Lúc tôi đến, mực nước trong thôn dâng cao kỷ lục, ông Cảnh vô cùng lo lắng bởi không biết nương náu chỗ nào.
|
Dù kê giường cao lên 1m nhưng nước lũ vẫn chờ trực nhấn chìm chỗ ngủ của vợ chồng ông Phùng Đức Cảnh ở thôn Nhân Lý |
“Vừa rồi xác gia súc, gia cầm chết người ta vứt đầy đồng. Ăn không ăn được, tắm không tắm được, tôi bị nấm ăn hết kẽ da chân, da tay, ngứa gãi rát ràn rạt. May mà ngành y tế cấp thuốc, tôi bôi vào cũng đỡ hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, gần 50 năm nay xã Nam Phương Tiến mới lại có trận ngập lụt sâu như thế. Năm ngoái, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về thăm vùng ngập lụt của huyện Chương Mỹ và nói rằng: Các cơ quan, ban ngành và địa phương phải nghiên cứu phương án di dân vùng ngập lụt, để người dân ổn định cuộc sống lâu dài. Thế nhưng, từ đó đến nay, chẳng thấy thấy tăm hơi dự án di dân nào.
Nhiều người dân xã Nam Phương Tiến cho rằng, TP phải có chính sách đặc thù để hỗ trợ thường niên cho người dân vùng phân lũ. Bởi nếu nhà nước không hạ cao trình mặt đê tả sông Bùi 1 thấp hơn so với các tuyến đê khác, thì người dân các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Tốt Động… của huyện Chương Mỹ không phải chịu cảnh ngập lụt như bây giờ.
Lên phương án di dời 14.000 dân ở huyện Chương Mỹ Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nước lũ trên sông Bùi đang có chiều hướng rút. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mực nước lũ vẫn ở mức báo động 3. Nguy cơ mất an toàn vẫn có thể xảy ra trong điều kiện nước ở thượng nguồn tiếp tục dồn về. Hiện tuyến đê tả Bùi 2 đã được gia cố trên đoạn dài khoảng 2km. Hàng chục ngàn bao tải cát đã được các chiến sỹ bộ đội cùng người dân xếp chồng 6 lớp - 3 hàng với độ cao gần 1m để chống tràn. Hiện phương án di dời 14.000 dân ở huyện Chương Mỹ cũng đã được thành phố Hà Nội tính đến, sẵn sàng triển khai nếu mực nước tiếp tục dâng cao để đảm bảo thiệt hại ít nhất xảy ra. |