Ngày 9/12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh về công tác kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Phạm Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, vụ thu đông vừa qua, nông dân trong tỉnh xuống giống trên 75.000ha lúa. Đến nay, đã thu hoạch được trên 40.000ha. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến giá thành sản xuất lúa của tỉnh tăng lên rất nhiều. Theo điều tra sơ bộ của Sở NN-PTNT Trà Vinh, giá thành sản xuất trên mỗi kg lúa của nông dân địa phương dự kiến là 4.800 đồng/kg. Trong đó, chi phí đầu tư cao 22-23 triệu đồng/ha. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, thuốc BVTV tăng từ 10-40%, phân bón tăng từ 40-100%. Lợi nhuận người dân đạt được chỉ từ 5-8 triệu đồng/ha.
Vụ ĐX 2021-2022, tỉnh có kế hoạch xuống trên 53.900 ha lúa ĐX. Tập trung làm hai đợt chính, đợt 1 từ ngày 15/11-30/11 với diện tích gần 5.500ha, diện tích còn lại sẽ xuống giống vào đợt 2 từ 5/12-30/12. Đến nay, tỉnh đã xuống giống được trên 7.200ha, tập trung tại các địa phương ven biển như Trà Cú, Cầu Ngang.
Trên cây màu, năm 2022 tỉnh Trà Vinh có kế hoạch gieo trồng 52.900ha, sản lượng trên 1,35 triệu tấn. Còn trên cây lâu năm, Trà Vinh cũng có kế hoạch gieo trồng 42.600ha, sản lượng ước tính trên 573 nghìn tấn. Trong đó, cây ăn quả có diện tích 18.600ha còn lại là cây dừa. Kế hoạch chuyển đổi cây trồng, năm 2022 dự kiến chuyển đổi trên đất lúa là 1.338ha, trong đó chuyển đổi sang cây khác là 766ha.
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của Trà Vinh cũng còn nhiều khó khăn, ông Phạm Thanh Truyền kiến nghị Bộ NN-PTNT về các vấn đề bình ổn giá vật tư nông nghiệp; bổ sung dự án cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh nguồn nước; hỗ trị kinh phí xây dựng các mô hình khuyến nông; giải pháp quản lý giống; mã số vùng trồng; chuyến đổi số nông nghiệp cho ĐBSCL; sớm ban hành thông tư về cơ giới hoá nông nghiệp. Nhất là đầu tư cho tỉnh nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng kè bờ biển chống sạt lở, bởi địa phương đang chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng của biến đổi khí hậu,…
Đối với vấn đề lịch thời vụ của Trà Vinh, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị tỉnh sắp xếp lại lịch mùa vụ để phù hợp với lịch mùa vụ của Bộ, góp phần chuyển đổi sinh kế bà con vùng đồng bào khó khăn.
Ngoài ra, ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị tỉnh xây dựng lịch gieo sạ kết hợp với nguồn nước và dự báo rầy nâu. Trong bối cảnh giá vật tư phân bón tăng cao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các tiến bộ khoa học 3G3T, IPM, tăng cường bón phân hữu cơ, giảm giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Thiệt cũng đánh giá cao sự phối hợp của Chi cục Trồng trọt và BVTV Trà Vinh để nhân nuôi ong kí sinh, bọ đuôi kìm để phòng trừ bọ cánh cứng trên cây dừa. Đối với cây dừa biện pháp sinh học là biện pháp rất an toàn, do đó cần đẩy mạnh biện pháp sinh học.
Đối với cấp mã số vùng trồng cho các thị trường khó tính và thị trường Trung Quốc. Nhất là đối với thị trường Trung Quốc, hiện Bộ NN-PTNT đã giao cho đơn vị tỉnh cấp mã số. Ông Thiệt đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV nhanh chóng đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để mở lớp cấp mã số vùng trồng, để địa phương thực hiện cấp mã số vùng trồng, quản lý dịch hại cũng như tuyên truyền tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi tham gia thị trường.
Sau khi nghe ý kiến của địa phương và của đơn vị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh vụ lúa ĐX là vụ quan trọng trong năm. Cuối năm nay, hạn mặn có thể xuất hiện, Thứ trưởng đề nghị địa phương tranh thủ xuống giống dứt điểm vào tháng 12 để né mặn vào cuối vụ.
Thứ trưởng chia sẻ vấn đề khó khăn khi giá vật tư đầu vào tăng cao của địa phương. Theo Thứ trưởng đây là vấn đề khó khăn chung của nền kinh tế. Trước mắt, Thứ trưởng đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV Trà Vinh phổ biến mạnh mẽ cho nông dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật như 3G3T, 1P5G…trong đó, chú trọng giảm lượng giống gieo sạ để giảm được ít nhất 1/3 lượng phân bón.
Đối với vấn đề sạt lở do biến đổi khí hậu, dự án hồ trữ nước ngọt, Thứ trưởng cũng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị của Bộ xem xét tranh thủ bổ sung nguồn vốn cho tỉnh. Nhất là dự án hồ nước ngọt sông Láng Thé.
Bến Tre: Khuyến cáo không xuống vụ đông xuân 2021-2022
Tỉnh Bến Tre có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 15.000ha. Hiện nông dân trong tỉnh đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa thu đông. Theo ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Do điều kiện sản xuất, thông thường chi phí sản xuất lúa của tỉnh cao hơn các địa phương khác. Vụ thu đông này, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón. Do đó dự kiến, nông dân sản xuất lúa đạt lợi nhuận thấp”.
Cũng theo ông Nam, hàng năm, vụ lúa ĐX thường rơi vào thời điểm hạn mặn xảy ra. Cũng như mọi năm, năm nay tỉnh Bến Tre khuyến cáo nông dân trong tỉnh không xuống giống vụ lúa ĐX 2021-2022. Tuy nhiên, có một số nông dân bỏ vụ thu đông gieo sạ sớm vụ ĐX nên khả năng né được mặn.