| Hotline: 0983.970.780

Tăng hiệu quả quản lý nước trong canh tác lúa, giảm giá thành ở ĐBSCL

Thứ Năm 09/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong canh tác lúa, đã giúp nông dân trong vùng dự án VnSAT tiết kiệm nhiều tỷ đồng/vụ, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Giảm 2 - 3 lần bơm tưới/vụ

Do đặc điểm địa lý tỉnh Sóc Trăng nằm cuối dòng sông Hậu và tiếp giáp biển Đông hơn 70 km, phần lớn vùng đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh vào mùa khô chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn thường niên.

Trong đó, nỗi lo canh cánh của nông dân canh tác lúa là sợ thiếu nước ngọt. Mùa hạn - mặn, nước ngọt  không còn là nguồn tài nguyên vô tận. Làm thế nào để sử dụng, quản lý nước tiết kiệm mà vẫn đạt hiệu quả trong sản xuất lúa luôn là vấn đề bức bách.

Tham gia dự án VnSAT, đường đê bao nội đồng được đầu tư kiên cố hóa, giúp nông dân quản lý nước trên đồng ruộng hiệu quả hơn, tránh bị thất thoát khi bơm tưới. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Tham gia dự án VnSAT, đường đê bao nội đồng được đầu tư kiên cố hóa, giúp nông dân quản lý nước trên đồng ruộng hiệu quả hơn, tránh bị thất thoát khi bơm tưới. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Trong hơn 5 năm qua, từ năm 2015, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (kết nối vùng nguyên liệu lúa gạo), đầu tư trang thiết bị (nhà kho, máy sấy, máy cấy, máy thu gom rơm rạ…) và hoạt động chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo bền vững cho nông dân vùng dự án. Trong đó, tập huấn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, qua đó đã mở ra hướng mới giúp nông dân canh tác lúa đạt hiệu quả vượt hơn mong đợi.

Anh Trương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hưng Lợi ở ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: Áp dụng quản lý nước ướt - khô xen kẽ trong canh tác lúa theo quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm” đã giúp bảo đảm đem lại lợi nhuận ăn chắc cho bà con nông dân. Lẽ đương nhiên là phải áp dụng đồng bộ giải pháp như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc trừ sâu bệnh...

Có thể dẫn chứng thực tế tại đồng ruộng của HTX Hưng Lợi. Lúc đầu, bà con vẫn canh tác theo tập quán cũ, gieo sạ dày tới 20 - 30 lúa giống kg/công, nước vô tư bơm vào ngập ruộng ngập ruộng đồng. Vì vậy, khi thấy cán bộ Dự án VnSAT hướng dẫn, khuyến cáo giảm lượng giống xuống gieo sạ xuống chỉ còn 10 - 15 kg/công, bà con ban đầu rất hoài nghi, tuy nhiên sau đó đã bị thuyết phục bởi hiệu quả năng suất lúa vẫn tương đương, thậm chí còn tăng hơn cách làm cũ.

Đường đê bao nội đồng trong vùng dự án VnSAT được kiên cố hóa, giúp nông dân thuận tiện trong vận chuyển vật tư và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Đường đê bao nội đồng trong vùng dự án VnSAT được kiên cố hóa, giúp nông dân thuận tiện trong vận chuyển vật tư và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Ngoài ra, bà con còn thấy được lợi ích từ phương pháp sạ lúa thưa đã giúp giảm được phân bón, cây lúa có ánh nắng, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hại. Nhờ bón ít phân đạm (Urê), rễ lúa ăn sâu vào đất, cây lúa cứng cáp, không đổ ngã, dễ thu hoạch bằng máy nên ít hao hụt lúa rơi vãi. Riêng khoản tiết kiệm nước trong mỗi vụ, từ 6 lần bơm trước đây giảm xuống chỉ còn 3 - 4 lần (mỗi lần bơm chi phí hơn 150.000 đồng/ha trong khoảng 3 giờ, chi phí bơm 50.000 đồng/giờ).

Vào mùa khô hạn từ cuối tháng Chạp bắt qua đến Tết Nguyên đán, mặn xâm nhập vào các cánh đồng ở Long Phú nên buộc phải đóng cống. Tuy nhiên, hiện nay HTX Hưng Lợi có 538 hộ thành viên, canh tác trên cách đồng liên kết sản xuất hơn 600 ha và 100% nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ đã không còn nỗi lo thiếu nước tưới ruộng lúa cuối vụ đông xuân, áp lực không còn căng thẳng như trước.

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng

Tại Kiên Giang, dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố trọng điểm về sản xuất lúa, gồm Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành, Gò Quao, U Minh Thượng và Rạch Giá. Mục tiêu dự án đề ra là có tổng diện tích 30.813 ha, với 16.283 hộ nông dân tham gia. Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang là đơn vị tham gia tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia dự án VnSAT Kiên Giang.

Sử dụng máy gieo cụm, nông dân trong vùng dự án VnSAT chỉ cần 70 - 80 kg lúa giống/ha, giảm được khoảng 50% so với tập quán sạ lan truyền thống. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Sử dụng máy gieo cụm, nông dân trong vùng dự án VnSAT chỉ cần 70 - 80 kg lúa giống/ha, giảm được khoảng 50% so với tập quán sạ lan truyền thống. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng phòng Thông tin Huấn luyện và Hợp tác (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang) cho biết, đến nay, đơn vị đã tập huấn được 409 lớp, gồm 206 lớp “3 giảm 3 tăng”, 203 lớp “1 phải 5 giảm”, số lượt nông dân tham gia là 42.567 người, diện tích canh tác 48.583 ha, vượt xa so với mục tiêu đề ra.

Qua công tác tập huấn, đã giúp nông dân thấy rõ được lợi ích khi giảm vật tư đầu vào trong sản xuất lúa. Cụ thể, giảm lượng lúa giống gieo sạ từ mức 150 - 200 kg/ha trước đây xuống còn 100 - 120 kg/ha hiện nay. Tùy thuộc vào phương thức gieo cấy, nếu cấy máy thì chỉ cần khoảng 60 - 80 kg lúa giống/ha, máy sạ cụm 80 - 100 kg/ha. Sạ thưa bằng máy phun hạt tối đa cũng chỉ ở mức tối đa 120 kg/ha.

“Gieo sạ thưa cũng chính là tiền đề giúp nông dân giảm phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Riêng về nước tưới, nhờ áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ trong vụ lúa, trung bình nông trong vùng dự án VnSAT giảm khoảng 30% so với canh tác truyền thống trước đây. Với diện tích canh tác hàng chục ngàn ha, việc tiết giảm này giúp tiết kiệm được nhiều tỷ đồng mỗi vụ, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nhà nông và sản xuất bền vững hơn”, ông Dũng đánh giá.

Riêng về nước tưới, nhờ áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ trong vụ lúa, trung bình nông trong vùng dự án VnSAT giảm khoảng 30% so với canh tác truyền thống trước đây. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Riêng về nước tưới, nhờ áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ trong vụ lúa, trung bình nông trong vùng dự án VnSAT giảm khoảng 30% so với canh tác truyền thống trước đây. Ảnh: Đào Trung Chánh.

Tương tự, anh Võ Quốc Trung, phụ trách kỹ thuật của Dự án VnSAT Sóc Trăng cho biết: Quá trình thực hiện dự án VnSAT, tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện trên quy mô vùng sản xuất lúa 43.000 ha, với 29.000 hộ thành viên của 31 HTX tham gia, thuộc 30 xã tại 6 huyện (Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Thạnh Trị). Đến nay, hiệu quả ghi nhận của dự án đã có 75.640 người được hưởng lợi. Hơn 20.000 ha đã áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững. Lợi nhuận tăng thêm trên 30% so với trước và vùng ngoài dự án. Diện tích sản xuất lúa có liên kết tiêu thụ lúa đạt trên 94% kế hoạch dự án (mục tiêu 6.700 ha/vụ trong vùng dự án).

Qua khảo sát diện tích thực tế, nông dân đã áp dụng trong vùng dự án tương đương 20.000 ha/vụ, cơ cấu sản xuất 2 vụ/năm. Lượng nước tiết kiệm hàng năm tương đương 390 triệu m3 nước/năm. Lượng nước tiết kiệm này đặc biệt có ý nghĩa, nhất là vào những tháng cao điểm trong mùa khô hàng năm ở vụ đông xuân. Qua đó, trung bình chi phí bơm tưới (bơm động cơ máy) khoảng 200.000 đồng/lần/ha,  tiết kiệm trong 2 vụ lúa/năm tương đương 16 tỉ đồng/năm.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, trong đó có tác động của kỹ thuật quản lý nước ướt – khô xen kẽ đã mang lại nhiều ý nghĩa. Rõ nhất là giảm nước tưới so với tập quán canh tác truyền thống và sử dụng hợp lý nguồn nước hơn.

Cụ thể, trong canh tác lúa vào mùa khô đã giảm bơm tưới 2 - 3 lần/vụ. Phương pháp giữ ngập liên tục, lượng nước cần cung cấp để tạo ra 1 tấn lúa sử dụng khoảng 4.500 m3 - 5.000 m3, khi áp dụng kỹ thuật ướt – khô xen kẽ, lượng nước tiết kiệm được 25 - 30%, giảm khoảng 1.500 m3 nước/tấn lúa. Thông qua biện pháp kỹ thuật này, các vùng dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính tương đương 181.000 tấn CO2.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.