| Hotline: 0983.970.780

Mặt cô gái mưng mủ sau tiêm filler làm đầy rãnh má

Thứ Sáu 02/10/2020 , 14:22 (GMT+7)

Cô gái 26 tuổi được một thẩm mỹ viện tiêm 1ml filller (chất làm đầy) vào hai bên rãnh mũi, má với giá 3.5 triệu đồng, sau đó bị nhiễm trùng.

Mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng, bên trong niêm mạc miệng có vết loét. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng, bên trong niêm mạc miệng có vết loét. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngày 2/10, Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và chỉ định nhập viện một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler) để làm đầy rãnh mũi, má.

Bệnh nhân L.N.L.K. (26  tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) đến khám tại Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM trong tình trạng mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng, bên trong niêm mạc miệng có vết loét, bệnh nhân không sốt, than đau nguyên vùng má, hàm bên trái và vách mũi ăn uống kém.

K. kể lại, trước đó, 6 ngày, K. đến một viện thẩm mỹ tại quận 1 và được nhân viên ở đây tư vấn tiêm 1ml chất làm đầy với giá 3.5 triệu đồng cho hai bên rãnh mũi, má.

Sau khi tiêm bên trái, K. thấy đau nhói và cơn đau vẫn kéo dài sau đó nên nhân viên tại viện thẩm mỹ lập tức tiêm thuốc giải ngay.

Sau tiêm 2 ngày, K. bị sưng đau môi - nhân trung bên trái nên quay lại viện thẩm mỹ và được nhân viên ở đây hướng dẫn đến một phòng mạch tư để được xử lý. Tuy nhiên, sau điều trị một ngày thì mặt sưng và rỉ dịch mủ nhiều hơn nên K. đến một bệnh viện quốc tế để cấp cứu và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM.

Môi bị phù nề sau tiêm filler. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Môi bị phù nề sau tiêm filler. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ths.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, mặt bên trái của bệnh nhân L.N.L.K có triệu chứng viêm, phù nề và nhiễm trùng do biến chứng của việc tiêm chất làm đầy.

Có ba nguyên nhân có thể gây tình trạng tai biến này. Thứ nhất có thể đến từ chất làm đầy là hàng trôi nổi, không tinh khiết dẫn đến phản ứng của cơ thể đối với một chất lạ như chất làm đầy.

Nguyên nhân thứ hai có thể đến từ kỹ thuật tiêm. Nếu tiêm không đúng kỹ thuật sẽ làm chèn ép hoặc tắc mạch máu gây phù nề và nguy hiểm hơn là hoại tử da hoặc mù…

Nguyên nhân thứ ba là do không đảm bảo nguyên tắc vô trùng trước, trong và sau khi tiêm chất làm đầy.

“Cụ thể trường hợp bệnh nhân này có hiện tượng tắc mạch do tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến vùng da quanh miệng và nếp mũi, má tím tái, hoại tử và nhiễm trùng, đóng mài vàng. Việc tiêm thuốc giải nếu thực hiện sai kỹ thuật sẽ càng làm tai biến trầm trọng hơn”, bác sĩ Thảo Hiền nói.

Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh toàn thân, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương hàng ngày.

Theo bác sĩ Thảo Hiền, thời gian hồi phục ít nhất phải từ 10-14 ngày. Di chứng để lại có thể là sẹo, rối loạn sắc tố da…

Bác sĩ Lê Thảo Hiền thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Lê Thảo Hiền thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trước đó, Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào vùng mông. Hậu quả trường hợp tai biến nhẹ thì vùng mông phát ban, trường hợp nặng thì mông sưng to, xuất hiện lỗ dò và chảy dịch ra ngoài phải mất nhiều thời gian điều trị mới trở lại tình trạng ban đầu.

Trung bình mỗi tháng Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận vài trường hợp tai biến chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết chất làm đầy ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Bác sĩ Thảo Hiền cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, chất làm đầy được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ. Nó giúp xóa các nếp nhăn vùng mặt, làm đầy vùng hõm má, hõm thái dương, rãnh má sâu…

Ngoài ra, chất làm đầy cũng được sử dụng trong một số chỉ định tạo hình thẩm mỹ như nâng mũi, làm đầy cằm, đầy môi, tạo khuôn mặt V-line… Tuy nhiên, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc và chất lượng… sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Thảo Hiền khuyến cáo, những người đang có ý định tiêm chất làm đầy để làm đẹp nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối, kiểm tra hạn sử dụng.

Người thực hiện thủ thuật bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ và đã được đào tạo về kỹ thuật tiêm chất làm đầy.

Đặc biệt, sau khi tiêm chất làm đầy nếu có dấu hiệu bất thường (đau, sưng, rỉ dịch, mờ mắt, da tím tái..) thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.