| Hotline: 0983.970.780

Máu bé trai chuyển màu nâu do ngộ độc MetHemoglobin

Thứ Năm 22/04/2021 , 21:06 (GMT+7)

Bé trai rối loạn nhịp tim, môi, các đầu tri tím tái sau 1 tuần uống thuốc da liễu do ngộ độc MetHemoglobin. May mắn BV Nhi đồng 1 còn một liều thuốc giải độc.

Ngày 22/4, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé trai 8 tuổi (ngụ Cần Thơ) được Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vào 13h30 ngày 20/4 với chẩn đoán rối loạn nhịp tim, theo dõi ngộ độc MetHemoglobin.

Các bác sĩ Bệnh viên Nhi đồng Cần Thơ xét nghiệm cho thấy toan máu, tăng lactate, rối loạn nhịp tim. Test nhanh thấy máu màu nâu, không đỏ lại khi tiếp xúc không khí nghi ngờ bị ngộ độc MetHemoglobin. Do tình trạng bệnh nhi nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu cho bé.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, các bác sĩ đã tiến hành dùng ống tiêm 10 ml rút 1ml máu bệnh nhi và hút thêm 9 ml không khí, lắc nhẹ nhiều lần cho hồng cầu tiếp xúc oxy trong không khí. Máu của bệnh nhi vẫn giữ màu nâu, không đỏ lại chứng tỏ test Methemoglobin dương tính.

Sau đó, bác sĩ nhỏ 1 giọt máu của bệnh nhi lên giấy thấm để so với bảng màu chuẩn ước lượng tỉ lệ % Methemoglobin máu. Đây là một kỹ thuật học thích hợp để chẩn đoán nhanh ngộ độc Methemoglobin khi không có máy xét nghiệm đặc hiệu Co-oximetry định lượng nồng độ MetHb trong máu.

Ngoài ra, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm nhanh Co-oximetry xác định chẩn đoán ngộ độc Methemoglobin.

“Rất may mắn cho bé là bệnh viện Nhi Đồng 1 còn 1 ống thuốc giải độc Methylen Blue”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết.

Ngay lập tức bé trai được tiêm thuốc giải độc. Sau khi tiêm thuốc vài phút, môi bé đã hồng hào trở lại, các đầu chi hết tím, nhịp tim bình thường, độ bão hòa oxy trong máu tăng lên rõ rệt. Định lượng nồng độ MetHb trong máu sau khi tiêm thuốc giải độc chỉ còn 0,9% (bình thường 0-3%).

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, ngộ độc MetHemoglobin thường do uống, tiếp xúc các thuốc và hóa chất gây Methemoglobin thường gặp như Nitrites (có trong củ dền, nước giếng…), thuốc súng Chlorates, thuốc chữa bệnh (Dapsone, Quinones, Sulfonamides), thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin.

Triệu chứng thường gặp của ngộ độc Methemoglobin là môi xanh tím, tím các đầu ngón tay chân mới xuất hiện gần đây, trong trường hợp nặng sẽ có dấu hiệu tím tái toàn thân, suy hô hấp.

Test nhanh chẩn đoán và ước lượng nồng độ MetHemoglobin đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán ngộ độc Methemoglobin. Điều trị giải độc bằng Methylen Blue rất có hiệu quả, tuy nhiên thuốc Methylen Blue rất hiếm, hầu như không có tại các bệnh viện nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc Methemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các ca ngộ độc Methemoglobin nặng, góp phần cứu sống bệnh nhân.

Trước đó 1 tuần, gia đình đưa bé trai đi khám da liễu và được bác sĩ cho uống thuốc, thoa thuốc không rõ nhãn hiệu trong 1 tuần. Trong khoảng thời gian này, bé vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến chiều 19/4 bé than mệt, môi và các đầu ngón tay và chân tím. Ngay lập tức gia đình đưa bé nhập bệnh viện Long Mỹ và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.