Đem thuốc giải độc từ Hà Nội vào TP.HCM cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum
Tại Miếu Chiêu Liêu (Khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) ngày 20/3, bà C.N.H (53 tuổi) và em gái là bà C.N.M (42 tuổi) cùng ngụ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cùng nấu bún riêu chay (trong đó, nguyên liệu nấu bún riêu chay do bà C.N.M tự đi chợ mua, có chả chay và hộp pate chay bị phồng - PV), cơm, khổ qua kho, đậu hũ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc để phục vụ bữa trưa cho khoảng 25-30 người là phật tử đang sinh hoạt tại đây. Miếu Chiêu Liêu do cha của hai chị em bà C.N.H và C.N.M chủ trì.
Sau bữa ăn, bà C.N.H có biểu hiện chóng mặt, mờ mắt, cứng lưỡi, khó nuốt. Đến 6 giờ sáng hôm sau, bà được đưa đến bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển đến Bệnh viện nhân dân 115 (TP.HCM) ngày 21/3. Bà bị hôn mê sâu, liệt tứ chi, chân tay không cử động, không đáp ứng bất kể kích thích nào, trước đó ngưng tim một lần.
Em gái là C.N.M có triệu chứng tương tự được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong sau khi gia đình xin về do bệnh nặng. Giấy ra viện ghi chẩn đoán viêm não, viêm tủy, viêm thân não. Con gái bà C.N.M là P.N.T.T (16 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị nghi nhiễm độc Botulinum toxin ngày 22/3.
Chiều 25/3, thêm ba trường hợp cùng ăn bún riêu có cùng biểu hiện mệt mỏi tay chân, mờ mắt, đơ lưỡi nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Tất cả 6 trường hợp trên đều bị ngộ độc botulinum với các triệu chứng tương tự nhau như sụp mi, nuốt khó, suy hô hấp, nhược cơ…
Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào trong hơn 30 năm qua, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc.
Tháng 9/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc botulinum đưa từ Thụy Sĩ về Việt Nam để cứu người bị ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay. Trong đó, 8 lọ thuốc được dùng cứu các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay vào năm ngoái. Thuốc có giá 8.000 USD một lọ, hạn sử dụng hai năm.
Hai lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) còn lại, được bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mang vào TP.HCM tối 25/3.
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, bà C.N.H (53 tuổi) được truyền một lọ huyết thanh kháng độc. 3 giờ sau khi truyền huyết thanh, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ từ 1/5 đã tăng lên 2/5 và có biểu hiện nghe hiểu.
Còn bệnh nhi P.N.T.T được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 truyền 2/3 lọ lúc 19g30 ngày 25/3, sau 3 giờ truyền bệnh nhi có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến sáng 26/3, khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
1/3 lọ thuốc BAT còn lại được ưu tiên truyền cho trường hợp nặng nhất trong ba người đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 là nữ bệnh nhân 42 tuổi.
Thay huyết tương
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, trong 4 bệnh nhân nghi ngộ độc botulinum điều trị tại bệnh viện thì hai người còn lại không có thuốc giải độc nên các bác sĩ đã áp dụng biện pháp thay huyết tương để lọc bỏ chất độc, cũng như nhiều biện pháp hỗ trợ khác để giữ tính mạng bệnh nhân như lọc máu, thở máy, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhóm B, tập vật lý trị liệu…
Đó là bệnh nhân 43 tuổi (nữ) và 22 tuổi (nữ) mỗi người được thay huyết tương ba lần. Hiện, cả hai có biểu hiện gọi biết, thực hiện làm theo y lệnh, thở máy, không rối loạn huyết động, mở hé mắt.
Điều đáng nói là hai bệnh nhân này lại không có bảo hiểm y tế, hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, chi phí mỗi lần thay huyết tương khoảng 25 triệu đồng. Trước mắt, Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ đạo y bác sĩ nỗ lực cứu bệnh nhân, chi phí sẽ tính toán vận động sau.
Theo các bác sĩ, vi khuẩn Clostridium Botulinum ngăn chặn dẫn truyền thần kinh cơ, làm cho bệnh nhân yếu cơ. Khi có thuốc kháng độc tố sẽ giúp giải độc botulinum. Về nguyên tắc, truyền càng sớm càng tốt, khi độc tố chưa kịp phát tác nhiều trong cơ thể.
Với kỹ thuật thay huyết tương, máu người bệnh được rút ra khỏi cơ thể, sau đó sẽ được tách làm hai phần gồm phần huyết tương và phần tế bào máu. Phần huyết tương chứa chất độc gây bệnh sẽ được thay mới, cùng với phần tế bào máu ban đầu, sau đó được truyền trở lại cơ thể người bệnh. Phương pháp này có hiệu quả khá tốt đối với nhiều loại bệnh, giúp giảm tỷ lệ tử vong, giảm di chứng, rút ngắn thời gian điều trị.
Việc thay huyết tương chỉ lấy chất độc trong máu bỏ đi, riêng chất độc đã gây ức chế dẫn truyền thần kinh thì phải đợi nó tự hồi phục. Trong khi đó, thuốc giải độc tố tác động cả vào bên trong thần kinh, nên rất cần cho bệnh nhân ngộ độc botulinum.
Bộ Y tế khuyến cáo, các loại thực phẩm đóng hộp, khi bị căng phồng, biến dạng thường có nguy cơ nhiễm độc tố, không nên sử dụng. Nên ăn chín uống sôi, sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc.
Khi dùng thức ăn chứa độc tố botulinum, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.