| Hotline: 0983.970.780

Ngàn lẻ một chuyện làng

Mấy mươi năm đèn dầu chỉ mong ánh điện

Thứ Tư 14/04/2021 , 10:48 (GMT+7)

Qua rồi cái thời họ nhìn ánh điện sáng ở các vùng quê 'láng giềng' bằng ánh mắt đượm buồn. Bây giờ, họ không còn buồn nữa, bởi điện đã về.

Đó là chuyện ở những thôn, ấp vùng sâu các xã biên giới của huyện Bù Đăng, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Cách đây chỉ hơn 1 năm, điện lưới đã toà sáng những vùng quê nghèo này, khiến lòng người ai nấy đều hân hoan.

Đèn dầu đã đi vào dĩ vãng

Nằm cách trung tâm xã chỉ gần 20km, nhưng cách đây vài năm, thôn 10, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng vẫn là một trong những thôn khó khăn nhất của xã. Toàn thôn có hơn 200 hộ, phần lớn là đồng bào S’tiêng, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt, người dân thôn này đã mấy mươi năm sống trong cảnh đèn dầu leo lét.

Đã nghèo lại càng nghèo hơn khi sản xuất nông nghiệp đều phải làm thủ công. Hộ nào khá lắm mới dám sắm chiếc máy phát điện nhỏ. Những đứa trẻ học bài trong ánh đèn dầu tù mù…

Cách đây chừng 3 năm, người dân thôn 10, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng chưa từng thấy hình ảnh này. Ảnh: Phúc Lập.

Cách đây chừng 3 năm, người dân thôn 10, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng chưa từng thấy hình ảnh này. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Đốm, cư dân thôn 10 nhớ lại: “Hồi đó, đi qua mấy vùng có điện, thấy người ta tưới vườn cây bằng máy, ngay đàn heo, đàn gà cũng ăn ngủ trong ánh đèn điện, hàng ngày chúng được tắm bằng vòi hoa sen, rửa chuồng cũng bằng máy phun nước. Trong nhà ti vi, máy nghe nhạc xập xình suốt ngày.

Buổi tối, mấy đứa trẻ học bài trong ánh điện sáng chưng mà thèm, nghĩ không biết đời mình có được hưởng cảnh sống trong ánh điện hay không. Thế rồi hồi đầu năm, thấy nhà nước về trồng cột điện, bà con chúng tôi thấp thỏm mừng. Mong mãi rồi cũng đến ngày đó…”.

Đến thăm gia đình ông Đốm, chúng tôi thấy ông đã sắm sửa khá nhiều thiết bị, đồ dùng phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, quạt máy, nồi cơm điện… Ngoài vườn, ông sắm máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất như máy bơm, lắp đặt hệ thống tưới tự động.

“Gia đình tôi có hơn 2ha cà phê và sầu riêng, trước không có điện lưới, phải tưới bằng máy dầu, vất vả lắm, nhất là mùa khô phải tưới cả ngày lẫn đêm. Giờ có điện nhà nước, chăm sóc thuận tiện hơn nhiều, nhất là cây được chăm bón, cung cấp nước tưới kịp thời nên phát triển tốt hơn. Tôi đã lắp hệ thống tưới tự động cho cà phê, đang chuẩn bị lắp cho vườn sầu riêng”, ông Đốm kể.

Bây giờ, họ đã cầm trong tay chiếc vòi tưới bằng máy. Trước đó không lâu, họ chỉ nhìn người dân các nơi khác tưới cây bằng máy với anh mắt thèm thuồng. Ảnh: Phúc Lập.

Bây giờ, họ đã cầm trong tay chiếc vòi tưới bằng máy. Trước đó không lâu, họ chỉ nhìn người dân các nơi khác tưới cây bằng máy với anh mắt thèm thuồng. Ảnh: Phúc Lập.

“Đối với bà con vùng quê nghèo này, mỗi gốc điều, cà phê, cao su là một tài sản. Cuộc sống hàng ngày trông hết vào chúng. Nhưng bao năm qua canh tác khó khăn, năng suất thấp, nay điện về, cuộc sống người dân bắt đầu được nâng cao, bà con mừng lắm. Ngày khi chưa có điện, nhìn tụi nhỏ cặm cụi dán mắt sát cuốn tập học bài, thấy xót lắm. Nay thì nhẹ lòng cái khoản học hành của trẻ con rồi.

Từ khi có điện, tối ăn cơm xong, mở ti vi xem, không phải đi tới đi lui, hết vào nhà lại ra sân, ra ngõ vì nóng nực, ngủ không được nữa. Bây giờ ở đây cũng bắt đầu có những vườn cây ăn trái hiện đại, tưới bằng máy, tưới nhỏ giọt, chẳng thua gì các nơi”, ông Đinh Văn Lướt, hàng xóm ông Đốm khoe.

Nhớ lại hồi ngành điện về trồng cột, bà con đổ xô ra xem, reo hò, rồi sau đó, rất nhiều nhà đã tự nguyện chặt bỏ cây trồng sát đường điện vì vướng dây. Nhiều nhà còn hiến mấy mét đất vườn để trồng cột điện.

“Khi nhận được thông báo của chính quyền về việc đầu tư cho đường dây điện, bà con rất phấn khởi. Nên đa số bà con, nhà nào có cây vướng đường dây là vui vẻ chặt ngay. Cũng có vài nhà không chịu chặt, nhưng khi nghe giải thích là nếu không chặt, thì không làm được đường dây, không có điện đâu. Nghe vậy họ làm liền”, bà Trần Thị Bé, Phó trưởng Thôn 10, xã Bom Bo nhớ lại.

Giấc mơ thành hiện thực

Xã biên giới Thanh Hòa vốn là xã khó khăn nhất của huyện Bù Đốp. Do địa hình không thuận lợi, giao thông khó khăn, nên việc đưa điện lưới về các thôn, ấp vùng sâu gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, thời điểm này, Thanh Hòa đã thay đổi.

Nhờ có điện, người dân ấp 5, xã Thanh Hoà mới dám đầu tư một chuồng nuôi heo quy mô. Ảnh: Phúc Lập. 

Nhờ có điện, người dân ấp 5, xã Thanh Hoà mới dám đầu tư một chuồng nuôi heo quy mô. Ảnh: Phúc Lập. 

Đến đây lập nghiệp từ năm 1993, bà Đặng Thị Tuyết, ở ấp 5, xã Thanh Hòa, từng sống trong cảnh đèn dầu đằng đẵng hơn 25 năm, khó khăn chồng chất.

“Hồi đó, dù có vườn, rẫy, nhưng lao động cật lực cũng chỉ đủ ăn, kha khá chứ rất không thể giàu. Chỉ riêng sống trong cảnh tù mù đã khổ lắm rồi”, bà Tuyết nói.

Nay điện về, hàng trăm người dân thôn cùng bà Tuyết mừng vui khôn xiết. “Hơn 70 tuổi rồi, có nằm mơ cũng không ngờ là được thấy bóng điện sáng trong nhà thế này. Mừng nhất là giờ có thể sắm cái máy bơm, tưới nhỏ giọt cho vườn cây”.

Ông Huỳnh Văn Dũng, ở ấp 5, xã Thanh Hòa vui không kém: “Gia đình tôi có hơn 5 sào đất trồng quýt đường. Trước đây chưa có điện, để tưới cây, tôi phải đầu tư mua máy dầu hơn 10 triệu đồng. Mỗi lần tưới tốn thêm tiền dầu. Mà máy chạy cũng không ổn định, năng suất kém. Từ khi có điện, người vui mà cây cối cũng vui hay sao mà vườn cây phát triển tốt hơn hẳn, mình chăm cây cũng đỡ cực hơn”.

Nhờ có hệ thống tưới tự động, nhiều vườn tiêu ở xã Thanh Hoà phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Nhờ có hệ thống tưới tự động, nhiều vườn tiêu ở xã Thanh Hoà phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện là một trong những vùng khó khăn nhất của xã, từng được biết đến với cái tên ấp nhiều không: “Không điện, không đường, không nước sạch”. Cứ đến mùa khô, bà con phải đi cả chục cây số đến hồ Cần Đơn lấy nước. Thiếu nước nên đất đai cằn cỗi, cái nghèo cứ đeo bám. Hơn 80 hộ với trên 380 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người S’tiêng, được nhà nước cấp đất sản xuất, nhưng làm không đủ ăn, nguyên nhân một phần vì không có điện.

Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu là khu vực đặc biệt khó khăn của xã Phước Thiện. Cách trung tâm huyện hơn 25km, có trên 200 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại rất khó khăn.

Ông Điểu Cre, Phó Trưởng ấp Mười Mẫu kể: “Năm 2005, Nhà nước đã cấp đất Chương trình 134 cho bà con sản xuất rồi, nhưng lúc đó chưa có điện. Muốn thắp sáng, phải mua bình ắc quy. Mà bất tiện lắm, dùng vài hôm nó hết, phải mang đi sạc xa lắm. Bình điện cũng chỉ được vài tháng là hư. Cuối cùng, mọi người cũng bỏ. Giờ có điện, bà con ai cũng vui mừng. Mừng nhất là cả đường cũng làm lại, trường, trạm cũng có hết rồi”.

Đoàn viên, thanh niên xã Thanh Hoà, huyện Bù Đốp, Bình Phước, tự nguyện đóng góp ngày công, làm 'công nhân vá đường' ở những đoạn đường thôn chưa được bê tông hoá. Ảnh: Trần Lâm.

Đoàn viên, thanh niên xã Thanh Hoà, huyện Bù Đốp, Bình Phước, tự nguyện đóng góp ngày công, làm "công nhân vá đường" ở những đoạn đường thôn chưa được bê tông hoá. Ảnh: Trần Lâm.

“Trước đây điện không có, chỉ dùng đèn dầu thôi. Tội mấy đứa nhỏ. Nay nhà nước quan tâm, có điện rồi, thích lắm. Có ti vi xem, mấy đứa có đèn học, có máy bơm nước để tưới tắm chứ ngày xưa chỉ toàn đi tắm hồ, tắm suối thôi”, anh Điểu Phước, ở thôn Mười Mẫu nói.

Đến nhà anh Điểu Tuấn ở ấp Mười Mẫu (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp), tôi thấy em Thị Hoa, học sinh lớp 7, con gái đầu của vợ chồng anh Điểu Tuấn vừa đi học về, đang chơi cùng em trước sân nhà, tôi cười, hỏi: “Từ ngày có điện, kết quả học có cao hơn không?”, cô bé bẽn lẽn: “Cháu không biết, nhưng mà có điện cháu thích học hơn, điện sáng viết nhanh hơn, không bị mỏi mắt. Em cháu cũng nói thế”.

Khi điện về, bộ mặt những thôn, ấp từng một thời khó khăn của Phước Thiện, Thanh Hoà thay đổi hẳn. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Đi ngoài đường, thấy đâu đó vang vọng âm thanh của đô thị phát ra từ những chiếc ti vi, dàn âm thanh karaoke.

Ông Vũ Viết Duy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: ở các thôn chưa có điện, đời sống bà con rất khó khăn, có đất canh tác nhưng quanh năm vẫn thiếu thốn. Vì không có điện, tiêu, cà phê, cây ăn trái khác khó chăm sóc. Nhiều người đầu tư máy bơm chạy dầu, nhưng hiệu quả cũng không cao, chi phí lớn... từ khi điện về, nhiều người đã mua máy bơm xăng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, học hỏi để đầu tư mô hình nông nghiệp hiện đại”.

Tỉnh Bình Phước xác định, việc đưa điện về các vùng sâu vùng xa, đến từng hộ gia đình, là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội. Do địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, nên việc đưa điện về đến những vùng xa nhất gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, đến nay điện lưới đã cơ bản “phủ sóng” đến những vùng xa nhất của tỉnh”, ông Lê Tấn Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước.

Xem thêm
Nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá.

Huyện vành đai xanh có gần 13.000 lượt nông hộ thu 150- 200 triệu đồng/năm

Huyện Ứng Hoà là vành đai xanh của TP Hà Nội, chủ yếu phát triển nông nghiệp, trong giai đoạn năm 2021-2023 đã có 12.765 lượt hộ nông dân thu nhập 150- 200 triệu đồng/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Du lịch Ninh Bình thu hơn 7.200 tỷ đồng trong 9 tháng

Trong 9 tháng đầu năm, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt gần 7,3 triệu lượt. Doanh thu du lịch hơn 7.200 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất